Đồng Tháp:

“Thấy tụi nhỏ té sông mà thương!”

(Dân trí) - Hàng ngày có hơn 100 lượt học sinh Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 (Phương Thịnh, Cao Lãnh, Đồng Tháp) phải qua cây cầu gỗ xuống cấp, không có lan can. Tới giờ tan học, người dân ở gần đó phải ra nhắc nhở, hướng dẫn các cháu đi qua từ từ để khỏi bị rơi xuống sông.

Gia đình bà Phạm Thị Chi, ngụ ấp 4 (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh) nhà ở sát bên cây cầu gỗ bắc qua kênh Tây Xếp nên chứng kiến nhiều vụ người đi đường bị rơi xuống sông. Nguyên nhân chính là do cây cầu gỗ không có lan can, mặt cầu đã xuống cấp nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Nguy hiểm nhất là những em học sinh tiểu học khi ngày 2 lượt đến điểm Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 cách cầu khoảng 100 m để đi học.

Học sinh tiểu học hàng ngày phải qua cầu gỗ xuống cấp rất nguy hiểm

Bà Chi cho biết: “Gần đây nhất có một phụ huynh chở con đến trường khi qua cầu bất cẩn té xuống sông nên bà con hàng xóm chạy ra vớt lên. Đến nay có gần chục vụ té sông có cả người lớn và con nít nên người dân địa phương rất lo lắng. Những lúc nhìn tụi nhỏ té cầu thấy thương mà không biết làm sao”. Theo bà Chi, do hai bên cầu đều có nhà dân, những vụ rơi xuống sông đều được người dân ra ứng cứu kịp thời nên không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.

“Thấy tụi nhỏ té sông mà thương!” - 1
“Thấy tụi nhỏ té sông mà thương!” - 2
Học sinh rất lo sợ khi đi qua cây cầu gỗ đã xuống cấp.
Học sinh rất lo sợ khi đi qua cây cầu gỗ đã xuống cấp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những cháu nhỏ qua cầu bị té sông, tới giờ tan học bà Chi ra đầu cầu để kêu những cháu nhỏ qua từ từ, xe đạp đều phải dắt bộ cho an toàn.

Chân cầu bằng xi măng cũng được chắp vá thêm những thanh gỗ.
Chân cầu bằng xi măng cũng được chắp vá thêm những thanh gỗ.

Bà Chi tâm sự: “Hồi trước cây cầu này có trụ gỗ, sau nhiều lần sửa chữa giờ được thay bằng trụ xi măng nhưng mặt cầu lót ván và nhiều chỗ hư nên rất nguy hiểm đối với các cháu nhỏ. Người dân ở đây mơ ước có một cây cầu mới để các cháu đi lại an toàn nhưng ai cũng nghèo nên đành chịu”.

Mặt cầu bằng gỗ, không có lan can rất nguy hiểm cho các cháu nhỏ.
Mặt cầu bằng gỗ, không có lan can rất nguy hiểm cho các cháu nhỏ.

Những cháu học sinh tiểu học khi qua cây cầu này rất lo lắng vì nguy hiểm luôn rình rập. Cháu Nguyễn Thị Trúc Quyên, học sinh lớp 5/4, Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 tâm sự: “Mỗi lần qua cầu này con rất sợ vì trời mưa trựợt dễ bị té. Trước đây đứa bạn con đã bị té ở cây cầu này nhưng may mắn không bị thương”.

Còn cô giáo Trương Thị Khéo, giáo viên Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 cho biết: “Cây cầu này có hơn 100 học sinh tiểu học và nhiều học sinh cấp 2 nhà ở địa phương cũng thường xuyên qua lại. Mong ước của thầy và trò nơi đây là có được cây cầu chắc chắn để đi lại dễ dàng vì trời mưa ván trơn rất nguy hiểm, nhất là đối với các cháu nhỏ”.

Thầy và trò Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 mơ ước có cây cầu an toàn để qua lại.
Thầy và trò Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 mơ ước có cây cầu an toàn để qua lại.

Ông Đinh Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Thịnh cho biết: “Cây cầu gỗ bắc qua kênh Tây Xếp đã xuống cấp rất nghiêm trọng, hàng năm chính quyền địa phương chỉ sửa chữa, thay ván tạm để cho bà con và các cháu nhỏ đi lại. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng địa phương không có nguồn kinh phí để xây dựng mới, trong khi mấy năm qua tìm đủ mọi cách để vận động các mạnh thường quân nhưng vẫn chưa được”.

Theo ông Sang, xã Phương Thịnh là xã nghèo, sâu nhất của huyện Cao Lãnh với tỷ lệ hộ nghèo lên đến 20%, việc vận động xã hội hóa để xây cầu rất khó khăn.

Đến giờ các cháu tan học ,bà Chi thường xuyên ra đầu cầu hướng dẫn các cháu đi từ từ để không bị rơi xuống sông.
Đến giờ các cháu tan học ,bà Chi thường xuyên ra đầu cầu hướng dẫn các cháu đi từ từ để không bị rơi xuống sông.

Niềm mơ ước về cây cầu mới để những cháu nhỏ tung tăng qua lại rất khó trở thành hiện thực vì người dân xung quanh thì nghèo, địa phương cũng không có nguồn kinh phí để xây dựng. Giải pháp của địa phương là thường xuyên sửa chữa để các cháu học sinh đi tạm. Trong khi đó, khi các cháu tan học, người dân phải ra đầu cầu canh chừng, la rầy những em nhỏ phải đi qua cẩn thận để không bị rơi xuống sông.

Hoàng Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm