Thi THPT quốc gia 2018: Nên chọn mấy bài thi?

Năm 2017, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn khá nhiều (49% tổng số thí sinh) so với chọn bài thi khoa học tự nhiên (37%). Liệu năm nay xu hướng chọn bài thi có thay đổi?

Từ kỳ thi THPT quốc gia 2017, học sinh học chương trình giáo dục THPT phải thi theo bài thi chứ không theo môn như những năm trước. Các môn thi (có thêm môn giáo dục công dân) được tổ chức thành 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học và khoa học xã hội (KHXH) là tổ hợp các môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân.

Thí sinh chọn bài thi KHXH tăng mạnh

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.


Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Hoàng Triều)

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Hoàng Triều)

Số liệu thống kê thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia 2017 chọn bài thi tự chọn đã cho kết quả ngược với dự đoán trước đó. Số thí sinh chọn bài thi KHXH vượt cao hơn khá nhiều (49% tổng số thí sinh) so với chọn bài thi KHTN (37%). Rõ ràng việc tổ chức thi như thế nào cũng góp phần vào những yếu tố quyết định sự chọn lựa của thí sinh. Liên tục trong 3 năm (2014, 2015, 2016), khi học sinh được tự chọn một số môn thi tốt nghiệp thì sử có ít lựa chọn nhất. Với việc được chọn cả 2 bài thi và dùng bài thi có kết quả cao nhất để xét tốt nghiệp, cộng thêm việc các môn trong bài thi KHXH được ra đề thi dưới hình thức trắc nghiệm, đây là lần đầu tiên môn sử có số lượng thí sinh đăng ký chọn nhiều hơn các môn thi KHTN.

Tuy nhiên, những phân tích chi tiết hơn cho thấy có đến 85,6% học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT đã chọn bài thi KHXH, chiếm tỉ lệ áp đảo so với số thí sinh chọn bài thi KHTN chỉ để xét tốt nghiệp (5,5%).

Chủ yếu chọn bài thi KHTN

Số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH tăng mạnh nhưng điều này không đồng nghĩa với việc số thí sinh chọn các môn KHTN giảm. Thống kê cho thấy số lượng thí sinh đăng ký dự thi chọn các môn KHTN vẫn giữ ổn định như các năm trước, 52,5% thí sinh có đăng ký dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH đã chọn bài thi KHTN so với tỉ lệ 39,1% của bài thi KHXH.

Điều này phản ánh xu hướng đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Các tổ hợp xét tuyển truyền thống như khối A (toán, lý, hóa), A1 (toán, lý, ngoại ngữ), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa), D1 (toán, văn, ngoại ngữ) vẫn chiếm tỉ lệ thí sinh ĐKXT cao nhất với trên 80% số nguyện vọng đăng ký. Các môn thuộc khối A vẫn đạt tỉ lệ cao nhất, chiếm 1/3 tổng số nguyện vọng đăng ký vào các trường; sau đó là khối D1, khối C, khối A1, khối B. Khối C cũng đạt khoảng 15% lượng đăng ký, nhỉnh hơn một vài năm trước.

Cân nhắc khi đăng ký thi cả 2 bài tự chọn

Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ, quy chế thi THPT quốc gia cho phép thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đây là quy định có tính khuyến khích cao vì ở những kỳ thi THPT QG 2015 và 2016, dù thí sinh thi nhiều môn nhưng chỉ có thể dùng môn đã đăng ký trước khi thi để xét tốt nghiệp THPT, dù cho môn này điểm thấp hơn các môn tự chọn khác đã thi.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với quy định học sinh hệ giáo dục phổ thông phải thi tối thiểu 4 bài thì mỗi thí sinh đã phải thi 6 môn thi độc lập thay vì 4 môn như những năm trước và để thi hết cả 5 bài thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh thi 9 môn chứ không phải 8 môn như ở năm 2015 và 2016.

Trong năm 2017, số học sinh chọn cả hai bài thi tự chọn tuy tỉ lệ chưa vượt quá 10% tổng số thí sinh nhưng con số đã lên đến gần 70.000 học sinh, lớn hơn gấp nhiều lần so với năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, kết quả điểm của những thí sinh thi cả 2 bài tự chọn đều không cao so với thí sinh chỉ thi 1 bài tự chọn. Nếu như điểm bình quân bài thi của thí sinh chỉ thi 1 bài tự chọn KHTN là 5,47 hoặc bài KHXH là 6,59 thì điểm bình quân các bài thi tương ứng của thí sinh thi cả 2 bài tự chọn khá thấp, chỉ là 4,00 và 5,99. Như vậy, dẫu rằng thi cả 2 bài tự chọn thì tuy có thể đăng ký xét tuyển ở nhiều khối nhưng không đồng nghĩa với tăng khả năng trúng tuyển vì điểm thi các môn cao mới là yếu tố quyết định.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa

Người Lao Động