Thế nào là trường top trên, top giữa, top dưới?
(Dân trí) - Thế nào là trường top trên, top giữa, top dưới? Em có nghe các bác, các chú lãnh đạo của Bộ GD-ĐT khuyên thí sinh nên biết lựa theo sức học của mình để chọn thi vào trường thuộc top nào, tuy nhiên em không hiểu lắm về những khái niệm này.
Em rất muốn thi vào ĐH Xây dựng Hà Nội vì đây là trường ĐH mà em vẫn ao ước từ hồi còn rất bé. Học lực của em chỉ ở diện trung bình khá, nhưng em học môn Lý rất giỏi. Lựa chọn này của em có là quá sức không? (Lê Phương Thảo - Huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
* Trả lời:
- Trên thực tế thì chưa có tài liệu nào định nghĩa đâu là trường top trên, top giữa và top trung bình. Tuy nhiên, quan niệm này lâu nay vẫn tồn tại trong “giới” thí sinh.
Top trên là những trường có mức điểm trúng tuyển hàng năm luôn luôn ở hàng đầu bảng. Chẳng hạn như Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, trong các kỳ thi tuyển sinh của 5 năm liền, Học viện này luôn có mức điểm đầu vào trên 25 điểm.
Top giữa là những trường có mức điểm chuẩn giao động từ 17 đến 22 điểm. Đó là những trường như các trường ĐH thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Công đoàn, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Luật...
Còn top dưới là những trường có mức điểm dưới mức 17 cho tới tiệm cận và bằng điểm sàn. Những trường dân lập hầu hết đều nằm trong top này. Top dưới còn là những trường ĐH vùng và những ngành khó tuyển sinh của một số trường ĐH như ngành trồng trọt của các ĐH Nông lâm, trong nhiều năm, mức điểm chuẩn luôn suýt soát điểm sàn.
Còn về sự băn khoăn của em về việc có nên thi vào trường ĐH Xây dựng HN hay không thì trên thực tế đây là một trong những trường thuộc ĐH top trên, với mức điểm chuẩn hàng năm là khoảng 25 điểm. Học lực của em nếu chỉ ở diện trung bình khá thì khi thi vào trường này em phải hết sức cố gắng.
Nếu chỉ học giỏi môn Lý thì không đủ đảm bảo để em có thể đỗ đại học, đừng nói gì đến một trường ĐH thuộc top trên. Vì thế, chúc em thật nỗ lực để đảm bảo được sự cân bằng giữa cả ba môn Toán, Lý Hoá và đạt được ước mơ.
Nhóm PV GD