Thủ khoa Lê Trung Hiếu và bí quyết đạt điểm 30/30
(Dân trí) - Một khi bạn nắm chắc kiến thức và có khả năng giải quyết bài tập thì việc đạt điểm 9 là điều không quá khó, điều khó là làm sao đạt điểm tuyệt đối. Lê Trung Hiếu, thủ khoa ĐH Hàng Hải sẽ truyền lại bí quyết chinh phục điểm 10 các môn khối A.
Lê Trung Hiếu, thứ 2 từ trái qua
Sau khi kết thúc chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, bạn còn rất ít thời gian để ôn thi ĐH, bạn đã cân đối quỹ thời gian của mình như thế nào?
Mình thi chung kết năm là vào ngày 22/4/2008. Như vậy là sau khi thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia về, mình chỉ còn 1 tháng để ôn thi tốt nghiệp và 1 tháng để ôn thi đại học. Thời gian tuy hạn hẹp nhưng mình đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các bạn cùng trường.
Trong khi ôn thi Olympia thì mình vẫn nắm vững lý thuyết về Toán, Lý, Hóa nhưng thời gian để làm bài tập thì chưa có nhiều, do đó kinh nghiệm của mình là khá ít. Mình thường mượn đề Lý, Hóa của các bạn trong lớp tự làm và bất kỳ vướng mắc về lý thuyết, về cách làm như không biết cách, hoặc cảm thấy cách mình chưa thật nhanh, mình đều hỏi lại và nhận được câu trả lời rất đầy đủ và chi tiết.
Có thể nói thời gian mà mình tiết kiệm được chính là một lượng lớn thời gian các bạn ấy đã nghiên cứu các môn Lý, Hóa và tặng lại cho mình. Đó là lý do chính giúp mình có thể đạt được thành công lớn trong kỳ thi đại học.
Bạn đã ôn tập cả ba môn Toán - Lý - Hóa như thế nào để đạt kết quả tuyệt đối ở các môn như vậy?
Một khi bạn nắm kiến thức chắc và có khả năng giải quyết bài tập thì việc bạn đạt được trên 27 điểm là không quá khó, nhưng điều khó là làm sao đạt được đến điểm tuyệt đối. Sau đây mình xin nêu một số kinh nghiệm.
Thứ nhất, bắt đầu từ khoảng 22/6 thì các bạn không nên học thêm bất kỳ kiến thức nào nữa mà hãy tập trung vào ngồi giải đề Toán, Lý, Hóa. Một số bộ đề của các trường ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa rất hay, mình sưu tầm và đem về giải. Trung bình một ngày làm khoảng 10 đề. Khi đi thi sẽ gặp khá nhiều vấn đề về tâm lý, hiệu quả sẽ không tốt bằng làm ở nhà nên khi ở nhà bạn chỉ nên hạn chế thời gian làm mỗi đề không quá 75 phút.
Có thể có bạn đặt câu hỏi là tại sao lại bắt đầu vào khoảng 22/6; đối với mình khi đó là sự trùng hợp nhưng sau này khi mình đọc quyển sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” có nói rằng bạn muốn đạt được điểm rơi phong độ vào ngày thi thì bạn nên có kế hoạch ôn tập trung trước ngày thi và cách khoảng 2 tuần là hợp lý. Khi gặp gỡ nói chuyện với một số thủ khoa năm vừa rồi, mình được biết họ cũng bắt đầu tập trung giải đề, rà soát lại toàn bộ kiến thức vào tầm đó.
Sát ngày thi bạn nên làm lại đề thi ĐH các năm trước, cả đề chính thức và dự bị. Việc này sẽ giúp cho mình có chút định hướng về cách ra đề, cách giải cũng như cách trình bày để đạt điểm tối đa trong kỳ thi.
