Thứ trưởng GD-ĐT: Ngân sách khó khăn nhưng phải đảm bảo quỹ lương
(Dân trí) - Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại hội nghị kế hoạch ngân sách 2014 của các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT trước việc dự toán ngân sách nhà nước giao cho Bộ GD-ĐT về cơ bản giảm so với năm 2013.
4 trường tự chủ tài chính sẽ được thu học phí vượt trần
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, năm 2014, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ. Quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng là ưu tiên bố trí kinh phí cho sơ sở, cho nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, cho các trường sư phạm. Hạn chế triệt để hội thảo, hội nghị, tập huấn, công tác phí nhất là đi công tác nước ngoài.
Bộ GD-ĐT cho hay, kinh phí năm 2014 được giao cho các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc ưu tiên kinh phí chi thường xuyên; Đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả; Đảm bảo thực hiện chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc, cấp bù sư phạm, ưu tiên hỗ trợ cho các nhiệm vụ đặc thù; Ưu tiên kinh phí để triển khai công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các đề án, chương trình trọng điểm của ngành.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết thêm, năm nay đối với 4 trường được tự chủ chi thường xuyên (ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TPHCM) thì ngân sách nhà nước dự kiến sẽ không hỗ trợ chi phí hoạt động không thường xuyên. Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án trình Chính phủ cho các trường này tăng học phí lên để bù ngân sách bị cắt giảm. Nghĩa là các trường này sẽ không bị không chế mức trần học phí của Chính phủ nữa. Đối với các trường khác vẫn phải thu mức học phí theo mức trần quy định.
Cũng để đảm bảo quyền lợi cho 4 trường thí điểm, Thứ trưởng Ga cũng khẳng định: “Nếu đề án chưa được Chính phủ phê duyệt thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cấp dự toán kinh phí không thường xuyên cho 4 trường như năm 2013”.
Ngân sách giảm, các trường “vạch” khó khăn
Theo báo cáo của Vụ kế hoạch - Tài chính, dự toán chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước của Bộ GD-ĐT trong năm 2014 sẽ giảm 10% so với năm 2013 từ 6.576.700 triệu đồng xuống còn 5.905.310 triệu đồng. Do đó, dự kiến nhiều khoản chi sẽ giảm mạnh so với năm trước. Cụ thể, chi cho chương trình mục tiêu quốc gia dự toán giảm 40%; Chi thường xuyên sự nghiệp giảm 8%, trong đó đáng chú ý là chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục giảm 7%, chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học giảm 30%, chi sự nghiệp kinh tế giảm 55%; Chi đầu tư phát triển giảm 10%; Các nhiệm vụ chi được Bộ Tài chính ấn định giảm 12%. Đáng chú ý là đề án đào tạo theo Chương trình tiên tiến giảm 45% (giai đoạn cuối của chương trình đề án), đề án đào tạo giáo viên trình độ Tiến sỹ (Đề án 911) giảm 12%, đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giảm 33%...
Với việc “chiếc bánh” ngân sách bị cắt giảm nên nhiều trường đã chia sẻ những khó khăn của cơ sở để Bộ GD-ĐT quan tâm trong quá trình xét duyệt cấp. Bên cạnh đó, cũng có đơn vị nói thẳng những nghịch lý trong việc cấp ngân sách của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM chia sẻ: “Trong lĩnh vực đào tạo giáo viên thì ở cấp học trung học cung đang quá cầu, sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều. Với sự phát triển của Tổng cục dạy nghề, trường CĐ nghề, Trung cấp nghề và đặc biệt sau 2015 khi thực hiện nghị quyết TW 8 về công tác phân luồng học sinh sau THCS thì nhu cầu đối với giáo viên dạy nghề là rất lớn. Đặc điểm của sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật là không chỉ tham gia vào các trường dạy nghề và có thể đảm nhận được ở cả trường phổ thông. Song trên thực tế Bộ GD-ĐT là chưa quan tâm cho lắm đối với khối trường Sư phạm kỹ thuật hay Sư phạm TDTT”.
“Khi đầu tư tiên vào những nơi mà khi sản xuất hàng ra lại không có nơi tiêu thu được, còn nơi sản xuất hàng ra tiêu thụ rất là tốt nhưng lại không được đầu tư thì rõ ràng là bất hợp lý” - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM ví von.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay vấn đề sử dụng kinh phí rất là không hiệu quả đối với các dự án.
“Chúng tôi rất thất vọng đối với dự án phát triển giáo dục giáo viên THPT và giáo dục chuyên nghiệp. Gần như thiết bị chúng tôi nhận về là bị ép và không sử dụng được. Tôi sẽ gặp Bộ trưởng nói riêng về vấn đề này” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Trường ĐH Nha Trang cho biết những ngành đào tạo cho rừng và biển đều khó khăn khi nhu cầu lớn nhưng thu hút người vào ngành học không dễ dàng nên Bộ cần phải lưu ý vấn đề này.
Lãnh đạo nhiều trường như Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Vinh… vẫn mong Bộ GD-ĐT cấp kinh phí để sữa chữa, hoàn thiện hay xây mới kí túc xá cho sinh viên.
“Hiện nay ký túc xá của trường trung học vùng cao Việt Bắc đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều chỗ bị thấm nước, bong trần… gây nguy hiểm cho học sinh. Đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm giải quyết” - bà Lục Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc bày tỏ.
Giải đáp các thắc mắc, ông Trần Duy Tạo - Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Thiết bị trường học & Đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Trong năm 2014, Bộ ưu tiên cho một số trường ĐH Sư phạm theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy phục vụ triển khai đề án đổi mới căn bản, toàn diện, không đầu tư dàn trải, làm dứt điểm, có trọng tâm”.
Về việc chương trình xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên, ông Tạo bày tỏ: “Vấn đề này vượt ra khỏi tầm của Bộ GD-ĐT. Trước đây nếu theo đề án của Bộ GD-ĐT thì cần 8.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ giải quyết cơ bản được. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng lại giao cho Bộ Xây dựng chủ trì và họ có ý tưởng khác. Cụ thể là họ xây dựng ký túc xá về các tỉnh nhiều chứ không nằm trong các trường ĐH, nghĩa là xây dựng khu riêng. Hiện nay tiền bỏ ra 8.000 tỷ đồng trái phiếu đã cấp xong nhưng một số công trình vẫn chưa hoàn thiện”.
Cũng theo ông Tạo, vì đã có chương trình xây dựng ký túc xá riêng nên rất khó để Bộ cấp ngân sách phục vụ công tác này.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát đi thông điệp tiết kiệm chi tiêu. “Cắt hết các hội thảo, hội nghị không cần thiết, hạn chế tối đa hoặc cắt hoàn toàn việc đi công tác nước ngoài. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng dứt khoát lương cho cán bộ, giáo viên không được thiếu. Trường nào khó khăn phải báo cáo ngay để tìm hướng xử lý, khắc phục” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Nguyễn Hùng