Giải mã hiện tượng thí sinh “ảo” tăng cao khiến nhiều trường đại học “sốc”
(Dân trí) - Dư luận xã hội khá bất ngờ vì tuyển sinh năm nay hàng loạt trường đại học “hót” đều không tuyển đủ thí sinh trong xét tuyển đợt 1, trong khi đó số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất lớn. Vậy nguyên nhân do đâu? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại về vấn đề này.
Năm nay có lẽ là năm đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh mà nhiều trường đại học tốp trên lại ồ ạt xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng trăm chỉ tiêu vì thí sinh đến trường nhập học quá ít so với lượng đăng ký khiến lãnh đạo nhiều trường đại học “sốc”. Đây có phải vì quy định xét tuyển đưa ra chưa sát thực tế, thưa ông?
Trở lại quy chế xét tuyển đại học chính quy năm 2015, mặc dù đánh giá là không thành công, còn nhiều tồn tại, nhất là việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển, thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1 quá dài. Rất nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thậm chí thay đổi rất nhiều lần. Hệ quả tất yếu là thí sinh đã rất mệt mỏi, dư luận xã hội bức xúc, không đồng tình với quy chế tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, có một thành công rất lớn trong tuyển sinh năm 2015 đã không được đề cập. Đó là:
- Đối với các trường đại học tỷ lệ ảo rất ít, tỷ lệ thí sinh nhập học của một số trường đạt tới 96 - 97%. Đó là chỉ số mơ ước trong tuyển sinh.
- Đối với thí sinh, mặc dù thực sự có phần vất vả nhưng bù lại các em đã chọn được đúng trường, đúng ngành theo nhu cầu và phù hợp với điểm xét tuyển của từng em.
Năm 2016, quy chế xét tuyển được điều chỉnh với 2 điểm nổi bật, thứ nhất, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển nếu đã đăng ký; thứ hai, các trường không được cập nhật và công khai tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
Với quy định này, tỷ lệ thí sinh ảo rất lớn và phổ biến ở các trường là tất yếu. Vì theo quy định, các trường không được công khai tình hình nộp hồ sơ của thí sinh, nên việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh được quyết định bởi những căn cứ, những tính toán không đủ mức tin cậy cần thiết. Hệ quả tất yếu là có trường số thí sinh đăng ký rất ít, thậm chí quá thấp so với chỉ tiêu được tuyển. Trong khi đó nhiều trường số thí sinh đăng ký quá nhiều, gấp nhiều lần so với chỉ tiêu được tuyển.
Theo quy chế tuyển sinh năm 2016, các trường đại học không được công khai thông tin về tình hình nộp hồ sơ của thí sinh. Theo quan điểm cá nhân tôi, lẽ ra phải ngược lại, các trường cần phải cập nhật thông tin một cách thường xuyên, đầy đủ và công khai cho thí sinh. Khi đó các thí sinh sẽ có sự lựa chọn tốt nhất khi đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành học phù hợp với nguyện vọng và kết quả thi THPT của mình. Cùng với đó, các trường đại học sẽ chọn được đúng đối tượng, tỷ lệ thí sinh ảo sẽ không cao.
Với việc các trường cập nhật và công khai thường xuyên tình hình đăng ký xét tuyển cho thí sinh có thể dẫn tới trường hợp thí sinh chờ đến thời điểm gần hạn chót mới đăng ký, gây dồn ứ, ách tắc ở các trường.
Nhưng tôi nghĩ chỉ có những thí sinh có mức điểm không cao mới chờ đến thời điểm cuối cùng, một số không nhỏ vẫn nộp bình thường theo tính toán của các em. Trong trường hợp nếu có dồn ứ vào thời điểm cuối, thì chắc chắn các trường sẽ sẵn sàng có phương án tốt nhất để đón tiếp thí sinh đăng ký xét tuyển. Năm 2015, các trường đã xử lý rất tốt việc này.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, phương án xét tuyển năm nay là để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh. Ông nghĩ sao?
Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này của lãnh đạo bộ GD&ĐT. Nhưng tôi không hoàn toàn nhất trí với phương án xét tuyển. Như đã phân tích ở trên, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định là các thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký.
Nhưng cùng với quy định đó, lẽ ra Bộ cho phép các trường được cập nhật và công khai hoá thường xuyên thông tin về tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển của trường theo từng ngành và chuyên ngành đào tạo. Chắc chắn tỷ lệ ảo sẽ không cao như thực tế hiện nay.
Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì tỷ lệ ảo đợt 2 sẽ cao hơn rất nhiều
Với thực tế thiếu thí sinh này không chỉ ở các trường tốp trên, các trường tốp dưới dự báo sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng hơn. Vậy, ông có giải pháp gì để đối phó tình trạng này?
Giải pháp trước hết của trường Đại học Thương mại cũng như của các trường khác là thông báo tuyển sinh bổ sung đợt 2. Giải pháp tiếp theo là dự đoán tỷ lệ ảo phải chấp nhận.
Theo tôi, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì tỷ lệ ảo đợt 2 sẽ cao hơn rất nhiều so với đợt 1 vì mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Về lý thuyết tỷ lệ ảo sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo.
Theo ông, các trường có nên giảm điểm chuẩn?
Việc này cần phải cân nhắc thật cẩn trọng bởi hệ luỵ có thể sảy ra. Giả thiết khi các trường hạ điểm chuẩn thì các thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học. Nhưng chúng ta sẽ xử lý thế nào đối với các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 (của đợt 1), nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng khi điểm chuẩn thay đổi.
Công bằng cần đặt ra, khi hạ điểm chuẩn ở đợt 2 đối với thí sinh ở cả 2 đợt xét tuyển. Bức xúc của phụ huynh, thí sinh có thể lại phát sinh từ việc hạ điểm chuẩn.
Do thí sinh “ảo” quá nhiều, không tuyển đủ chỉ tiêu, lãnh đạo nhiều trường đại học đã phải thốt lên: “Không hiểu thí sinh đi đâu?”
Với kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh, ông có giải pháp nào cho mùa tuyển sinh năm sau?
Riêng về tuyển sinh đại học chính quy, theo quan điểm của cá nhân tôi thì theo cơ chế "3 chung" như trước đây, hoặc ít nhất là hình thành các nhóm trường hợp tác tổ chức tuyển sinh (theo nguyên lý "3 chung" trong nội bộ nhóm) là tốt nhất, ít nhất là tạm thời trong giai đoạn hiện nay bởi những ưu điểm của "3 chung" đã được thừa nhận trong thực tế là:
Tiết kiệm chi phí xã hội trong tuyển sinh; Hình thành thước đo chung trong đánh giá chất lượng đầu vào của đào tạo đại học.
Việc quy định điểm sàn tuyển sinh sẽ có vai trò xác định chuẩn chất lượng tối thiểu đầu vào chung của các trường, góp phần hạn chế tiêu cực trong tuyển sinh.
Một kết quả thi, thí sinh sẽ được phép sử dụng để xét tuyển cho nhiều nguyện vọng khác nhau, ở nhiều trường khác nhau. Góp phần giảm thiểu tỷ lệ ảo như hiện nay.
Tất nhiên, trên đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo GS Đinh Văn Sơn, đối với trường Đại học Thương mại, năm 2015 chỉ tiêu được tuyển là 3800, tỷ lệ nhập học bình quân chung của tất cả các ngành học gần 98%, tỷ lệ ảo rất thấp. Những năm trước đó, tỷ lệ ảo tối đa cũng chỉ khoảng 6%.
Năm 2016, chỉ tiêu được tuyển cũng là 3800. Đến hết ngày 12/8, số thí sinh đăng ký là 13.394, đồng nghĩa với 26.788 nguyện vọng (mỗi thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng).
Đó là điều rất đáng mừng và tự hào của nhà trường. Nhưng cùng với niềm vui, đó là sự lo lắng, băn khoăn về phương án điểm chuẩn, xác định số thí sinh trúng tuyển theo từng ngành, chuyên ngành sẽ là bao nhiêu để số thí sinh nhập học phù hợp với chỉ tiêu được tuyển là 3800? .
Tỷ lệ ảo khoảng bao nhiêu phần trăm là phù hợp? Bài toán tuyển sinh rất khó có lời giải đáp tốt nhất. Và đó cũng không phải là hiện tượng cá biệt của trường Đại học Thương mại.
Đúng như dự đoán, mặc dù đã có những giải pháp giảm ảo rất khả thi và khoa học, nhưng Đại học Thương mại không phải là ngoại lệ với tỷ lệ ảo rất cao. Tỷ lệ xác nhận học đến 17h ngày 19/8/2016 chỉ đạt khoảng 60% so với chỉ tiêu được tuyển.
Hồng Hạnh (thực hiện)
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)