Trong đề dự bị của năm 2007 có một bài tìm giá trị lớn nhất nhỏ nhất rất nặng về giải tích, do đó khi thi ĐH, mình không mấy bất ngờ khi bài toán về giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của biến số m phải giải bằng việc đạo hàm khá thủ công. Bài toán này cũng là lý do chính làm mất điểm của phần lớn các sĩ tử năm vừa rồi. |
Thứ hai, bạn phải biết cách kiểm tra lại bài làm của mình, đặc biệt là Lý và Hóa bởi vì đề thi trắc nghiệm có rất nhiều bẫy, đôi khi câu hỏi rất dễ nhưng thí sinh vẫn sai. Một câu nói phổ biến là muốn biết kết quả đúng hay sai thì phải giải theo các hướng khác nhau xem chúng có cùng kết quả hay không. Tuy nhiên, đối với 1 bài toán thì một người rất khó nghĩ ra 2 cách. Do đó ngay trong quá trình ôn thi, bạn nên học hỏi cách làm của mọi người, rút ra cho mình cách nhanh nhất, còn khi kiểm tra lại bài thì có thể dùng cách khác để kiểm tra xem có trùng đáp số không. Và thực tế là khi đi thi đại học, sau khi soát lại, mình đã phát hiện và sửa lại kịp thời một đáp án sai trong đề Lý và một đáp án sai trong đề Hóa để đạt được điểm 10.
Theo mình, đề thi thường có chiến thuật ru ngủ thí sinh, một vài câu dễ liên tục sẽ khiến mình “quá” tự tin, do đó rất dễ mắc bẫy câu tiếp theo. Hoặc là khi gặp một câu khó, bạn bỏ qua thì tâm lý sẽ hơi mất ổn định, rất dễ sai câu tiếp theo. Vì vậy trước khi làm câu tiếp theo, bạn hãy hít một hơi dài để lấy lại bình tĩnh.
Cuối cùng, đừng để sức khỏe và tâm lý ảnh hưởng đến kỳ thi. Bạn chỉ hơi đau bụng hoặc đói cũng có thể khiến bạn mất tập trung. Hay việc bạn vào muộn (đặc biệt là Hà Nội và TPHCM rất hay tắc đường) hay quên bất kỳ một vật dụng gì cũng có thể khiến bạn lo lắng. Do đó, buổi tối chuẩn bị đồ đạc cẩn thận, sáng dậy ăn uống đầy đủ (theo mình cơm với ruốc hoặc lạc rang là lành nhất) và đến phòng thi sớm khoảng 30 phút (hít thở không khí trong lành và làm quen với địa điểm thi) sẽ rất tốt cho thí sinh.
Bạn đã lựa chọn những tài liệu nào để ôn tập? Hiện nay có rất nhiều hình thức ôn thi ĐH, bạn chọn hình thức nào?
Đề thi đại học thường rất rõ ràng và chỉ nằm trong chương trình các bạn đã học vì thế mình học lý thuyết chủ yếu trong sách giáo khoa. Còn về bài tập thì mình học phương pháp giải “chính thống” từ thầy cô và các “mẹo” từ bạn bè.
Vào thời gian này, VTV2 thường có chương trình ôn thi lúc 5 giờ chiều dành cho các sĩ tử khá bổ ích. Các bạn ở các nơi xa không có điều kiện đi luyện thi thì nên xem chương trình này.
Ngoài ra, mình hay ôn cùng các bạn cùng lớp. Các bạn nên lập thành từng nhóm, tìm đề thi, sau đó tối về cùng giải, sáng hôm sau so đáp án và tìm ra cách giải nhanh nhất cho mỗi bài. Những vấn đề còn tranh cãi thì có thể hỏi thầy cô. Theo mình, đó chính là phương pháp hiệu quả nhất.
Sau khi đạt danh hiệu thủ khoa, liên tục được mời đi dự các lễ tuyên dương và vinh danh, bạn có nghĩ điều này làm mình rơi vào vòng hào quang ảo tưởng không?
Trong lễ vinh danh “Hoa trạng nguyên”, chúng mình đã được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và bác nói rằng: “Thủ khoa đầu vào nhưng chưa chắc đã là thủ khoa đầu ra” và chúng mình phải luôn cố gắng phấn đấu học tập để không chỉ là thủ khoa đầu vào mà còn phải tiếp tục đạt thành tích tốt trong những năm học đại học sau này. Mình luôn ghi nhớ lời nói này của bác và luôn chăm chỉ rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho đất nước.
Cảm ơn Trung Hiếu về những kinh nghiệm mà bạn đã chia sẻ!
Tùng Nam