Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục - đào tạo
(Dân trí) - Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và đào tạo. Ủy ban là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo.
Thủ tướng Chỉnh phủ làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và đào tạo.
Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và đào tạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Nhiệm vụ của Ủy ban là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan và tập trung nguồn lực đầu tư để đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Đồng thời, Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quốc gia, cơ chế, chính sách, giải pháp có tính chất liên ngành để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính liên ngành để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, dạy nghề…Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban.
Ủy viên thường trực của Ủy ban là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các Ủy viên gồm: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Tổng Thư ký Ủy ban là Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban có Bộ phận giúp việc đặt tại Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, Ủy ban có thể lập các tổ chức tư vấn về các vấn đề chuyên môn là đại diện một số tổ chức liên quan và chuyên gia được mời làm việc theo nhiệm vụ và có thời hạn.Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành 26/5/2014.
Quyết định cũng đã nêu rõ giải thể các Ban Chỉ đạo được thành lập tại các Quyết định: Quyết định 1160/QĐ-TTg ngày 5/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 8/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo xây dựng các trường đại học xuất sắc, Quyết định 927/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 24/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực và Đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2011-2020.
Căn cứ vào Quyết định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thành lập Ban chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo để chỉ đạo việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hồng Hạnh