Thí sinh lo lắng học ngành Luật và Tâm lý ra trường bị thất nghiệp?
(Dân trí) - Tại ngày hội tuyển sinh vừa qua tại Hà Nội, nhiều thí sinh băn khoăn lo lắng đặt câu hỏi, ngành Tâm lý, ngành Luật và ngành kế toán có thể bị thất nghiệp khi ra trường không?, phải làm như thế nào?
Tại ngày hội, nữ sinh đến từ trường THPT Văn Giang, bày tỏ băn khoăn khi em có nguyện vọng sẽ vào ngành tâm lý học, nhưng em cảm giác lo lắng khi ngành này chưa phát triển, chưa thật sự hot, và nếu tốt nghiệp thì em có thể làm ngành nghề gì được hay bị thất nghiệp?
PGS.TS Bùi Thành Nam, trưởng phòng đào tạo Trường Khoa học xã hội nhân văn (KHXH&NV), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trường KHXH&NV có đào tạo tâm lý học qua 4 lĩnh vực khác nhau là lâm sàng, chính quy, tham vấn và quản trị kinh doanh tùy thuộc vào môi trường công việc mà đều có thể ứng dụng kiến thức vào việc làm.
Ông khẳng định đó là một ngành hot của trường và đầu ra của ngành Tâm lý học rất tốt, có thể phục vụ việc phát triển học tập cũng như đóng góp cho thị trường lao động từ nghiên cứu đến y tế, kinh doanh.
Phó giám đốc Học viện Tài chính TS Nguyễn Đào Tùng cũng chia sẻ thêm, với tình hình kinh doanh chứng khoán, và thậm chí là với tuổi mới lớn thì việc trầm cảm là chuyện phổ biến nên ngành tâm lý học cũng rất quan trọng.
Trong khi đó, một nữ sinh đến từ trường THPT thì tỏ ra hoang mang về ngành kế toán khi những năm gần đây thì tỷ lệ thất nghiệp của ngành này khá là cao.
TS Nguyễn Đào Tùng đánh giá cao câu hỏi này và động viên rằng hãy yên tâm khi doanh nghiệp nào cũng cần đến kế toán và khi tốt nghiệp chứng chỉ thì sẽ hữu dụng đến cả đời. Ông cũng cho biết thực ra khi vào nghề lúc trước 30 tuổi là sẽ vất vả nên cần sự kiên nhẫn để có thể ổn định được công việc.
Một nam sinh trường Lê Quý Đôn thì bày tỏ lo lắng về ngành Luật, khi thấy nhiều lời không hay về luật, gặp khó về việc làm cũng như lo ngại về lương.
Trả lời cho thắc mắc này, TS Nguyễn Đào Tùng cho biết ,thực tế luật là một ngành nghề quan trọng mà xã hội rất cần, nhất là trong kinh doanh, đầu tư, mua bán, kết hôn, chia tài sản vì cần có hiểu biết về luật hoặc nhờ chuyên gia giúp đỡ chứ không thể cứ nhờ vào tình cảm để giảm bớt oan sai. Ngoài ra cũng có những công ty luật để có thể giải quyết vấn đề việc làm.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân có hai nghề mà vô cùng cần cho xã hội hiện đại đó là bác sĩ và luật sư, đặc biệt là với những quốc gia phát triển trên thế giới.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, trường ĐH Ngoại thương đề cao tầm quan trọng của đam mê với định hướng và nghề nghiệp, với kinh nghiệm quan sát sinh viên ngành luật trong những năm vừa qua, PGS nhận thấy khi các sinh viên có yêu thích và đam mê, thì cảm giác khổ, khó hay khô khan là không còn nữa mà say mê học, tìm hiểu vụ kiện hay tham gia phiên tòa giả định. Vì vậy bà khuyên học sinh hãy tìm hiểu thật kỹ về ngành mà mình có hứng thú để hiểu rõ về ngành đó và lựa chọn thứ mình thật sự thích mà chú tâm.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương , trường ĐH Hà Nội, cũng khuyên các học sinh hãy học ngoại ngữ như tiếng Anh để có thể hội nhập quốc tế cũng như tiếp thu tri thức quốc tế.
100% sinh viên trường nghề tốt nghiệp đều có việc làm ngay
Tại buổi tư vấn, ông Hà Đức Ngọc, Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, nếu năng lực của thí sinh ở thời điểm tuyển sinh chưa đủ hay chưa gặp may mắn để có thể bước chân vào giảng đường đại học, thì giáo dục nghề nghiệp ở các trường Cao đẳng, Trung cấp cũng là một phương án không tồi. Thực chất đó cũng không có gì là thua kém, khi ông Ngọc đề cập những thành tích cao của sinh viên cao đẳng ở các kỳ thi quốc tế.
Ông Ngọc cũng khẳng định sinh viên cần phải nỗ lực để vừa học lý thuyết mà cũng có thể ứng dụng ra ngoài thực tế, thậm chí thực tập làm việc ở các doanh nghiệp lớn mà có thể có việc làm sau khi tốt nghiệp. Ông cũng khẳng định trên 90% và 100% sinh viên trường nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.