“Thầy giáo tý hon” không đầu hàng số phận

32 tuổi, nặng 20kg và chiều cao cũng thật khiêm tốn, nhưng Nguyễn Ngọc Phương (xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), hiện là giáo viên tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, làm nên điều kì diệu cho cuộc đời chính mình.

Sinh ra trên miền quê nghèo thuộc xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Ngọc Phương là con của cựu chiến binh Nguyễn Tấn Ngọc và cô gái thôn quê chân chất, đảm đang Nguyễn Thị Diệu.

Mưu sinh nơi đất khách

Phương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tuổi thơ: “Ban đầu tưởng tôi bị bệnh, gia đình đã tìm mọi cách chạy chữa. Mãi cho đến khi biết tôi bị nhiễm chất độc màu da cam sau những tháng năm cha vào sinh ra tử nơi chiến trường Khu V ác liệt”. 

Năm 10 tuổi, Phương xin ba đi học.

Hằng ngày, thức dậy lúc 4 giờ sáng, cõng đứa con tật nguyền trên lưng, ông Ngọc vượt chặng đường 6 km đường núi, qua một con sông để đưa con đến trường. Cứ thế, 12 km mỗi ngày, không quản nắng mưa Phương vẫn tới lớp lúc đúng giờ. Thế nhưng do nhà nghèo, với 6 anh em, cha mẹ chẳng thể nào kham nổi, nên học đến lớp 2, Phương nghỉ học để giúp gia đình và nhường phần ăn học lại cho các em.

Không đầu hàng số phận, Phương mượn sách vở bạn bè cùng làng và tự học chữ, 16 tuổi Phương bắt đầu rong ruổi khắp đất Quảng Nam tìm thầy học nghề. May mắn đến với Phương khi anh đến Tam Kỳ và được nhận học nghề trong một tiệm sửa đồng hồ.

Phương rất sáng dạ, thầy dạy tới đâu, Phương biết đó rồi trở thành thợ chính trong tiệm.

Chắt bóp dành dụm, Phương dành một ít số tiền chắt bóp được gửi về cho ba mẹ, còn lại tự mua đồ nghề để xin thầy về quê kiếm sống.

Sau một thời gian trở về quê, Phương một mình vào Sài Gòn tiếp tục học nghề sửa xe máy với mong ước thay đổi cuộc đời. Sau 5 năm học hỏi, mưu sinh ở nơi đất khách, với chút vốn liếng có sẵn cộng thêm vay mượn bạn bè để sắm chiếc xe máy và đồ nghề, anh mở tiệm tại TP Đà Nẵng. Do nhiệt tình lại tỉ mỉ nên khách hàng chỉ sau một lần sửa đã tin tưởng tay nghề của anh.

Cần mẫn, chăm chỉ làm việc không kể ngày đêm, với tay nghề giỏi, Phương đã giành được tình cảm cũng như lòng khâm phục của mọi người...

Người thầy của những đứa trẻ cùng cảnh ngộ

Trong một lần tới Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng, do lãnh đạo Trung tâm cảm phục nghị lực của Phương và sau đó, đã mời Phương về dạy nghề cho các em ở đây.

“Thầy giáo tý hon” không đầu hàng số phận
Nguyễn Ngọc Phương là thầy giáo đa năng tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Lưu Hương)

Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Đa phần các em đều mang di chứng của chất độc da cam, nên từng con chữ dạy các em cũng phải tỉ mỉ, dạy đi dạy lại rất nhiều lần. Nếu không cùng cảnh ngộ, không hiểu và không yêu thương các em thật lòng thì không thể đủ kiên nhẫn để theo nghề...”.

Em Hồ Thị Láng, một học trò của Phương, chia sẻ: “Em bị ảnh hưởng chất độc da cam từ khi sinh ra. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua trong mặc cảm, buồn tủi, cho đến khi em được vào Trung tâm và gặp thầy Phương. Bằng sự tận tụy và kinh nghiệm từ chính bản thân mình, thầy có cách truyền đạt riêng nên chúng em học nghề rất nhanh. Thầy Phương không chỉ dạy chúng em văn hóa, dạy nghề mà còn quan tâm, chia sẻ, chúng em như được thắp lên niềm tin để sống và giúp ích cho đời. Thầy Phương đã tiếp thêm nghị lực giúp chúng em tự tin hòa nhập cộng đồng, không mặc cảm”.

Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, cho biết: “6 năm làm việc ở trung tâm, Phương chăm chỉ và cẩn thận, luôn được các em trong trung tâm yêu quý, Phương trở thành tấm gương sáng cho các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết của cơ thể để vui sống, hòa nhập cùng xã hội”.

Là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt qua cuộc sống, Nguyễn Ngọc Phương vinh dự là 1 trong số 3 nạn nhân da cam của cả nước tham dự Chương trình tàu Hòa Bình, Nhật Bản, tham gia giao lưu với trên 100 công dân đất nước xứ sở hoa anh đào còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki vào năm 2008.

Theo Lưu Hương
Chinhphu.vn
Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN