Thiếu 15.000 đồng lệ phí thi, 5 học sinh phải nghỉ học

(Dân trí) - Không nộp 15.000 đồng tiền lệ phí thi, 5 em học sinh vừa tốt nghiệp THCS ở Đại Lộc (Quảng Nam) đã mất cơ hội tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10.

Về lý mà nói, trường THCS Võ Thị Sáu, nơi mà các em học, đã đúng khi không chuyển hồ sơ thi tuyển vào lớp 10 của các em lên trường THPT. Nhưng dư luận vẫn đặt dấu hỏi về trách nhiệm và lương tâm của các thầy cô giáo liên quan.

 

Không nộp tiền thì… “nghỉ thi”

 

Em Đỗ Thị Thảo - học sinh lớp 9/1 trường THCS Võ Thị Sáu, một trong 5 học sinh trên lặng lẽ ngồi kể cho chúng tôi mà rơm rớm nước mắt: Sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo khoản nộp lệ phí thi, em đã về xin mẹ nhưng mẹ em bảo ráng chờ thêm mấy hôm nữa. Nhưng đến khi mẹ đưa tiền, em kẹp tiền vào quyển sách Ngữ văn và quên mang đi nộp.

 

Sau khi tìm ra, theo lời dặn của giáo viên chủ nhiệm đối với những học sinh nộp tiền muộn, Thảo lên trường nộp cho bạn thủ quỹ nhưng không hiểu vì lý do gì bạn này lại không chịu thu. Cực chẳng đã, Thảo hai lần tìm đến nhà cô giáo chủ nhiệm để được đóng tiền nhưng đều không gặp được vì cô giáo… không có nhà.

 

Ngay trước ngày thi tuyển vào lớp 10, chiều 24/5, vì quá lo sợ trước việc không nộp được lệ phí thi, Thảo giấu gia đình và lặng lẽ đi xem số báo danh dán ở trường PTTH Đỗ Đăng Tuyển. Không thấy tên của mình, Đỗ Thị Thảo đã đến cả 3 hội đồng thi còn lại ở trường PTTH Lê Quý Đôn, PTTH Lý Tự Trọng, PTTH Phan Bội Châu nhưng đều không có tên em trong danh sách.

 

Chưa hết hy vọng, Thảo quay trở lại trường Đỗ Đăng Tuyển, nhờ thầy giáo Khanh xem lại giúp. Sau khi rà soát lại, thầy Khanh gọi điện thoại hỏi cô Nguyễn Thị Thanh Hồng thì được cô Hồng trả lời rằng: Học sinh Thảo không nộp tiền thì… “nghỉ thi”.

 

Biết chuyện khi sự đã rồi nhưng với hy vọng “còn nước còn tát”, gia đình Thảo nháo nhào chạy đi nhờ vả khắp nơi, thậm chí liên lạc với người có trách nhiệm của Sở GD-ĐT Quảng Nam, Thảo vẫn không được dự thi. “Vì mười lăm nghìn đồng mà con tui lỡ dở mất một năm học thì tội quá. Tui có biết cơ sự như ri mô. Làm cha làm mẹ lúc ni chỉ muốn dập đầu vô cột nhà thôi. Nhà tui chỉ có một mình cháu nên hai vợ chồng tui cũng chỉ mong cháu có cái bằng tốt nghiệp phổ thông, có xin đi làm công nhân cũng dễ.

 

Có phải là tui không quan tâm đến chuyện học hành của con cái đâu. Nhà làm nông nhưng mỗi tháng, tui cũng ráng dành dụm 40.000đ cho cháu học thêm hai môn văn, toán. Nếu nhà trường hoặc cô giáo chủ nhiệm của cháu thông báo tới gia đình thì mô đến nông nỗi này. Gì thì gì cũng còn chút tình chớ!” - phụ huynh em Thảo trần tình.

 

Sự dửng dưng của cô giáo chủ nhiệm

 

Chúng tôi đã tìm gặp cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng - giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1 trường THCS Võ Thị Sáu. Tại buổi gặp gỡ, cô Hồng nhắc đi nhắc lại: “Việc nộp lệ phí thi đã được thông báo cho học sinh ngay từ đầu tháng 5, hạn cuối cùng là ngày 24/5. Nếu học sinh nào không nộp đúng hạn thì tự đến nộp tại bộ phận văn thư của trường, rút hồ sơ đến nộp tại trường THPT, giáo viên chủ nhiệm không còn trách nhiệm nữa (!)”.

 

Như lo rằng chúng tôi không kịp hiểu hết ý mình, một lần nữa, cô Hồng khẳng định mình đã “làm tròn trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm”.

 

Khi chúng tôi thắc mắc rằng, biết học sinh Đỗ Thị Thảo chưa nộp lệ phí thi, tại sao với cương vị là một giáo viên chủ nhiệm, cô không tìm cách thông báo cho phụ huynh của em hoặc thậm chí, có thể đóng trước cho em Thảo thì được cô Hồng trả lời với thái độ rất dửng dưng: “Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan (?!), vào cuối năm học, tôi không có thời gian để thông báo đến  phụ huynh. Đối với nhiều người, mười lăm nghìn không lớn. Nhưng đối với tôi đó là số tiền không nhỏ nên tôi không thể cho mượn được. Mà nếu em nào cũng như em Thảo thì đâu cần đến quy chế nữa…”.

 

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng, cô quan niệm trách nhiệm của giáo viên chỉ nhiệm như thế nào, thì cô Hồng nói rằng: “Giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm nhiều đến những học sinh học yếu, không tập trung và hay nghỉ học. Trong khi đó, em Đỗ Thị Thảo lại có học lực… trung bình”.

 

Chưa hết, cũng theo cô Hồng, vào những ngày cuối năm học, cụ thể là từ ngày 20 đến 23/5, Thảo hay bỏ học vì “những lần cô đến lớp đều không thấy em. Hỏi Thảo có nộp tiền lệ phí thi không thì Thảo trả lời rằng sẽ nộp nhưng chưa có tiền vì mẹ bảo ráng đợi thêm mấy ngày nữa”. Tuy nhiên, trước đó, khi tiếp xúc với chúng tôi, cả lớp trưởng và lớp phó phụ trách học tập lớp 9/1 trường THCS Võ Thị Sáu đều xác nhận rằng những ngày học cuối, Thảo đều đến trường học đầy đủ.

 

Có một chi tiết đáng lưu ý là năm học 2005 - 2006, trường THCS Võ Thị Sáu không tổ chức họp phụ huynh cho khối học sinh lớp 9. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân khác giải thích cho sự cố đáng tiếc kể trên.

 

Ông Nguyễn Văn Năm - Hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu giải thích: “Vì là năm đầu tiên thực hiện phương thức xét tuyển tốt nghiệp PTCS nên nhà trường bận quá nhiều việc và không thể tổ chức họp phụ huynh cho khối lớp 9 được… Nhưng chúng tôi đã thông báo kết quả học tập của học sinh thông qua sổ liên lạc tới gia đình các em rồi”.

 

Ông Năm nói thêm: “Không tổ chức họp phụ huynh cho khối lớp 9 là một sai sót đáng tiếc. Việc 5 em không được dự thi xét tuyển vào lớp 10 do chưa nộp lệ phí thi có một phần trách nhiệm của nhà trường. Khi chuyển hồ sơ thi tuyển của học sinh lên trường THPT, thấy có những trường hợp học sinh thiếu tiền lệ phí thi, chúng tôi đã chủ quan cho rằng các em sẽ không tham dự kỳ thi tuyển này”.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài em Đỗ Thị Thảo còn có thêm 5 em nữa không được dự thi xét tuyển vào lớp 10 do chưa nộp 15.000đ, gồm: Nguyễn Phước Hiệp, Võ Đức Trung, Trương Văn Cường, Võ Hùng Vĩ và Đỗ Tấn Đào. Trong số đó, chỉ có em Đỗ Tấn Đào do hai ngày trước khi thi đã phát hiện không có tên trong danh sách dự thi nên gia đình đã liên hệ với thầy hiệu trưởng và được bổ sung danh sách vào phút chót.

 

Hà Ngọc - Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm