Thi lớp 10 môn Lịch sử: Chiến thuật ôn thi hiệu quả giai đoạn "nước rút"

Nhật Hồng

(Dân trí) - Để đạt điểm cao môn Lịch sử vào lớp 10, học sinh lớp 9 nên "bỏ túi" một số chiến thuật ôn thi và kỹ năng làm bài thi dưới đây.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021 - 2022 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 10/6 - 11/6/2021.

Như vậy, học sinh lớp 9 trên địa bàn sẽ còn khoảng hơn 1 tháng để ôn luyện 4 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Dưới đây là những tư vấn của các giáo viên Lịch sử tại Hệ thống giáo dục HOCMAI nhằm giúp học sinh có chiến thuật ôn thi hiệu quả trong giai đoạn "nước rút", đồng thời có kỹ năng làm bài bứt phá điểm cao.

Không nên học tủ

Đó là quan điểm của Tiến sĩ sử học Lê Thị Thu Hương - Giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI khi được hỏi về việc học và ôn thi môn Lịch sử của học sinh, với đặc thù là môn xã hội, yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ với rất nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử.

Thi lớp 10 môn Lịch sử: Chiến thuật ôn thi hiệu quả giai đoạn nước rút - 1
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương - Giáo viên môn Lịch sử tại Hocmai.vn

Tiến sĩ Thu Hương chia sẻ: "Thay vì học thuộc lòng để nhớ kiến thức thì học sinh cần học hiểu. Phải thực sự hiểu kiến thức. Việc hiểu lịch sử giúp các em sẽ hoàn toàn chủ động được bài thi của mình và sẽ đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các em nên lập sơ đồ tư duy để học, thông qua các giai đoạn lịch sử, đồng thời lập các bảng niên biểu. Theo đó, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử là mốc thời gian thời gian và sự kiện đi kèm để dễ dàng ghi nhớ."

Theo đó việc học hiểu kiến thức sẽ giúp học sinh nhớ nhanh và nhớ sâu một lượng lớn kiến thức, đặc biệt là trong giai đoạn "nước rút" này. Vì vậy, học sinh không nên học theo kiểu học vẹt, học thuộc lòng mà hãy viết lại, ghi chép những ý chính, từ khóa; hệ thống kiến thức các bài, chuyên đề, giai đoạn lịch sử theo sơ đồ, bảng biểu.

Do đề thi theo hình thức trắc nghiệm với số lượng 40 câu hỏi, các câu hỏi sẽ trải đều hầu hết các nội dung trong sách giáo khoa, từ lịch sử thế giới (1945-2000) và lịch sử Việt Nam (1919-2000). Vì vậy trong quá trình học và ôn thi học sinh cần bám sát theo sách giáo khoa và coi đó là kim chỉ nam để ôn luyện.

Với những nội dung giảm tải theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH là những nội dung không dạy; đọc thêm; không làm; không thực hiện… thì sẽ không xuất hiện trong đề thi, vì vậy học sinh có thể bỏ qua mà không cần ôn luyện.

Cụ thể là bài 13: Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay thuộc chương V phần lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến nay; bài 34: Tổng kết lịch sử Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 2000 thuộc chương VII phần lịch sử Việt Nam từ 1919 đến nay.

Bên cạnh đó, học sinh cần lưu ý không nên học tủ bất kỳ nội dung nào để tránh rơi vào tình thế bị động khi làm bài thi chính thức.

5 lưu ý giúp ôn thi môn Lịch sử hiệu quả trong giai đoạn nước rút

Nhằm giúp học sinh có chiến thuật ôn thi hiệu quả và kỹ năng làm bài thi đạt điểm cao, Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Giám đốc chương trình Khoa học xã hội tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra 5 lưu ý sau:

Thứ nhất, nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học đến đâu chắc đến đó, có thể áp dụng sơ đồ tư duy để ghi nhớ nhanh và không bỏ sót kiến thức.

Thứ hai, thực hành thông qua việc luyện đề để vừa ghi nhớ kiến thức vừa rèn luyện phản xạ và kỹ năng làm bài thi. Do đó học sinh có thể thực hành thông qua việc làm đề thi tham khảo hoặc đề thi môn Lịch sử vào 10 tại Hà Nội năm 2019 để nắm bắt được cấu trúc đề thi.

Thứ ba, học sinh cần chủ động tổng kết lại kiến thức của mỗi chương để nhớ các dấu mốc lịch sử chính, đánh dấu bước chuyển của mỗi thời kỳ từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử đồng thời có thể xử lý được các câu hỏi mang tính liên chương hoặc câu hỏi có mức độ khó trong đề thi.

Thứ tư, cần tìm ra được từ khóa trong mỗi câu hỏi để xác định trọng tâm câu hỏi, tránh bị lạc đề, tránh rơi vào bẫy của người ra đề, dẫn đến chọn sai đáp án gây mất điểm đáng tiếc.

Thứ năm, phân chia thời gian làm bài hợp lý để đảm bảo làm được hết các câu hỏi trong đề thi, nên làm theo trình tự câu dễ làm trước câu khó làm sau. Sau khi làm xong cần dành thời gian để soát lại toàn bài và sửa lại lỗi sai (nếu có).

"Tăng cường luyện đề trong giai đoạn này sẽ giúp học sinh rèn được kỹ năng làm bài và phản xạ đối với từng dạng câu hỏi, đồng thời giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Vì vậy các em cần đặc biệt lưu ý để có kế hoạch luyện đề đạt hiệu quả thay vì ôn luyện tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi gây ảnh hưởng đến kết quả học tập chung." - Thạc sĩ Quỳnh Mai nhấn mạnh.