Bài 2:
Thầy hiệu trưởng 26 tuổi
(Dân trí) - Đang ở tuổi 26, Hoàng Mạnh Tuynh là thầy hiệu trưởng trẻ nhất của tỉnh Lạng Sơn. Trong chuyến công tác tại tỉnh vùng biên này chúng tôi đã gặp anh, một thầy giáo vùng sâu vùng xa đang trăn trở vun đắp cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”.
Bất ngờ khi gặp thầy hiệu trưởng 26 tuổi
Đường lên Trường PTCS Công Sơn (xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) nơi Hoàng Mạnh Tuynh làm hiệu trưởng xóc như xóc ốc. Những con dốc cao và ngoằn nghèo khiến cánh phóng viên chúng tôi khi lên tới nơi thì đã thấm mệt.
Chỉ vào người thanh niên trẻ đang vồn vã pha nước mời chúng tôi trong căn phòng làm việc rộng chừng hơn chục mét vuông, anh bạn đồng nghiệp giới thiệu: “Đây là đồng chí hiệu trưởng sinh năm 1983 vừa được ngành giáo dục tỉnh “xếp hạng” Hiệu trưởng trẻ nhất tỉnh”. Chúng tôi ai nấy đều bất ngờ.
Tốt nghiệp loại khá Trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn từ năm 2004 và bắt đầu gắn bó với viên phấn, bục giảng, anh được cử về làm công tác giảng dạy tại Trường PTCS Xuân Long (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Sau đó, anh được cử lên Trường PTCS Công Sơn và được bổ nhiệm làm hiệu phó.
Sau hơn một năm gắn bó với ngôi trường vùng cao heo hút này, anh được cử giữ trọng trách hiệu trưởng. Tuynh nói đùa: “Ghế ngồi chưa ấm chỗ, nhưng trọng trách với những công việc sẽ phải làm thì đã xếp chồng”. Bởi, ở vùng cao này, không phải ai cũng “dám” làm hiệu trưởng. Nhất là ở một xã có tới 146 hộ nghèo trên tổng số 234 hộ trong toàn xã, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình phải chật vật lắm mới dám quyết định cho con đi học. Việc vận động học sinh tới trường cũng vô vàn gian nan, thách thức thì trách nhiệm của các thầy cô vùng cao còn lớn hơn rất nhiều.
Sinh ra trong một gia đình có ba chị em tại TP Lạng Sơn, đã một thời là chàng thanh niên nổi tiếng trong các phong trào học sinh, sinh viên, vui tính nhưng cũng nổi tiếng là nghịch ngợm, Hoàng Mạnh Tuynh chọn cho mình con đường làm nhà giáo.
Tuynh cười, mọi người sau mấy năm gặp lại mình cũng cảm thấy bất ngờ, vì không hiểu sao một chàng trai nghịch ngợm một thời lại quyết tâm làm thầy giáo, mà lại lên tận vùng cao để dạy học. Tuynh kể, chính mái trường sư phạm đã rèn dũa anh rất nhiều, khi gắn bó với bục giảng, với những em học sinh nghèo, cơm còn không có đủ ăn, có những khi trời mùa đông vẫn đến trường với manh áo cộc, mới hiểu được rằng, các em dần phải học để cứu chính bản thân các em, chính vì vậy mà càng phải cần những người thầy hiểu và yêu thương học trò. Tình bạn, tình yêu đối với một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn là đồng nghiệp với anh, luôn sát cánh bên anh, đã tạo thêm cho thầy giáo trẻ lòng quyết tâm gắn bó với nghề.
Kể về kỉ niệm đáng nhớ của mình, thầy Tuynh nhớ nhất một em học sinh vùng cao này mà thầy nói không bao giờ quên ánh mắt của cô bé học sinh ấy - Hoàng Thị Pẻn (bản Nà Ca, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc). Sau ngày ngày bố mất, cô bé vẫn tới trường đi học bình thường. Khi thầy giáo gọi lên bảng, cô học trò vẫn trả lời vanh vách, đó là điều hiếm thấy của học sinh vùng cao. Chính những nghị lực đó của các em học sinh khiến thầy Tuynh cảm thấy gắn bó hơn với chốn thâm sơn cùng cốc này. Và cô học trò Hoàng Thị Pẻn ấy giờ đây cũng trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh và hiện cũng đang là học trò xuất sắc nhất lớp 11 trường nội trú của tỉnh Lạng Sơn.
Hiệu quả từ mô hình trường “Nội trú dân nuôi”
Câu chuyện của chúng tôi và thầy hiệu trưởng trẻ nhất tỉnh ngày một rôm rả, thầy Tuynh tâm sự: “Ở vùng cao này, có khi các thầy cô còn cần học sinh hơn, chứ học trò nghèo nhiều khi cơm ăn chẳng có, nghĩ gì đến việc tới trường.”
Từ khi trường được xây dựng, chỉ là những ngôi nhà trình tường, cho tới nay đã có những dãy nhà mái ngói, mái bằng khang trang hơn, thì việc nghĩ ra những “kế sách” để giữ trò cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà các thầy cô đảm nhận. Thầy Tuynh nói, ở đây, các thầy cô vừa là thầy, lại vừa là người cha, người mẹ vừa dạy vừa “nịnh” chúng không có chúng bỏ học thì thầy biết dạy ai.
Thầy Tuynh, cho biết do địa hình miền núi phức tạp có khi một vài quả đồi mới có một nhà ở, năm 2008 nhà trường có 12 lớp ghép nằm rải rác trong các thôn bản. Sau đó được sự chỉ đạo của cấp trên, nhà trường đã thu gọn các lớp ghép lại. Tới năm 2009, nhà trường chỉ còn tiến hành 5 lớp ghép, còn lại tập trung sắp xếp học sinh vào chương trình học mô hình trường “Nội trú dân nuôi” và mở thêm giáo dục mầm non theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ kinh phí học tập, chỗ ăn ở cho các em học sinh nghèo vùng sâu vùng xa. Ngoài tiền hỗ trợ đồ dùng học tập, trang thiết bị giáo dục, cơ sở vật chất, tính trung bình hàng tháng tháng các em học sinh được nhận thêm hơn 100 nghìn tiền ăn do Nhà nước hỗ trợ.
“Số tiền tuy không nhiều và nhờ có mô hình trường “Nội trú dân nuôi” mà các em học sinh và thầy cô giáo nơi rừng xanh núi đỏ này cũng đã bớt vất vả đi rất nhiều”, thầy Tuynh nói.
Tuy nhiên, lúc mới thực hiện đề án rất khó khăn. Đầu tiên, nhà trường tổ chức cho 80 em học sinh vào chương trình “Nội trú dân nuôi”. Các em bước đầu cảm thấy lạ lẫm. Có nhiều em xa nhà, bị bạn bắt nạt nên khóc nhè, bắt buộc các thầy cô phải dỗ dành. Đêm các em nhớ nhà thi nhau khóc, thầy cô lại phải đến động viên. Ngoài công việc dạy học, các thầy cô giáo ở đây, cũng kiêm luôn vai trò là người cha, người mẹ và cả ...đầu bếp chăm sóc cho các em từng miếng cơm, hớp nước ngày 3 bữa.
Thầy Tuynh kể, lần đầu tiên về tiếp quản trường theo mô hình “Nội trú dân nuôi” đúng hôm mất điện, thầy đi ngang qua bếp, dưới ánh đèn dầu mờ tỏ, thấy các em học sinh đang ngồi ăn cơm, chỉ là cơm trắng trộn với một ít mỡ, có đứa ăn vội mà hạt cơm còn dính lại trên hai má tròn xoe, nhìn thấy thương chúng. Sau lần ấy, thầy Tuynh quyết định thành lập tổ giáo viên vừa dạy vừa phải nấu cơm chăm lo cho các em học sinh nội trú trong trường.
Và nhờ có sự tận tình của thầy cô trong trường, sự quan tâm của chính quyền địa phương, giờ đây số lượng học sinhh nội trú tăng lên rõ rệt với 300 em học sinh.
Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn Triệu Sáng Suẩn cho biết: 100% học sinh trong trường PTCS Công Sơn là con em người dân tộc Dao. Hầu hết đều là con em các gia đình nghèo. Trước đây việc duy trì dạy học cho các em còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi mô hình trường học “Nội trú dân nuôi” được tiến hành, chúng tôi đã phối hợp với nhà trường và thấy được hiệu quả rõ rệt của chương trình và gần như không có chuyện học sinh phải bỏ học vì đường xa ngại đến lớp. Năm 2008, trường có 5 em học sinh giỏi bậc tiểu học và con số này năm nay có khả năng sẽ được tăng lên.
Hồng Ngân - Nguyên Cầm