Thí sinh ở nhờ nhà người quen, chuyện không nhỏ

(Dân trí) - Đến nhà người quen ở nhờ trong những ngày thi, Hùng suy sụp tinh thần hoàn toàn khi được bà chị họ… ngợi khen: “Bọn nhà quê mà cũng đòi leo cao gớm nhỉ?”

Nhà người quen luôn là một trong những “ưu tiên” hàng đầu khi tìm chỗ trọ của thí sinh (TS) từ các tỉnh về thành phố “ứng thí”. Thế nhưng việc ở trọ nhà người quen dễ gặp phải những phiền toái không chỉ với các TS mà ngay cả với người cho ở nhờ.

Người quen “sợ” TS ở nhờ

Cuối tháng 6, người họ hàng xa ở Kiên Giang gọi điện gửi con ở nhờ trong ba ngày thi đại học, cô Toán (ngụ ở P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP.HCM) từ chối liền. Dù rất ngại, cô vẫn đành gợi ý cho người bà con nên thuê phòng trọ. Chả là các năm trước, từng có người quen gửi con cháu lên thi nên giờ cô Toán… sợ TS.

Thí sinh ở nhờ nhà người quen, chuyện không nhỏ - 1

Có những thí sinh ở nhờ làm chủ nhà… thấy sợ. (Ảnh minh họa)

Năm ngoái, nhà cô Toản có đến có hai cháu từ quê lên ở nhờ. Nhà cô không rộng rãi gì nên con gái của cô phải nhường phòng cho hai chị. Chỉ bốn ngày, mọi người trong nhà cô Toản chấp nhận sinh hoạt gia đình phần nào bị đảo lộn nhưng có nhiều vấn đề cô không tài nào bằng lòng được.

Đầu tiên là chuyện hai TS này cũng không hợp nhau, mới quen mà đã gây chuyện, chảnh chọe, thậm chí còn cãi vã trong bữa ăn cùng cả gia đình. Có thể do bận ôn bài chuyện vệ sinh cá nhân của cả hai rất bừa bộn. Quần áo tắm xong, cô Toản đã dặn bỏ vào máy giặt vẫn nằm la liệt trong nhà tắm. Ngại nhắc, cô đành im lặng mà trong lòng chẳng thể vui vẻ.

Hãi nhất là cảnh hậu ngày thi, phòng con gái cô Toản thành một bãi “chiến trường” khi đồ đạc trong phòng bị đảo lộn, có thứ còn bị hư hỏng. “Điều buồn nhất là tháng đó, cước phí điện thoại bàn nhà tôi vọt lên gấp ba lần, cuộc gọi toàn tập trung trong những ngày hai cháu đến ở trọ, có những cuộc gọi đến số lạ hoắc cả trăm nghìn. Chồng tôi than phiền dữ lắm”, cô Toản buồn bã nhớ lại.

Rất khâm phục con cháu ở quê có tinh thần học hành nên nhiều năm nay gia đình bác Mười, nhà ở Quang Trung, Q. Gò Vấp luôn sẵn sàng khi người quen gửi con lên đi thi. Thế nhưng giờ đây bác cũng phải lựa lời từ chối.

Trước đây có thể do thấy bác dễ tính, nên nhiều cháu đến ở nhờ nhưng lại quá thoải mái trong mọi việc. “Nói ra thì hơi ngại chứ đồ ăn mình mua để trong tủ lạnh các cháu xài vô tư quá, không để ý trước sau. Rồi mọi sinh hoạt khác, dùng gì các cháu cũng xài tẹt ga trong khi gia đình tôi đâu phải khá giả gì đâu”, ông Mười nói.

Rút kinh nghiệm, sau đó con cháu lên ở trọ đi thi, ông Mười đều nghiêm khắc nhắc nhở trước vì nghĩ “mất lòng trước được lòng sau”. Nào ngờ, về quê các cháu lại tung tin: “Tưởng đâu ông ấy thoải mái, thoáng tính, lên ở mới biết là keo kiệt, bủn xỉn”.

Ông Mười chia sẻ: “Thật ra không chỉ mình khó chịu mà các cháu cũng không được thoải mái khi tự nhiên đến ở nhà mình. Mình thì chỉ mấy ngày không sao nhưng các cháu thi cử, tâm lý không tốt thì ảnh hưởng ghê lắm”. Từ suy nghĩ đó nên ông Mười không nhận khi người quen gửi con lên thi đại học chấp nhận mang tiếng ích kỷ..

“Sụt” tinh thần vì trọ nhà người quen

Đúng như ông Mười nói, không riêng gì chủ nhà mà trong nhiều trường hợp, chính các TS lại là người “sụt” tinh thần cũng xoay quanh chuyện ở nhờ.

