Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: “Internet là trường học rất tốt nhưng quan trọng là chọn học cái gì?”
(Dân trí) - Chiều ngày 15/8, GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe và định hướng cho hơn 400 sinh viên của ĐH Sài Gòn. Chia sẻ với băn khoăn của sinh viên về thông tin mạng xã hội có nhiều nội dung không tốt, ông Nhân cho rằng sinh viên nên chọn đọc gì trên mạng xã hội.
Sinh viên lo ngại thông tin xấu trên mạng xã hội
Tại buổi gặp gỡ, nhiều sinh viên đã đặt ra những vấn đề còn băn khoăn, mong muốn lãnh đạo TPHCM tháo gỡ cũng như đưa ra hướng giải quyết. Em Lê Quốc Dũng, sinh viên năm 3 khoa Sư phạm Văn học Xã hội bày tỏ băn khoăn trước nhiều thông tin trên mạng xã hội có nội dung không tốt ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Dũng cho biết mong muốn lãnh đạo có giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này.
Còn em Nguyễn Thị Tuyết Nhi, sinh viên năm 4 khoa Giáo dục mầm non thì bộc bạch rằng: “Khi được biết TPHCM có chính sách tuyển giáo viên không cần hộ khẩu ở TPHCM, sinh viên ở tỉnh chúng em rất vui mừng nhưng cũng có lo lắng. Vì nhiều anh chị ra trường trong quá trình làm việc gặp nhiều áp lực về tiền lương thấp, cơ sở vật chất ở các trường còn hạn chế, số trẻ trên lớp quá đông gây áp lực lớn”. Nữ sinh này bày tỏ lo lắng và xin các lãnh đạo thành phố có chính sách nào để giữ chân giáo viên giỏi được làm việc tại thành phố này.
Bên cạnh đó, nữa sinh này cho biết hiện Trường ĐH Sài Gòn mới có trường ở cấp THCS và THPT nhưng chưa có trường ở các bậc học mầm non. Do đó, Nhi mong sao sinh viên ngành Sư phạm Mầm non được tạo điều kiện có thể thực tập ngay tại trường.
Sinh viên trường ĐH Sài Gòn nêu ý kiến với lãnh đạo TPHCM trong buổi gặp gỡ
Tương tự, em Trương Thị Hồng Xuân, sinh viên năm 3 khoa Giáo dục Tiểu học cũng tán đồng với ý kiến này. Xuân cho biết nếu nhà trường có cả cấp học Tiểu học thì đó là môi trường thực tập thuận lợi cho ngành học giáo dục Tiểu học.
Bên cạnh đó, sinh viên Hồng Xuân cũng quan tâm đến đề án xây dựng thành phố thông minh của TPHCM. “Với nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho đề án TPHCM trở thành đô thị thông minh thì lãnh đạo TPHCM có phương án cụ thể như thế nào? Sinh viên chúng em có thể chung tay góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố thông minh như thế nào?”, nữ sinh đặt câu hỏi.
Sinh viên nên kiểm nghiệm thông tin trên mạng xã hội
GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ với ý kiến của sinh viên về vấn đề mạng xã hội. “Nếu theo dõi mạng xã hội thì thấy rất nhiều tin, tuy nhiên vấn đề là mình đọc để làm gì. Nếu các em có bạn bè giao lưu thì có thể vào Facebook, còn nghe tin thì cũng phải đọc nhiều kênh hoặc có cách để kiểm nghiệm”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân có những chia sẻ với hơn 400 bạn trẻ đại diện cho sinh viên trường ĐH Sài Gòn
Ông Nhân cũng cho biết bản thân mình hay đọc tin ở các báo nước ngoài để so sánh, đồng thời nhiều thông tin cũng rất bổ ích. “Internet là trường học rất tốt nhưng quan trọng là mình chọn học cái gì. Còn thông tin trên mạng thì có lúc thật, có lúc hỗn loạn. Có hôm tôi còn đọc được thông tin ông Nguyễn Thiện Nhân đi thăm đồng bào bị xe đụng phải vào bệnh viện. Rõ ràng đó là thông tin sai mà người ngoài biết vì mấy ngày sau thấy vẫn đi làm. Nhưng với những thông tin về chính trị, khi đọc trên mạng thì dễ gây hoang mang. Do đó, sinh viên đọc mà không hiểu thì phải hỏi người khác. Thành đoàn không giải đáp được thì có thể hỏi Thành uỷ, chứ không nên để bản thân mình bị ức chế”, ông Nhân gợi ý.
Vấn đề mầm non, ông Nhân cho biết TPHCM 1,6 triệu học sinh, sinh viên thì riêng bậc mầm non có 600.000 học sinh, số lượng lớn nhất trong các bậc học. Vì 5 năm dân số tăng 1 triệu người trong đó có nhiều trẻ em, thành phố phải có trách nhiệm đảm bảo trẻ được học lớp 1.
Ở TPHCM, trẻ 3-4 tuổi đi học chiếm 95% và thành phố quan tâm đến bậc học này. Trong các nước Asean chỉ có Việt Nam mới có phổ cập mầm non 5 tuổi, đó là đường lối của chúng ta quan tâm đến trẻ em. Riêng TPHCM thì có giải pháp hỗ trợ 70% thu nhập cho giáo viên mầm non ở năm đầu tiên. Do đó, ông Nhân nhấn mạnh với các sinh viên rằng nếu “chọn học sư phạm các em chỉ lo học tốt chứ đừng lo không có việc làm và sau này thu nhập cũng sẽ tốt”.
Liên quan đến thắc mắc của sinh viên Hồng Xuân về đề án xây dựng thành phố thông minh thì trình độ người dân và cán bộ như thế nào, ông Nhân cho rằng vấn đề này không đột ngột. Thành phố mình cứ 5 năm thêm 1 triệu dân tương ứng đòi hỏi phải đáp ứng việc cung cấp nước cho 1 triệu người; cung cấp thêm 300.000 chỗ cho người học; y tế và các thứ cũng đòi hỏi đáp ứng. Do đó, thành phố chúng ta hay kẹt xe, ngập nước… Từ đó, thành phố cũng xác định lại rằng muốn quản lý thành phố lớn như thế thì cần phải có sự dự báo, muốn làm phải chạy bằng phần mềm trên máy tính, phải có sự mô phỏng. Muốn làm thành phố thông minh thì phải có trung tâm mô phỏng dự báo phát triển.
Lê Phương