Thí sinh có tới 16 nguyện vọng xét tuyển
(Dân trí) - Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi và có 4 đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển tối đa 4 nguyện vọng.Như vậy, thí sinh có tới 16 nguyện vọng xét tuyển.
16 nguyện vọng xét tuyển: Thí sinh lợi!
Theo dự thảo, các trường được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi, sau khi báo cáo kết quả thi về Bộ, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho các sở GD-ĐT để chuyển tới thí sinh đã dự thi ở cụm. Mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.
Đối với các trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31 tháng 10 hàng năm đối với trường đại học và 15 tháng 11 hàng năm đối với trường cao đẳng.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng kí nhập học của mỗi đợt xét tuyển; cập nhật 3 ngày một lần thông tin ĐKXT của thí sinh trên trang thông tin điện tử của trường.
Đối với thí sinh, ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển được đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi cấp để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, được quyền thay đổi ngành học đã đăng kí hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác.
Trường lo “ảo”
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo chiều ngày 18/12, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Mỗi đợt xét tuyển được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng nên cơ hội trúng tuyển của các em sẽ được tăng lên. Do đã có mã vạch nhận dạng nên không lo việc dùng giấy xét tuyển của đợt này để xét tuyển trong đợt khác”.
Tuy nhiên, mỗi thí sinh có tới 16 nguyện vọng xét tuyển như theo quy định của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng như vậy sẽ gây “ảo” lớn và tốn kém cho các trường.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: Mỗi thí sinh có tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi là quá nhiều, quá lãng phí cả cho thí sinh và nhà trường vì cuối cùng các em cũng chỉ được chọn 1 trường, 1 ngành để học. Đặc biệt, các trường sẽ bị “ảo” nhiều bởi mỗi đợt, thí sinh có tới 4 nguyện vọng xét tuyển vào 1 trường.
Ông Hóa kiến nghị: “mỗi thí sinh chỉ cần 2 giấy chứng nhận kết quả thi là đủ”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết, mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi như vậy có lợi cho các em nhưng lại gây “ảo” lớn cho các trường. Các trường khó xác định được có bao nhiêu em sẽ vào học.
“Theo tôi nên chia làm 2 giai đoạn xét tuyển, giai đoạn 1 cấp cho thí sinh 2 phiếu xét tuyển; giai đoạn sau là khi các trường tuyển sinh gần ổn định rồi cũng nên cấp lại giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh chưa trúng tuyển vào trường nào để các em xét tuyển vào trường khác”.
Được biết, trong dự thảo tuyển sinh ĐH,CĐ 2015, Bộ GD-ĐT quy định, phiếu đăng kí xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép đăng kí tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi và mã vạch nhận dạng.
Hồng Hạnh
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |