Thầy phó hiệu trưởng có duyên nợ với nghề báo

(Dân trí) -“Tôi chợt nhận ra, như là nợ - tôi không thể quên nghề báo. Có lẽ đến một lúc nào đó, không quản lý, lãnh đạo ai nữa, chỉ dạy học, lại làm luật sư và viết báo. Khi mà những bài viết có thể giúp được cho người khác, góp sức làm cho xã hội tốt đẹp thêm lên”.

Đó là tâm sự của TS. Bùi Anh Thủy - phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động - Xã hội (ĐH LĐXH), giám đốc cơ sở II tại TPHCM về duyên nợ của ông đối với nghề báo nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. 

Cầm bút từ khi đang cầm súng

Các thế hệ sinh viên của Trường ĐH LĐXH tại TPHCM đều biết đến thầy Bùi Anh Thủy trong vai trò nhà quản lý, lãnh đạo nhà trường, nhưng ít người biết rằng, trước đó ông từng là luật sư và ham mê công việc viết báo chủ yếu là các vấn đề liên quan đến luật pháp.

Thầy phó hiệu trưởng có duyên nợ với nghề báo
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (bên trái) tặng hoa cho TS Bùi Anh Thủy dịp lễ khai giảng Trường ĐH Lao động - Xã hội năm học 2012.

Không được học nghề báo, không làm trong cơ quan báo chí ngày nào nhưng TS. Bùi Anh Thủy vốn có tâm hồn văn chương, thời phổ thông từng đoạt giải Ba cuộc thi Văn toàn miền Bắc (ông là bạn học cùng lớp với nhà văn Võ Thị Xuân Hà - PV). TS. Bùi Anh Thủy đã tham gia viết tin bài từ năm 1977 trên một tờ báo của Quân khu 3 khi là lính trong Trung đoàn 42 - Trung Dũng. Những mẩu tin, bài báo đầu tiên ấy cũng giúp ông có được sự khích lệ rằng, ông có khả năng viết bài và có thể được đăng.

Sau 5 năm trong quân đội, năm 1981, TS Thủy chuyển ngành, tiếp tục việc học và năm 1986, tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội, ông về Bộ Lao động công tác. Ngoài việc công tác, khi “nghề tay trái” cũ, ông lại xoay ra viết báo, cũng một phần vì mưu sinh. Ông bắt đầu viết cho các tờ Hà Nội mới, Đại Đoàn Kết… hình như mỗi bài được trả 20 đồng gì đó, quý lắm.

Viết báo là một niềm đam mê

Chuyển vào TPHCM làm việc từ năm 1991, TS. Bùi Anh Thủy tình cờ lại kết thân, cộng tác với nhiều phóng viên tâm huyết của các tờ báo lớn như: Sài Gòn Giải phóng (SGGP), Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động; Phụ nữ TPHCM… Ở hầu hết các báo, thường thì ông viết về vấn đề gì đó hoặc trả lời phỏng vấn theo yêu cầu của tòa soạn, tư vấn cho báo và trả lời thư Bạn đọc về chính sách, pháp luật Lao động, Dân sự. Ở báo Người Lao Động, ông cùng Luật sư Trương Thị Hòa đứng tên cố vấn trên trang 5 “Quyền của người lao động”, tác nghiệp cùng PV Phan Thảo trong một khoảng thời gian khá dài. Với báo SGGP, ông cộng tác trên trang Bạn đọc, do Xuân Hương đặt bài, mỗi khi có gì gai góc trong việc thực hiện chế độ chính sách. Cả ở các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Phụ nữ TPHCM… ông cũng cộng tác theo cách như vậy.

Trong nhiều năm làm việc ở Bộ, rồi ở Sở LĐTBXH TPHCM, vừa là luật sư, lại vừa viết báo, với hàng trăm bài viết, TS. Bùi Anh Thủy và các phóng viên cũng đã giúp được cho nhiều người trong việc yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đầy đủ hơn, nghiêm minh hơn. Đó có lẽ cũng là niềm vui lớn nhất của một người viết báo "tay ngang" như ông.

Vài năm gần đây, do bận rộn với công việc quản lý tại ĐH LĐXH, TS. Bùi Anh Thủy dường như tạm lãng quên công việc viết báo. Nhưng ông tâm sự: “Viết báo như là nợ. Tôi không thể quên nghề báo. Có lẽ đến một lúc nào đó, không làm quản lý, lãnh đạo nữa, tôi chỉ dạy học, lại làm luật sư và viết báo. Khi mà những bài viết của tôi giúp được cho người, giúp được cho đời, góp sức làm cho xã hội tốt đẹp thêm lên”.

Đức Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm