Thí sinh chuyển hướng học nghề, nhiều trường đại học lo “ngay ngáy”

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính tới ngày 29/8 đã có 41.632 thí sinh ĐKXT bổ sung. Như vậy còn khoảng 90.000 chỉ tiêu ĐH cho đợt bổ sung này. Mặc dù nguồn tuyển còn khá dồi dào nhưng nhiều trường đại học vẫn lo “ngay ngáy” vì chưa tuyển đủ thí sinh. Nguyên nhân vì sao?


Nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn chưa chọn trường trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn chưa chọn trường trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Còn 90.000 chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung

Đợt xét tuyển thứ nhất đại học, cao đẳng đã kết thúc, hiện các trường đang tiến hành xét tuyển đợt bổ sung. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính tới ngày 29/8, đã có 41.632 thí sinh ĐKXT bổ sung. Tổng đợt một có 398.111 thí sinh ĐKXT (trong tổng số khoảng 400.000 thí sinh đủ điều kiện ĐKXT); đã trúng tuyển khoảng 230.000 (dự tính cho cả khối Công an và Quân đội). Như vậy còn khoảng 90.000 chỉ tiêu ĐH cho đợt bổ sung.

Cũng trong đợt xét tuyển thứ nhất nhiều trường đại học, cao đẳng đã thừa nhận hầu như các trường đều có tỷ lệ ảo rất cao. Vậy các thí sinh đi đâu? Nhiều nhà chuyên môn cũng nhận định, năm 2016 lần đầu tiên xuất hiện xu hướng học nghề tăng, điều này có thể nhìn thấy ở tỷ lệ thi chỉ để tốt nghiệp của thí sinh khá cao, khác hơn các năm trước.

Luồng ý kiến khác cũng giải thích cho thắc mắc vì sao các trường, nhất là các trường đại học lớn vẫn thiếu thí sinh? Theo đó, trong nhiều năm qua tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường vẫn rất lớn, các thí sinh có nhiều con đường khác để lập nghiệp, không nhất thiết phải học đại học.

Nhìn nhận về hiện tượng này, GS. TSKH Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP HCM cho biết, các trường thời gian qua cho rằng tỷ lệ ảo, đây cũng là một vấn đề; cộng với nguồn tuyển, tôi theo dõi được biết nguồn tuyển năm nay Bộ đã công bố công khai, đây là một thông tin rất có ích cho các trường.

Không coi vào đại học là con đường duy nhất

Câu hỏi ở đây đặt ra ở hiện tượng này là do thí sinh, thí sinh chọn trường nào và đi học ở đâu, đó là vấn đề của thí sinh. Một số trường xét học bạ nên nguồn tuyển năm nay theo ông Lộc không phải là thiếu hụt. “Tôi thì nghĩ có một nhóm thí sinh thi THPT, các em không lựa chọn học đại học mà chuyển qua đi học nghề” ông Lộc cho hay.

Ông Hồ Đắc Lộc cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề ảo như lâu nay các trường vẫn nêu, đây thực chất liên quan tới tỷ lệ nhập học của thí sinh. Tỷ lệ nhập học thấp thì nói là tỷ lệ ảo, tỷ lệ nhập học cao là không ảo; tỷ lệ nhập học thực chất là phản ánh thí sinh mong muốn vào học của một trường cụ thể nào đó. Nếu như trường nào đào tạo tốt, có thương hiệu, phù hợp với năng lực, nguyện vọng và mong muốn của thí sinh thì sinh sẽ lựa chọn trường đó. Lúc đó, đương nhiên lúc đó sẽ không có tỷ lệ ảo cao.

“Câu chuyện nhập học là câu chuyện chọn lựa của thí sinh, các em chọn theo thương hiệu và chất lượng, đó là công việc mà các trường phải làm. Tức là các trường phải nỗ lực khẳng định thương hiệu của mình để cho thí sinh lựa chọn thì sẽ không có tỷ lệ ảo nhiều. Với trường chúng tôi, luôn xác định phải xây dựng được chất lượng đào tạo, tập trung việc làm. Trong năm nay chúng tôi tuyển sinh vẫn rất ổn, điểm chuẩn có xu hướng cao hơn so với các năm” ông Lộc cho biết.


Sợ thất nghiệp, nhiều thí sinh lựa chọn học nghề để ra trường có việc làm ngay

Sợ thất nghiệp, nhiều thí sinh lựa chọn học nghề để ra trường có việc làm ngay

Đánh giá về sự lựa chọn của thí sinh khi tỷ lệ chuyển hướng theo xu hướng học nghề ngày một nhiều, ông Hồ Đắc Lộc cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thiếu thí sinh. Bản thân ông Lộc và cán bộ trong trường cũng đã đi tư vấn tuyển sinh nhiều nơi thì nhận thấy xu hướng lựa chọn cho tương lai của học sinh đang chuyển biến theo chiều tích cực. Các em và bố mẹ các em không coi vào đại học là con đường duy nhất, mà đã xuất hiện xu thế lựa chọn tương lai phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của mình.

“Khảo sát sinh viên của chúng tôi thì hầu như các em cũng chỉ mong muốn có có được nghề sau khi ra trường, nếu như điều kiện không phù hợp, có thể không hẳn do năng lực mà do tài chính thì các em có thể sẽ chọn cho mình một con đường khác về tương lai, đó là xu hướng lành mạnh. Như vậy sẽ đỡ lãng phí trong đào tạo và đỡ sinh ra nhiều hoàn cảnh thất nghiệp, hơn nữa đây cũng là điều kiện để các trường sàng lọc thí sinh và nâng cao chất lượng đào tạo của mình” ông Lộc nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lộc, việc này cũng là kết quả cho công tác phân luồng, hướng nghiệp ở phổ thông. Và công tác truyền thông năm qua cũng đã nói rất nhiều về những gương khởi nghiệp thành công mà không qua cánh cổng đại học, điều đó đã làm cho thí sinh và phụ huynh nhận thức đúng hơn.

“Không một trường đại học nào xác định được số lượng sinh viên mà mình phải có, mà điều đó còn phụ thuộc vào năng lực và nhu cầu của thí sinh. Trường đó cần phải xác định rõ hơn về năng lực cung cấp giáo dục cho xã hội, cho người học. Trên tinh thần như thế khi thí sinh có nhận thức, có lựa chọn khác nhau thì các trường phải làm sao cho thí sinh thấy được lựa chọn của mình là lựa chọn phù hợp nhất đối với các em” - ông Lộc bày tỏ.

Theo lãnh đạo trường Đại học Công nghệ TP. HCM, nhà trường không bao giờ nghĩ tới chuyện dùng mọi biện pháp kĩ thuật để làm mất cơ hội cho thí sinh, ngược lại đó là quyền của thí sinh.

Thí sinh đã lựa chọn theo năng lực

Trong khi đó, với vai trò lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập, coi trọng chất lượng đầu ra, ông TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, nếu với vai trò là doanh nghiệp tổng kết lại mỗi một doanh nghiệp chỉ có tỷ lệ 5-10% là cử nhân, kỹ sư; còn lại là kỹ thuật viên và công nhân. Do đó, các doanh nghiệp luôn luôn phải có hướng định vị thị trường.

“Giá trị đích thực của giáo dục và đào tạo là gắn với việc làm, nhưng tôi thường thấy khi sinh viên học xong thì gặp phải tình trạng doanh nghiệp phá sản, không có chỗ làm. Nhưng trong các doanh nghiệp phá sản thì có những doanh nghiệp đầu tư vào như Samsung, LG,…có nhận và đào tạo lại với mức lương 5-7 triệu/tháng. Nhưng nếu học đại học ra lương cũng chỉ 4 triệu thì các em sẽ không đi học nữa, chuyển sang đi làm.

Tôi nghĩ vấn đề ảo cũng là do các thí sinh có sự lựa chọn theo năng lực, theo nguyện vọng của các em. Các em cảm thấy hiện tại chỉ cần lao động phổ thông, kiếm tiền, sau này có điều kiện sẽ đi học tiếp. Đây là tín hiệu khẳng định thị trường bắt đầu quyết định số sinh viên vào làm gì, học gì” - ông Hùng nhấn mạnh.

Nhật Hồng