Thủ khoa nhà nghèo thích làm thầy giáo dạy Sinh

(Dân trí) - Trong căn nhà nhỏ bằng gạch chưa trát vữa và không có cửa, tân thủ khoa ĐH Quảng Nam tâm sự: “Em muốn học ngành Sư phạm Sinh ở ĐH Quảng Nam vì em thích làm thầy giáo. Nếu có điều kiện hơn nữa thì em ước mơ sẽ làm ở một viện nghiên cứu...”.

Góc học tập nhỏ bé của Tứ
Góc học tập nhỏ bé của em Nguyễn Văn Tứ. Em Tứ vừa đỗ thủ khoa ĐH Quảng Nam với 26 điểm làm tròn: Toán 9,75 điểm, Hóa 8,5 và Sinh đạt 7,5 điểm.
 
Băng qua con sông Trầu nước chảy xiết vì trời vừa mưa giông, căn nhà nhỏ bằng gạch còn chưa tô của gia đình Tứ nằm sâu dưới chân núi An Cường (thuộc tổ 1, thôn An Xá, xã Quế Thọ, Hiệp Đức, Quảng Nam), trước mặt là cánh đồng lúa. Phải vài lần hỏi đường thì chúng tôi mới tìm ra ngôi nhà. Nghe tiếng hỏi nhà, Tứ chạy ra đầu ngõ đón chúng tôi vào.
 

Đánh giá về cậu học trò giỏi nhất trường, thầy giáo Đặng Vĩnh Hiếu - phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Đức (huyện Hiệp Đức) cho biết: "Em Tứ là học sinh xuất sắc toàn diện của trường. Tất cả hoạt động ngoại khóa của trường em đều tham gia. Em là thành viên tích cực CLB tin học của trường, là lớp trưởng gương mẫu của lớp 12A2, nhiều năm là học sinh giỏi của huyện và tỉnh…".

 
Thầy Hiếu cũng cho biết thêm, ngay trước khi thi tốt nghiêp, Tứ cũng đã được trường cho đi học lớp cảm tình Đảng.
 

“Hy vọng với sức học của Tứ, tôi tin em sẽ còn tiến xa hơn nữa”, thầy Hiếu nói.

Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ của Tứ - bà Lê Thị Hạnh bảo: "Bố nó đi làm thuê cho người ta nửa tháng nay chưa về chú à. Anh trai của hắn đang nghỉ hè cũng đi theo làm kiếm thêm để đóng tiền trong năm học sắp đến".

Bà Hạnh kể: "Nhà có 5 người, ngoài hai vợ chồng còn 3 anh em nó đều học được. Ba nó lúc trước đau ốm suốt, chỉ mới đỡ rồi đi làm lại rồi. Cách đây nửa tháng, anh của thằng Tứ đi học ngoài Đà Nẵng về đi làm cùng bố nó để kiếm tiền cho năm học mới".

Quanh năm quanh quẩn với đám ruộng, con trâu, bầy heo trông bà Hạnh già hơn cái tuổi 47 của mình rất nhiều.

Căn nhà đơn sơ không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ và cái máy tính cũ của Tứ để trên bàn học.
 
Chiếc máy tính “liên hiệp quốc” mà Tứ xin phụ kiện về tự lắp ráp để dùng cho việc học.
Chiếc máy tính “liên hiệp quốc” mà Tứ xin phụ kiện về tự lắp ráp để dùng cho việc học.

Tứ hồ hởi kể: "Từ lớp 1 đến lớp 12, em là học sinh giỏi của trường và huyện. Đến nay em đã có gần 40 giấy khen từ xã đến tỉnh và Hội Khuyến học được em cất giữ cẩn thận trong tủ. Với thành tích: bậc Tiểu học là giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, THCS và THPT là giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh…".

Tứ kể về việc đi học của mình: "Ở đây, mỗi ngày mẹ em phải dậy sớm nấu cơm. 5 giờ em dậy ôn lại bài sau đó ăn cơm rồi 6 giờ kém 15 là bắt đầu đạp xe đến trường. Mùa mưa thì nước con sông Trầu dâng cao nên em cũng phải đi sớm hơn một chút để kịp đến trường". Được biết, đoạn đường đến từ nhà đến trường khoảng 10 cây số nhưng mùa mưa Tứ đi xa hơn vì phải đi đường vòng.
 
Chiếc máy tính “liên hiệp quốc” mà Tứ xin phụ kiện về tự lắp ráp để dùng cho việc học.
Thủ khoa Nguyễn Văn Tứ bên hàng chục giấy khen của nhà trường, các cấp Hội trong suốt 12 năm học phổ thông.

Miệt mài 3 năm học cấp 3, Tứ đều phải theo thời khóa biểu như thế bất kể trời mưa hay nắng. Buổi sáng học xong, nếu chiều còn học thì ăn tạm cơm bụi còn không thì đạp xe về nhà để buổi chiều đi học thêm hoặc phụ giúp bố mẹ làm việc đồng áng.

Tôi hỏi Tứ "Sao em không thi vào các ngành được chuộng hiện nay như CNTT, Kinh tế hay Ngân hàng mà lại chọn thi vào ngành Sư phạm Sinh ĐH Quảng Nam", Tứ thật thà cho biết: "Em cũng muốn lắm nhưng nhà em không có điều kiện. Bố mẹ em còn phải nuôi anh trai của em đang học ĐH Bách khoa ngoài Đà Nẵng nữa, với lại em cũng còn một đứa em năm nay vào lớp 10, em sợ bố mẹ lo không nổi".
 
Chiếc máy tính “liên hiệp quốc” mà Tứ xin phụ kiện về tự lắp ráp để dùng cho việc học.
Hai mẹ con Tứ trước ngôi nhà gạch chưa tô và không có cửa. Còn bố và anh trai của Tứ đã đi làm thuê nửa tháng nay chưa về.

Tứ cũng cho biết, ngoài ĐH Quảng Nam ra, em còn thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự và đang chờ kết quả. “Em muốn học ngành Sư phạm Sinh ở ĐH Quảng Nam vì em thích làm thầy giáo sau này về lại quê hương để được gần nhà và bố mẹ. Nếu có điều kiện hơn nữa thì em ước mơ sẽ làm ở một viện nghiên cứu về Sinh học”, Tứ tâm sự.

Mẹ Tứ bảo: “Nhà tôi cứ đứa nào học được là vợ chồng tôi mừng và cố gắng làm ăn cho con tiền ăn học”.
 
Bà Hạnh cũng tâm sự: "Ở nhà làm nông cực quá nên hai vợ chồng tôi toàn tâm toàn ý lo cho con ăn học đến nơi đến chốn".

Tuy mừng vì con đã đỗ thủ khoa nhưng vợ chồng bà Hạnh đang lo đến khi con lên đường đi học không biết có lo cho nó đủ không. Bố của Tứ cùng anh trai đã đi đốn và vác keo thuê cho người ta từ nửa tháng nay. Chỉ còn mình bà và Tứ ở nhà với công việc đồng áng và đàn heo đàn bò.

“Tui lo mai mốt không biết bán gì trong nhà để cho cháu đi học đây. Vừa rồi dịch heo tai xanh, heo chết hết mới vay tiền gầy lại đàn. Còn bò thì cũng vay tiền của Nhà nước mua nuôi nhưng mới đẻ xong không thể bán được”, bà Hạnh vừa nói vừa lau hai hàng nước mắt trên gương mặt gầy xương.

Công Bính