TS “lớp 13” Nguyễn Văn Hùng, quê ở Bình Thuận kể, kỳ thi năm ngoái cậu được bố mẹ gửi đến gia đình một người bà con xa, cậu từng nghe nhắc đến mà chưa một lần gặp mặt. Cũng một chút căng thẳng nhưng lúc đó Hùng rất háo hức vì được gặp gỡ những người bà con của mình.

Thí sinh ở nhờ nhà người quen, chuyện không nhỏ - 2

Thí sinh nên tìm hiểu kỹ khi tìm chỗ trọ trong những ngày thi.

Khi đặt chân đến trước căn biệt thự sang trọng ở Q.2, Hùng bị choáng ngợp cùng với cảm giác ngại ngùng. Chỉ suy nghĩ đến việc làm quen với mọi người và sống trong căn biệt thự đó, Hùng đã vô cùng căng thẳng. Và cậu suy sụp tinh thần thật sự khi cảm nhận được có những thành viên trong gia đình không hề mong muốn sự có mặt của mình.

Việc sinh hoạt trong căn nhà đầy tiện nghi đã khó khăn với Hùng nhưng cậu sợ nhất là thái độ của người người mợ và bà chị họ đang làm việc cho một công ty nước ngoài, chỉ có bác trai là nhiệt tình. Hùng đã cố gạt đi suy nghĩ, mình bị khinh khi nhưng lại bị “đánh gục” hoàn toàn khi người chị họ biết cậu thi vào kinh tế thì có lời ngợi khen: “Bọn nhà quê mà cũng đòi leo cao gớm nhỉ?”.

“Đêm đó em đã khóc rất nhiều, buồn và tủi thân lắm nhưng đã lỡ đến ở nên phải cố gắng cho hết ngày thi”, Hùng buồn bã. Kết quả thi không như mong đợi, năm nay Hùng phải thi lại. Do Hùng giấu, mẹ cậu không biết chuyện, năm nay còn tính… tìm người quen nào gần Hùng điểm thi để gửi con thì Hùng từ chối ngay tức khắc. “Vất vả tìm chỗ trọ một chút nhưng cái em cần là sự thoải mái”.

Khi ở trọ nhà người quen, có lẽ không ít sĩ tử gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười khi ở trọ nhà người quen. Nhất là khi hai bên không tìm được tiếng nói chung cũng như có những cản trở trong sinh hoạt, cách suy nghĩ.

Thảo, SV trường ĐH Văn Lang cho biết trước đây cô phải chuyển chỗ trọ ngay trong đợt thi chỉ vì những hiểu lầm với người quen. Năm đó, Thảo ở trọ nhà người quen ở Q. Phú Nhuận, mọi thứ diễn ra rất thuận lợi. Thế nhưng, Thảo vừa thi xong môn đầu tiên thì gia đình người quen kêu bị mất tiền và điện thoại ngay trong nhà.

“Lúc đó em rất hoang mang nhưng em chỉ khẳng định với mọi người là mình không lấy cắp rồi lập tức chuyển đến chỗ trọ một người bạn. Có thể họ nghĩ em trốn tránh nhưng lúc đó, cái em cấn là tập trung vào việc thi cử chứ không muốn bị phân tán vì bất cứ chuyện gì”, Thảo nói.

Chuyên gia tâm lý Trung tâm tư vấn Nhật Minh cho rằng, tâm lý của TS trước và trong những ngày thi quyết định rất nhiều đến kết quả kỳ thi. Các em cần một môi trường sống thoải mái, không bị tác động nhiều bởi các yếu tố xung quanh.

Các TS ở xa phải ở trọ với môi trường hoàn toàn xa lạ, nếu gặp những phiền phức gây nên lo lắng thì sự tập trung dễ bị phân tán. Bởi thế, TS hãy dành thời gian tìm hiểu chỗ trọ thi của mình. Với việc ở trọ nhà người quen trước hết cần xem mức độ thân thiết và thái độ bên đó có gượng ép khi nhận lời cho ở hay không. Ngoài ra, để ý đến điều kiện của gia đình họ (liệu có quá chật chội), cùng với lối sinh hoạt mình có tự tin hòa nhập hay không.

“Khi ở nhà người quen, TS cần ý tứ trong sinh hoạt, đừng quá tự do để ảnh hưởng nhiều đến mọi người trong gia đình. Nhưng đừng quá khép mình, nếu việc gì chưa hiểu hay thắc mắc hãy mạnh dạn nhờ họ hàng chỉ dẫn để thích nghi tốt hơn. Điều đó sẽ hạn chế được những tình huống phiền toái, để TS có được tâm lý tự tin, thoải mái nhất”, chuyên viên này chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, trước những sự cố có thể xảy ra mà không lường được trước, TS cần vững tinh thần, dồn tập trung cho việc thi cử trước. Hãy gác lại những sự cố để sau ngày thi sẽ tìm cách giải quyết.   

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm