Bạn đọc viết:

Thiết bị công nghệ làm gãy đổ tình cảm cha mẹ và con

(Dân trí) - Hai bài viết “Những đứa trẻ… smart phone” và “Giật mình nghe con trẻ xin ba mẹ thả điện thoại xuống” trên báo Dân trí một lần nữa làm chúng ta trăn trở về những tác động tiêu cực của thiết bị công nghệ trong đời sống hiện đại.

Smart phone, iPad, ti vi… đang vô tình làm gãy đổ nhiều mối quan hệ thiêng liêng bởi chính sự lệ thuộc của chúng ta vào thiết bị công nghệ.

Những đứa trẻ suốt ngày dán mắt vào màn hình di động để chơi game, chat không còn là chuyện hiếm gặp xung quanh chúng ta. Các con say sưa với thế giới công nghệ trong nỗi bất an mơ hồ của phụ huynh và thậm chí là nhiều phụ huynh cũng đã thừa nhận mình bất lực khi muốn kéo con ra khỏi không gian ảo.

Đó là hệ quả tất yếu của một quá trình dạy con thiếu khoa học, chiều con vô lối của phụ huynh. Muốn dỗ con ăn nhanh, bố mẹ mở liền ti vi với nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình, các clip quảng cáo sôi động. Muốn con ngồi yên không quậy phá, bố mẹ chỉ cần quăng cho con cái điện thoại chơi game, xem phim…

Dần dà, sự lệ thuộc vào thiết bị công nghệ nảy sinh và khi muốn từ bỏ nó lại là điều không tưởng. Thế giới mở chứa đựng biết bao nhiêu điều kỳ thú mà ngay đến người lớn chúng ta cũng khó có thể cưỡng lại được súc hút của nó, huống gì là trẻ con. Game online có thể chơi đến nghiện, các trang mạng kết nối facebook, zalo… mới mẻ cuốn hút đến không tưởng.

Khi con trẻ nghiện thiết bị công nghệ, bố mẹ dẫu la ó, quát mắng, đánh đập hoặc dụ dỗ, rủ rê bao nhiêu đi chăng nữa cũng rất khó ép con thoát khỏi sức hút của thế giới ảo.

Khi bố mẹ nghiện công nghệ, con trẻ chỉ còn biết tha thiết van xin: “Con mong ba mẹ chơi cùng con, đưa con đi du lịch”, “Con mong ba mẹ bớt xem điện thoại, để yêu thương con nhiều hơn”… Xót xa vô cùng khi những lời nói van vỉ ấy vang lên trong các diễn đàn lắng nghe tiếng nói con trẻ ngày càng nhiều hơn. Và tôi nghĩ tiếng lòng của nhiều cháu đã thổ lộ với phụ huynh nhưng không thay đổi được điều gì.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Sự kết nối cơ bản giữa bố mẹ và con đã bị cản trở bởi những thiết bị công nghệ vây quanh ta mỗi ngày. Hình ảnh bữa cơm gia đình lặng ngắt bên những chiếc điện thoại nhấp nháy màn hình liên tục buồn lắm! Bứa tranh sum họp gia đình trong phòng khách mỗi người thu mình lại trong thế giới ảo của riêng mình lại càng buồn hơn!

Những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên thế nào giữa sự bủa vây của thế giới công nghệ? Con sẽ ít giao tiếp với người thân và sự tương tác trên mạng xã hội lại biến thành nỗi khát khao như con người cần hơi thở để sống ư? Lúc ấy, con người là nộ lệ của công nghệ. Và chúng ta sẽ chứng kiến một thế hệ trẻ chỉ biết “cúi đầu” - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Những gia đình dành phần lớn thời gian cho điện thoại, iPad hơn là sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ giữa các thành viên sẽ đi về đâu? Tôi mường tượng về một tương lai không hề sáng sủa khi tiếng nói giữa cuộc đời thực ngày càng hạn chế. Sự tương tác giữa bố mẹ và con, anh chị em với nhau đang dần đứt quãng. Vậy thì đó chính là bức tranh hiện thực đầy xám xịt mà một nữ sinh cấp 2 đã phác họa: “Gia đình là một căn nhà, nhưng nhà với em chỉ là… chỗ để về ngủ”!

Smart phone, iPad, ti vi… đang ngày càng hiện hữu nhiều hơn trong cuộc sống của chúng ta và chiếm dụng một phần không nhỏ thời gian của mỗi người. Và tôi mong những ai đang là bố là mẹ, hãy đọc, suy ngẫm và thay đổi mình như chính lời nhắn gửi đầy chân tình của tác giả Hoài Nam: “Chúng ta hãy thả điện thoại xuống, nhìn con cười, lắng nghe con khóc… sẽ biết con cần bố mẹ hơn quần áo đẹp, đồ ăn ngon, hơn đồ chơi xịn, hơn cả điện thoại, iPad… Đừng để con phải thiếu cha thiếu mẹ dù họ ở ngay bên cạnh mình!”.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm