Thầy hiệu trưởng nhận nuôi tất cả học sinh Làng Nủ: "Cần gì cứ nói với ông"
(Dân trí) - Trước khi nhận thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - là ông nội, Hành có nhiều đêm ú ớ gọi bố mẹ trong cơn mê sảng: "Bố ơi, bố đi đâu đấy? Mẹ đi đâu đấy? Cho con đi với".
Không cha không mẹ không nhà chỉ sau một trận lũ quét
Lúc thầy Khang gọi điện cho Hành, em đang nằm viện. Em bị gãy xương quai xanh, chấn thương đầu gối do va vập, người đầy vết rách xước. Bác sĩ cho Hành ăn cháo 3-4 lần/ngày, mỗi lần em chỉ ăn được một cốc nhỏ.
Những ngày đầu nhập viện, Hành liên tục mê sảng. Cô Thủy - giáo viên chủ nhiệm của Hành, người thường xuyên túc trực bên em - kể, trong mơ, em thường gọi bố gọi mẹ: "Bố ơi, bố đi đâu đấy? Mẹ đi đâu đấy? Mẹ đi với bố à? Cho con đi với".
Mẹ Hành đã ra đi trong cơn lũ quét. Còn bố em qua đời năm ngoái vì bạo bệnh. Căn nhà giờ là những mảnh rác lẫn trong bùn đất. Hành mất đi cả bố lẫn mẹ ở tuổi 17.
Thầy Khang nói với Hành: "Bố mẹ con bằng tuổi con trai của thầy, con hơn cháu nội út của thầy 1 tuổi. Vậy thầy nhận con là cháu nội, đồng ý không?". Hành khóc trả lời: "Dạ được ạ".
Thầy Khang tiếp lời: "Ông xem phóng sự trên báo, nghe con nói con không muốn học nữa, sẽ đi làm để kiếm sống, tương lai mờ mịt con không biết rồi sẽ ra sao. Bây giờ ông nội sẽ giúp con đủ tiền để ăn học. Ông và các cô giáo của con đều muốn con tiếp tục học xong lớp 12 và học lên nữa, con đồng ý không?".
Hành lại khóc: "Con đồng ý ạ".
Hành trở thành học sinh đầu tiên của "Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ sau lũ quét" do thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie thực hiện.
Dự án sẽ chu cấp cho các em ăn học tới hết tuổi 18. Tiền chu cấp được chuyển vào tài khoản ngân hàng của các em hoặc người giám hộ, nhưng không giới hạn ở mức này.
Thầy Khang nói với Hành: "Ông nội sẽ cho con mỗi tháng 3 triệu, khi nào có việc đột xuất cần thêm thì nói với ông".
Chiều nay, cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu phó Trường THPT số 1 Bảo Yên, nơi Hành đang học lớp 12 - sẽ giúp Hành mở tài khoản ngân hàng cho em.
Ngay sau khi có số tài khoản, thầy Khang sẽ gửi tiền sinh hoạt phí tháng 9 cho Hành. Thầy Khang cũng nhờ cô mua cho Hành chiếc điện thoại để ông cháu thi thoảng nói chuyện với nhau.
Vì không còn nhà cửa, người thân, Hành sẽ ở trong kí túc xá của trường. Hành hứa với thầy Kháng sẽ chăm học để tốt nghiệp phổ thông. Còn tương lai học gì, Hành xin phép ông nội được suy nghĩ thêm và trả lời vào cuối năm học.
Danh sách học sinh với hai màu vàng đỏ
Trên bàn làm việc của thầy Nguyễn Xuân Khang mấy ngày nay có một tờ giấy ghi danh sách học sinh được bôi màu vàng và màu đỏ. Cứ nhìn vào tờ giấy, thầy lại khóc.
Đó là danh sách học sinh thôn Làng Nủ được Hiệu phó Trường TH&THCS Số 1 Phúc Khánh gửi cho thầy.
Danh sách có 20 học sinh. 7 dòng bôi vàng là những học sinh bị thương. 13 dòng bôi đỏ là những học sinh đã mất sau trận lũ quét thảm khốc sáng ngày 10/9.
Vẫn còn 14 người Làng Nủ mất tích, trong đó có 3 trẻ em từ 1 đến 10 tuổi. Danh sách cuối cùng chưa hoàn thiện.
"Giá như nhận được một danh sách bình thường, đầy đủ ngày sinh, lớp học của các con, không có bôi vàng, bôi đỏ, như thường thấy hàng ngày ở trường học thì hạnh phúc biết bao", thầy Khang nghẹn ngào nói.
Sau Hành, thầy Khang sẽ nói chuyện với cháu Hoàng Ngọc Lan, 6 tuổi, bố mẹ và 2 anh trai bị lũ cuốn. Hiện Lan ở Bệnh viện đa khoa Bảo Yên, được bà ngoại chăm sóc.
Thầy Khang hy vọng trong tuần này sẽ sớm nhận được danh sách đầy đủ từ chính quyền xã để thầy và Trường Marie Curie triển khai kế hoạch hỗ trợ cho từng em vào tuần sau.
Theo kế hoạch, khu vực Đồi Sim, cách Làng Nủ cũ 2km, sẽ là nơi tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân Làng Nủ, tái thiết một Làng Nủ mới với 40 hộ dân.