Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục nhân rộng mô hình đại học tự chủ

(Dân trí) - Ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thủ tướng đánh giá cao mô hình tự chủ của nhà trường và đề nghị tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng mô hình này cho các trường đại học trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham quan và làm việc
tại trường ĐH Tôn Đức Thắng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham quan và làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Trong buổi làm việc, GS.TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo với Thủ tướng tình hình hoạt động của trường. Là trường công lập nhưng ngay từ đầu hoạt động trường không nhận kinh phí từ Ngân sách Nhà nước và cơ quan chủ quản. Trường tự chủ về tài chính từ năm 2008. Sau 17 năm hoạt động, trường vượt qua nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, đến nay trở thành trường đại học có thứ hạng trong hệ thống với gần 1.000 cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng tuyển chọ và đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Đến nay, trường đạt tỷ lệ hơn 90% sinh viên có việc làm ngay năm đầu tốt nghiệp.

Dịp này, GS Lê Vinh Danh kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ tạo điều kiện cấp thêm đất để trường tiếp tục xây dựng và phát triển. Trong đó, nhu cầu trước mắt, trường cần xây dựng thêm trung tâm giáo dục quốc phòng, khoa dược, khoa y và bệnh viện 1.000 giường bệnh để phục vụ người nghèo.

Thủ tướng lắng
nghe báo cáo của lãnh đạo, cán bộ nhà trường
Thủ tướng lắng nghe báo cáo của lãnh đạo, cán bộ nhà trường.

Sau khi lắng nghe báo cáo và kiến nghị của nhà trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian phát biểu và nhắn nhủ với lãnh đạo, cán bộ nhà trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chủ trương của Đảng, Nhà nước đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo mà mục đích chính là nâng cao chất lượng đào tạo các cấp học để hướng tới mục tiêu chung cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu chung cao nhất của là xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh. Phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh bền vững. Muốn làm điều đó thì không ai giúp được ngoại trừ chính bản thân dân tộc Việt Nam phải làm. Hiệu quả tới đâu, thành công tới đâu, tất cả đều quyết định vào trí tuệ và chất lượng nguồn nhân lực mà bắt nguồn vào giáo dục đào tạo.

Thủ tướng cũng cho rằng trong các cấp thì chất lượng phổ thông thì dù cần cố gắng hơn nhưng không đáng lo lắm, điều này không phải chủ quan hoàn toàn vì con em học sinh mình chỉ thêm ngoại ngữ nữa thì khi ra học nước ngoài thì bất cứ trường nào thì cũng đạt loại tốt. Tuy nhiên điều trăn trở là chất lượng đào tạo nghề và dạy học của mình còn khoảng cách với khu vực và thế giới xa quá. Làm sao đào tạo nghề, trung cấp, CĐ, ĐH ra phải ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực, sánh vai quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng phát biểu ý kiến
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc.

Chủ trương của TƯ Đảng đổi mới căn bản giáo dục để làm sao đạt mục tiêu này thì chúng ta phải tiến hành nhiều giải pháp. Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, nghề… phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó phải có tự chủ. Tự chủ về tài chính, nhân sự và đào tạo.

Thủ tướng phát biểu: “Tự chủ mà không tự chủ tiền thì không làm được gì cả. Lương 40 triệu thì mới có thầy giỏi hay 20 triệu mới có cán bộ quản lý giỏi, phải nói thật với nhau vì không thể sống bằng không khí, nước lã được. Yêu nước thật, muốn đóng góp cho ngành giáo dục thật nhưng trước hết phải có tiền để sống đã, không chỉ cho mình mà còn cho gia đình nữa. Ai cũng phải thế, nếu lương giờ còn không đủ sống thì làm sao có thầy giỏi, cán bộ giỏi”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá rất cao khi trường thực hiện được mô hình mà tôi rất muốn nhân rộng ra đó là tự chủ. Tôi đi nhiều nước và tham quan nhiều cơ sở đào tạo cho thấy những cơ sở phát triển nhanh đa phần đều được tự chủ. Tôi ủng hộ các trường tự chủ, tự chủ không phải bất chấp tất cả mà trong khuôn khổ cho phép mà trước hết là dựa vào nghị quyết của TƯ Đảng. Nếu không làm được ngay thì làm từng bước chứ không thể mỗi cái xin cho thì không thể phát triển được”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của trường, tự chủ từ nguồn thu phù hợp, mức học phí tăng theo lộ trình một mặt để trường hoạt động được, vừa trả lương vừa tích lũy để đầu tư, sinh viên nào khó khăn được Chính phủ cho vay. Chính phủ cũng đang nâng mức cho vay lên đối với sinh viên khó khăn, có như vậy thì các trường mới thực hiện tự chủ được. Nhà nước sẽ hỗ trợ về đất, vay vốn để đầu tư xây dựng mở rộng trường.
 
Được biết, hôm nay Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng tổ chức lễ tiếp nhận Chứng nhận đạt chuẩn đại học 3 sao do Tổ chức gắn sao đại học thế giới QS Stars Ranking (Anh quốc) công nhận và tiếp nhận 2 Bằng sáng chế khoa học công nghệ do Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) cấ.  Đây là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được cấp bằng sáng chế khoa học công nghệ của USPTO. Hai sáng chế này thuộc lĩnh vực hỗ trợ y khoa, gồm giường bệnh thông minh và thiết bị thông minh nâng đỡ bệnh nhân. Từ năm 1975 đến nay, cả nước chỉ có 9 bằng sáng chế do chủ thể Việt Nam sở hữu, trong đó, ĐH Tôn Đức Thắng được hai bằng sáng chế mới nhất do USPTO chứng nhận.
 
Lê Phương