Thông tin về 2 Trung tâm kiểm định giáo dục tư nhân chưa rõ ràng
(Dân trí) - Một số chuyên gia giáo dục bày tỏ e ngại về năng lực đội ngũ của 2 Trung tâm kiểm định giáo dục tư nhân mà Bộ GD&ĐT vừa cho phép mở vì thông tin về hai đơn vị này chưa rõ ràng trên website.
Sẽ xuất hiện tình trạng một kiểm định viên làm việc cho 2 - 3 trung tâm
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã cho phép thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (trực thuộc Công ty CP Đầu tư dịch vụ giáo dục Hà Nội); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (trực thuộc Công ty CP Đầu tư giáo dục TP HCM).
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, việc thành lập hai Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) của tư nhân sẽ góp phần huy động thêm nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Phương e ngại về chất lượng đội ngũ chuyên gia của hai trung tâm này có thực sự đảm bảo? Ở Việt Nam, số chuyên gia làm được kiểm định không nhiều. Ví dụ, trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thì phải có chuyên gia thực thụ về kỹ thuật công nghệ kiểm định.
Nhưng thực tế có những giáo sư tạm gọi là "chuyên gia biết tuốt", chương trình nào, trường nào cũng tham gia kiểm định. Xã hội hoàn toàn có quyền e ngại về chất lượng kiểm định giáo dục đại học hiện nay.
Theo ông Phương, kiểm định viên phải học qua khóa đào tạo về kỹ thuật kiểm định, thi chứng chỉ hành nghề quốc gia về KĐCLGD. Do số lượng kiểm định viên hiện nay không nhiều nên sẽ xuất hiện tình trạng, một kiểm định viên có thể làm việc cho 2 - 3 trung tâm kiểm định khác nhau.
Ông Phương băn khoăn, nếu trung tâm kiểm định tư nhân mời các cán bộ, giảng viên trực thuộc các trường ĐH công lập về làm kiểm định viên, có vi phạm luật hay không? Vì trung tâm kiểm định của khu vực tư nhân, sẽ không có một ai đứng ra hỗ trợ về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất nên họ sẽ phải tính tới phương án "thu đủ chi" để hoạt động.
"Vậy liệu rằng, sẽ có những "du di" trong quá trình kiểm định chất lượng của các đơn vị hay không? Trong khi các trung tâm kiểm định trực thuộc các trường ĐH, Hiệp hội ít nhiều vẫn có cơ chế giám sát. Đơn vị nào sẽ "kiểm định" những trung tâm kiểm định tư nhân này?" - ông Phương đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, hết năm 2019 toàn quốc có 128 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Việc cho ra đời thêm 2 Trung tâm KĐCLGD thuộc khối tư nhân cũng là cần thiết nhưng Bộ GD&ĐT cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đối với tất cả các Trung tâm này.
Thông tin về 2 trung tâm chưa rõ ràng
TS Lê Viết Khuyến cho biết, dù các tổ chức kiểm định đã được Bộ GD&ĐT cho phép hoạt động nhưng những thông tin trên website của 2 trung tâm KĐCLGD mới này còn khá "mập mờ", chưa được công khai khiến nhiều người hoài nghi.
Theo thông tin được đăng ký trên trang web masothue.com ngày 19/3, Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội (đơn vị thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long) có địa chỉ tại số 59, ngõ 252 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đại diện pháp luật là bà Phùng Thị Thu Hương. Công ty này hoạt động từ ngày 25/6/2020.
Ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này gồm: Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, giáo dục THCS-THPT, đào tạo sơ cấp, giáo dục thể thao - giải trí - văn hóa - nghệ thuật…
"Trung tâm KĐCLGD Thăng Long là tổ chức hoạt động chuyên môn độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng" - đây là thông tin duy nhất được đăng tải trên trang thông tin điện tử (website) của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long hiện nay.
Các nội dung về cơ cấu tổ chức (tên, chức danh cụ thể), hội đồng KĐCLGD, số lượng kiểm định viên cơ hữu của trung tâm đều không thấy xuất hiện.
Còn Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục TP. Hồ Chí Minh (đơn vị thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn) có địa chỉ tại U5 đường Số 11, KDC Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, người đại diện pháp luật là ông Trịnh Hữu Chung. Thời gian hoạt động bắt đầu từ ngày 25/6/2020.
Hiện vẫn chưa tìm thấy website chính thức của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn.
Theo quy định, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp giấy phép hoạt động phải có trang thông tin điện tử; có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
Có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người; mỗi kiểm định viên có một máy tính và bàn ghế làm việc kèm theo nhiều điều kiện khác…