Quảng Bình:
Thầy trò vùng cao căng mình theo đuổi con chữ giữa “chảo lửa”
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm học phải kéo dài đến giữa tháng 7. Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài đang khiến việc học của các em học sinh tại Quảng Bình gặp nhiều khó khăn.
Mới vào đầu buổi học, cái nắng gay gắt của những ngày hè đã chiếu thẳng vào các lớp. Không khí nóng bức, ngột ngạt bao trùm khiến việc dạy và học của thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và THCS Lâm Hóa (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) gặp rất nhiều khó khăn.
Những năm học trước, đến thời điểm này đã kết thúc năm học và học sinh được nghỉ hè. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm học kéo dài đến giữa tháng 7. Đây cũng là thời điểm nắng nóng kéo dài và gay gắt nhất khiến các giáo viên và học sinh phải căng mình giữa cái nóng hầm hập để… “dùi mài kinh sử”.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và THCS Lâm Hóa cho biết, trường hiện có gần 230 học sinh học bán trú ở trường trung tâm. Ngoài ra còn có gần 80 học sinh tại 3 điểm trường lẻ ở các bản: Kè, Cáo và Chuối. Đây là trường nội trú duy nhất của huyện Tuyên Hóa và có trên 60% học sinh là người Mã Liềng.
Tại một số điểm trường tại Lâm Hóa, mái phòng học được lợp bằng mái tôn nên chỉ mới khoảng 8h sáng, nắng nóng đã “quét” ràn rạt trên mái. Lớp học rộng khoảng 25m2 được gắn 3 chiếc quạt chạy hết tốc lực nhưng vẫn không thấm vào đâu giữa cái nắng oi ả của mùa hè. Mồ hôi vẫn ra trên mặt và ướt đẫm lưng áo của các em học sinh và cả giáo viên.
“Những năm trước giờ đã nghỉ hè nhưng do Covid-19 nên năm nay các em vẫn phải học cho kịp chương trình. Nắng nóng quá nên thầy trò cũng vất vả. Nhiều lúc phải cho các em tạm nghỉ ra ngoài tắm và gội đầu cho mát chứ không chịu nổi”, thầy giáo Cao Thanh Hùng chia sẻ.
Để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào học sinh, các thầy cô giáo đã phải dồn bàn học lên khu vực không bị nắng chiếu vào. Đồng thời mở toang các cửa để lớp học đỡ ngột ngạt.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc dạy học, huyện Tuyên Hóa cũng đã trích từ ngân sách hỗ trợ cho các trường, điểm trường tại xã Lâm Thủy. Tuy nhiên, trong thời tiết nóng gay gắt tại “chảo lửa” Tuyên Hóa, hành trình theo đuổi con chữ của các em học sinh vẫn hết sức gian nan.
“Nhà trường cũng đã làm nhiều cách để hạn chế nắng nóng cho các em, chúng tôi cũng đã lắp thêm quạt, mỗi lớp từ 4 đến 6 quạt trong một phòng. Bên cạnh đó, các phòng học nắng chiếu vào thì nhà trường đã dán các tấm nỉ để hạn chế”, thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Để tránh nắng nóng cao điểm, thời gian qua, nhiều trường học tại Quảng Bình đã chuyển dịch lịch học theo hướng sớm và muộn hơn. Buổi sáng, thay vì học ở thời gian 7h15 phút thì chuyển lên sớm hơn 30 phút. Buổi chiều đến 15h mới vào học và tan học sau 17h.
Tiến Thành