Thí sinh 10 điểm Lý, 0 điểm Toán: Làm một số câu, còn lại khoanh bừa đáp án

(Dân trí) - Thí sinh N.S.H. không bất ngờ với điểm 0 môn Toán vì em “ngủ, không làm bài”. Tuy nhiên, H. rất bất ngờ với điểm 10 môn Lý. Theo lý giải của thí sinh này, môn Lý em có làm một số câu, những câu còn lại “khoanh bừa đáp án”.

Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã liên hệ được với em N.S.H. (lớp 12K, Trường THPT Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) - người đang “gây bão” với kết quả thi THPT quốc gia năm 2016, có điểm thi như sau: Vật lý: 10.0; Hóa: 8.0; Toán: 0.0; Văn: 2.5; Tiếng Anh: 2.13.

N.S.H cho rằng, kết quả điểm 10 môn Vật lý là do em khoanh bừa đáp án. Bởi vậy, khi điểm quá cao như vậy em cũng rất bất ngờ (ảnh P.B).
N.S.H cho rằng, kết quả điểm 10 môn Vật lý là do em "khoanh bừa đáp án". Bởi vậy, khi điểm quá cao như vậy em cũng rất bất ngờ (ảnh P.B).

Với tâm lý “đi thi cho biết” cộng với việc “buồn chuyện gia đình” nên trong buổi thi môn Toán, thí sinh này điền các thông tin cần thiết vào giấy thi rồi… ngủ.

“Giám thị có nhắc nhở làm bài nhưng em không làm. Em đợi hết giờ làm bài theo quy định rồi nộp giấy trắng và ra về”, H. cho hay. Bởi vậy điểm 0 môn Toán đối với H. là đương nhiên.

Biết chắc môn Toán được 0 điểm, không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp THPT, tuy nhiên “không muốn trường bị mang tiếng có thí sinh bị điểm 0 cả 5 môn vì bỏ thi”, nên các môn tiếp theo, N.S.H. vẫn đi thi như thường.

Với môn thi Ngoại ngữ (tiếng Anh), H. chọn kết quả theo kiểu “xác suất”. “Em khoanh toàn bộ đáp án A, còn phần tự luận em không làm”, H. cho hay. Với kiểu làm “xác suất” này, môn Tiếng Anh, H. đạt 2,13 điểm.

Môn Ngữ văn, thí sinh này có làm một chút rồi… ngủ. Kết quả, đạt 2,5 điểm.

“Môn Vật lý em làm được một số câu, em nghĩ là mình làm đúng. Sau đó em gục lên bàn hoặc ngó nghiêng ngoài cửa số. Giám thị có nhắc nhở em làm bài nhưng em không làm. Đến khi gần hết giờ, em khoanh bừa đáp án. Em không nghĩ được điểm quá cao như thế”, H. lý giải về điểm 10 môn Vật lý của mình.

Điểm 8 môn thi Hóa cũng được H. lý giải tương tự.

H. cũng thừa nhận mình là người ham chơi, lười học. Trong 2 năm lớp 10, lớp 11, H. thiếu điểm một số môn tự nhiên và phải thi lại. Kết quả tổng kết năm lớp 12 có khá hơn.

“Em không định đi thi vì gia đình có chuyện buồn nhưng học xong 12 năm, mọi người động viên nên em quyết định đi thi”, H. tâm sự.

N.S.H cũng chưa nghĩ đến việc năm sau có thi lại hay không. Thời gian tới em sẽ đi kiếm việc làm. Sự “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ này khiến em cũng bị khủng hoảng tâm lý.

Ông Phan Bá Nguyễn - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hiếu cho biết: “Với điểm 0 môn Toán của H. thì tôi không bất ngờ vì em học lực kém. Tuy nhiên, môn Lý đạt điểm 10, môn Hóa đạt điểm 8 thì tôi rất phân vân". Thầy Nguyễn cũng cho rằng, biết đâu do đây là 2 môn thi trắc nghiệm nên mới có kết quả "bất thường" này.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng GD-ĐT Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Phó chủ tịch Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2016 cụm 35 - cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì thì khi có thông tin về điểm thi của thí sinh N.S.H, chính ông cũng rất bất ngờ.

“Đây làm một điều bất thường. Thường thì thí sinh học tốt khối A sẽ làm tốt cả 3 môn thi chứ không thể có chuyện Lý được 10, Hóa được 8 mà Toán được 0 điểm được. Kết quả kiểm tra được thực hiện vào sáng nay thì kết quả chấm thi đúng với kết quả bài làm của thí sinh”, ông Bình cho hay.

Hiện các công đoạn liên quan đến tổ chức thi đang được kiểm tra lại để làm rõ nguyên nhân điểm số bất thường của thí sinh N.S.H.

Hoàng Lam - Phương Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm