Thủ tướng: Cần có cơ chế riêng, tự chủ cho Trường ĐH Việt Nhật

(Dân trí) - Tại chuyến thăm và làm việc với trường ĐH Việt Nhật - ĐH Quốc gia Hà Nội chiều ngày 15/5/, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ hoàn toàn thống nhất, cần có cơ chế riêng, tự chủ cho Trường ĐH Việt Nhật.

Tham dự buổi làm việc có ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Việt, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn...


Sinh viên ĐH Việt Nhật tặng hoa Thủ tướng (Ảnh: Bùi Tuấn)

Sinh viên ĐH Việt Nhật tặng hoa Thủ tướng (Ảnh: Bùi Tuấn)

Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quy chế tài chính đặc thù cho trường ĐH Việt Nhật

Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng trường ĐH Việt Nhật ông Furuta Motoo khẳng định: Trường ĐH Việt Nhật nhận thức rất rõ vị trí của mình là một thực thể quan trọng góp phần đổi mới hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản.

Để thực hiện điều đó, trường ĐH Việt Nhật xác định cần áp dụng phương thức quản trị đại học tiên tiến và đào tạo chất lượng cao theo chuẩn Nhật Bản ngay từ đầu. Điều may mắn là sau khi được thành lập, trường có sự đồng hành của hơn 30 trường đại học Việt Nhật trong đó đặc biệt là ĐH Tokyo, ĐH Osaka, ĐH Tsukuba, ĐH Quốc lập Yokohama, ĐH Ritsumeikan, ĐH Waseda, ĐH Ibaraki và trường có sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ ĐH Quốc gia Hà Nội.

Hiệu trưởng Furuta Motoo cho hay, trường ĐH Việt Nhật có 4 sự khác biệt với các trường ĐH Việt Nam, thứ nhất, trường đặt mục tiêu phát triển thành trường ĐH nghiên cứu tập trung vào 2 lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu hoặc yếu là công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành.

Thứ hai, trường tập trung vào chất lượng cao và có tính quốc tế hóa cao với sự tham gia của các đại học hàng đầu Nhật Bản và sự liên thông, liên kết với các trường đại học thành viên khác của ĐH QGHN; Thứ ba, trường áp dụng triết lý giáo dục khai phóng, triết lý phát triển bền vững và lấy người học làm trung tâm; Thứ tư, trường có sự quan tâm lớn của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Furuta Motoo đã kiến nghị với Thủ tướng là Chính phủ sớm ban hành Quy chế tài chính đặc thù với sự hỗ trợ đặc biệt cho trường trong 10 năm đầu tương tự như Chính phủ đã hỗ trợ trường ĐH Việt Đức và trường ĐH Việt Pháp trước đây. Nếu ngay trong năm 2018, Chính phủ chưa kịp ban hành Quy chế tài chính đặc thù cho trường thì đề nghị Chính phủ có gói hỗ trợ tài chính đặc biệt cho Trường để chia sẻ chi phí đào tạo với phía Nhật Bản.

Đặc biệt, Chính phủ thúc đẩy việc phê duyệt đề xuất dự án xây dựng trường tại Hòa Lạc và xúc tiến việc vay vốn ODA Nhật Bản theo cơ chế ưu đãi dành cho việc xây dựng trường tại Hòa Lạc để trường có thể mở rộng quy mô đào tạo từ năm 2024. Trường đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ có tổng quy mô khoảng 2000 người học.

Tại buổi làm việc Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đầu tư cho trường ĐH Việt Nhật như những trường ĐH quốc tế khác và chỉ đạo TP.Hà Nội giải phóng mặt bằng khu Hòa Lạc để trường ĐH Việt Nhật xây dựng theo dự án đưa ra.

Ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với trường ĐH Việt Nhật. Nhật Bản mong muốn trường ĐH Việt Nhật đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản luôn liên kết chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để quyết tâm xây dựng trường ĐH Việt Nhật ngày càng phát triển.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Bùi Tuấn)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Bùi Tuấn)

ĐH Việt Nhật sớm trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trường Đại học Việt Nhật là một biểu tượng của quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; với mục tiêu trở thành trường đại học tiên tiến ngang tầm khu vực, quốc tế, có chất lượng cao, nơi hội tụ những tiến bộ của giáo dục quốc tế cũng như những thế mạnh và giá trị riêng của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Thủ tướng cho biết, ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục và đào tạo đóng vai trò then chốt, quyết định khả năng nắm bắt cơ hội đi tắt, đón đầu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của quốc gia. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một đột phá chiến lược về phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng cho rằng, trường Đại học Việt Nhật cần hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, là nơi cung cấp tinh hoa, nhân tài cho xã hội. Trường không chỉ tập trung vào chuyên môn mà cần chú trọng xây dựng văn hóa, tinh thần kỷ luật trong giới trẻ, phát triển toàn diện từ kỹ năng đến tư cách và khả năng nghiên cứu.

Đặc biệt, Trường cần liên kết chặt chẽ và hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình và nội dung đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản, bám sát nhu cầu thực tế tại Việt Nam và cập nhật với trình độ quốc tế.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm phòng học trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Bùi Tuấn)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm phòng học trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Bùi Tuấn)

Chính phủ Việt Nam cam kết cùng phía Nhật Bản phát triển thành công Trường Đại học Việt Nhật

Về 2 vấn đề mà Hiệu trưởng Furuta Motoo nêu ra, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương soạn thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập và xây dựng Cơ chế tài chính đặc thù cho các trường đại học hợp tác quốc tế, áp dụng cho Đại học Việt - Đức, Đại học Việt – Pháp (nay là Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội), Đại học Việt - Nhật,… (cơ chế về chế độ lương, đãi ngộ, học phí, quản trị, tự chủ,…). Chính phủ hoàn toàn thống nhất rằng cần có cơ chế riêng, tự chủ cho Trường ĐH Việt Nhật.

Các Bộ, cơ quan Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành các quy định về việc vay vốn ODA ưu đãi từ Chính phủ Nhật cho xây dựng Đại học Việt – Nhật. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản 6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, hai bên sẽ trao đổi thêm về việc này.

Đồng thời các cơ quan Việt Nam sẽ cố gắng hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2018; cân đối vốn đối ứng, thực hiện các hoạt động chuẩn bị để triển khai xây dựng Trường tại Hòa Lạc.


Thủ tướng chụp ảnh với lãnh đạo và sinh viên trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Bùi Tuấn)

Thủ tướng chụp ảnh với lãnh đạo và sinh viên trường ĐH Việt Nhật (Ảnh: Bùi Tuấn)

Thủ tướng tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp của Trường Đại học Việt Nhật với nền tảng là sự quyết tâm và thống nhất về mục tiêu giữa Lãnh đạo Việt Nam, Nhật Bản, là sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các trường đại học hai nước trên cơ sở tình hữu nghị, sự hiểu biết, hợp tác chân thành và bình đẳng.

"Chính phủ Việt Nam cam kết cùng phía Nhật Bản phát triển thành công Trường Đại học Việt Nhật, sớm trở thành một biểu tượng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị thắm thiết, văn hóa tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản" - Thủ tướng khẳng định.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm