Thí sinh, phụ huynh căng thẳng tính toán... thay đổi nguyện vọng?
(Dân trí) - Nhiều thí sinh và phụ huynh như đang "ngồi trên đống lửa" căng thẳng tính toán việc thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT quốc gia. Vậy có nên thay đổi nguyện vọng, thay đổi như thế nào? căn cứ vào đâu để thay đổi?...
Giữ hay đổi, nỗi băn khoăn lớn mang tên “nguyện vọng”
Ngay từ sáng sớm, rất nhiều thí sinh và phụ huynh có mặt tại Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp 2018 của trường ĐH Kinh tế quốc dân để trực tiếp đặt câu hỏi và mong tìm được hướng đi cho con trong ngày thay đổi nguyện vọng sắp tới.
Phụ huynh Lê Thị Như (Thái Nguyên) chia sẻ, điểm năm nay của các cháu đều thấp chung, nên gia đình hơi hoang mang, không biết nên điều chỉnh nguyện vọng như thế nào, để giành được tấm vé vàng vào Đại học ngay từ nguyện vọng 1. Ban đầu cháu đăng kí vào ngành Tài chính- Ngân hàng, năm ngoái lấy 27 điểm; trong khi năm nay cháu chỉ được 25 điểm, gia đình tôi không biết nên đổi hay giữ nguyên nguyện vọng.
Cùng nỗi lo lắng ấy, anh Nguyễn Văn Chung (Hải Phòng) trăn trở, con tôi được 18.5 điểm, chênh so với mức điểm nhận xét tuyển của trường là 0,5 điểm. Dù là một tia hi vọng rất nhỏ nhưng tôi cũng mong cháu có thể đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi bắt xe khách lên Hà Nội từ sáng sớm, để nghe tư vấn từ chính các khoa đào tạo trong trường, mong muốn có hướng đi tích cực với mức điểm của con tôi. Sau khi được nghe tư vấn, gia đình dự định sẽ thay đổi nguyện vọng sang các ngành điểm thấp hơn, hi vọng cháu có cơ hội được trở thành tân sinh viên của trường.
Toàn cảnh ngày hội tư vấn, hướng nghiệp 2018
Cùng với đó, thí sinh Trần Đức Mạnh (Hà Nội) cho hay, em đã hỏi thăm điểm của nhiều bạn cùng đăng kí vào trường, điểm đều chênh lệch thấp hơn so với năm ngoái 1, 2 điểm.
Tâm lí chung, tất cả đều thấp thỏm và ngập ngừng không biết nên đổi nguyện vọng hay giữ nguyên như lúc ban đầu. Em cũng chỉ hi vọng ngành của mình giảm điểm chuẩn để em có cơ hội đỗ vào trường Kinh tế quốc dân.
Với tổng điểm xét tuyển đạt 23.8 điểm, thí sinh Nguyễn Ngọc Mai (Nam Định) đang băn khoăn đặt câu hỏi trước bàn tư vấn của khoa Đầu tư. Điểm em không chênh quá nhiều so với điểm chuẩn năm 2017, rất khó để em đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Nhưng sau khi được nghe tư vấn, em nghĩ mình sẽ giữ nguyên nguyện vọng, vì các thầy cô chia sẻ với mức điểm đó của em thì khả năng đỗ cao, nên chăng chỉ thay đổi thứ tự các nguyện vọng vào ngành học điểm cao hơn. Hi vọng em đỗ ngành Kế toán – kiểm toán.
Bên cạnh các thí sinh chọn ngành học truyền thống, thì cũng không ít thí sinh mạnh dạn đăng kí vào các ngành học mới,với mong muốn tăng cơ hội đỗ đại học nhiều hơn. Em Phạm Thị Hương ( Hà Nội), em đăng kí ngành Logitic và Kinh tế tài nguyên, với tổng điểm thi là 24.5 điểm. Do là ngành mới mở, không có điểm để so sánh với năm trước nên thầy cô khuyên em giữ nguyên nguyện vọng, đồng thời đăng kí thêm 1 ngành điểm thấp hơn để tăng tỷ lệ đỗ của em sẽ cao hơn.
Nên so sánh với mức điểm chuẩn năm 2014 - 2016
Tại ngày hội tư vấn, câu hỏi về mức điểm chuẩn năm nay dự kiến giảm bao nhiêu được đặt ra nhiều nhất từ đầu đến cuối tại tất cả các gian hàng tư vấn.
Ngay sau đó, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân đã trả lời, Nhà trường dự kiến sẽ giảm trung bình từ 1 – 3 điểm tùy vào từng ngành riêng.
Tín hiệu mừng này đã phần nào giải quyết được băn khoăn của đại đa số thí sinh đăng kí xét tuyển vào trường năm nay. Thí sinh Đinh Ngọc Linh (Phú Thọ) rạng rỡ cho biết, em thi khối A01 đạt 24 điểm, nguyện vọng xét tuyển ngành Kinh tế. Sau khi nghe được thông tin từ các thầy cô, em đã yên tâm hơn và quyết định giữ nguyên nguyện vọng 1 của mình. Mong may mắn sẽ đến với em.
Cùng tâm trạng đó, phụ huynh Trần Thị Thu (Quảng Ninh), con tôi thi khối D1 được 23 điểm, kém điểm chuẩn năm ngoái 1 điểm; do quá lo lắng nên tôi phải đưa cháu lên đây từ hôm qua để “nghe ngóng” tình hình điểm tăng giảm. Giữa lúc “rối như tơ vò” thì biết được trường sẽ giảm điểm chuẩn, cũng mừng hơn chút. Nên tôi sẽ quyết định vẫn để con đăng kí vào ngành Quản trị Kinh doanh, hi vọng sẽ đỗ vào trường ngay từ lần đăng kí nguyện vọng 1 này.
Theo ông Bùi Đức Triệu, các thí sinh và phụ huynh nên hết sức bình tĩnh, so sánh điểm của mình với điểm chuẩn các năm 2017, ngoài ra nên so với 2016 và 2014 vì đây là 2 năm có phổ điểm gần giống với năm nay. Từ đó đưa ra quyết định có nên thay đổi nguyện vọng hay không.
Trong đợt điều chỉnh tới đây, mỗi thí sinh chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất, nên hãy phân loại các nhóm ngành Cao – Trung bình – Thấp dựa vào điểm của mình mà quyết định. Ngoài ra, các thí sinh và phụ huynh cũng nên cân nhắc tới các chương trình đào tạo khác của Nhà trường, điểm đầu vào thấp, sau đó các em có thể học song bằng theo ý nguyện ban đầu của mình.
Hà Cường