Thầy giáo sáng chế máy sấy vạn năng khiến nông dân say mê
(Dân trí) - Thầy giáo Phan Văn Hiệp (47 tuổi), giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến đã mày mò nghiên cứu sáng chế ra chiếc máy sấy vạn năng khiến hàng loạt nông dân đặt hàng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, thầy Phan Văn Hiệp cho biết năm 2017, thầy mạnh dạn nhận đề tài nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy hải sản và nông sản của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
Từ đó, hành trình một ông giáo đứng trên bục giảng đến người tiên phong làm máy sấy vạn năng ứng dụng năng lượng mặt trời để giải bài toán chế biến nâng tầm nông sản Việt Nam cũng bắt đầu.
"Đề tài nghiên cứu khoa học không chỉ nằm trên giấy, các sản phẩm cần được ứng dụng thực tế. Do đó, trong quá trình nghiên cứu tôi đi đến từng địa phương, sấy đủ loại nông sản cho bà con nông dân", thầy Hiệp cho hay.
Sau nhiều thử nghiệp, đến năm 2022, dự án sấy nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời của thầy đã thành công và được tuyển chọn ươm tạo tại vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP-IC).
Cũng theo thầy giáo 47 tuổi, sấy nông sản là quy trình chế biến có từ lâu đời với nhiều công nghệ khác nhau. Hơn 30 năm nay, mô hình sấy năng lượng mặt trời sử dụng hiệu ứng nhà kính được sử dụng để giải quyết bài toán về giá thành.
Tuy nhiên, nhược điểm là nhà sấy hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, không kiểm soát được nhiệt độ sấy, không sấy được nhiều tầng sấy và phụ thuộc vào thời tiết.
"Nếu như nắng yếu, trời mưa thì sẽ không sấy được. Nhà sấy hiệu ứng nhà kính gia nhiệt từ nắng mặt trời rất tốt trong điều kiện không khí tĩnh, còn để thực hiện chức năng sấy cho không khí lưu động thì nhiệt sẽ tụt giảm nhanh. Ngoài ra dạng này không sấy được sản lượng lớn", thầy Hiệp cho biết.
Trên cơ sở đó, thầy không sử dụng hiệu ứng nhà kính mà sáng chế ra thiết bị thu nhiệt mặt trời gọi là "bẫy nhiệt mặt trời".
Đây là thiết bị cho hiệu quả thu nhiệt mặt trời tốt nhất trên thị trường hiện nay với diện tích bẫy nhiệt nhỏ nhưng cung cấp đủ nhiệt lượng để sấy sản lượng lớn.
Thầy đưa ra ví dụ: Với dòng máy sấy nhỏ nhất, diện tích bẫy nhiệt xấp xỉ 2m2 nhưng cung cấp nhiệt lượng đủ để sấy 100kg sản phẩm. Với dòng máy sấy lớn hơn để sấy bánh tráng, hủ tiếu hiện đang thiết lập ở đồng bằng sông Cửu Long thì diện tích bẫy nhiệt khoảng 30m2 nhưng có thể sấy đến một tấn sản phẩm.
Chưa dừng lại, nhận thấy độ đồng đều của sản phẩm sẽ không đạt nếu như sấy tĩnh vỉ ngang, thầy Hiệp nghiên cứu cho ra giải pháp sấy động, với vỉ sấy quay tròn đều xung quanh một trục đứng. Từ đó, mọi vị trí trên vỉ sấy tiếp cận gió và nhiệt đều nên cho ra sản phẩm đồng đều gần như tuyệt đối và rút ngắn thời gian sấy.
Ngoài ra, hệ thống tách ẩm ngõ vào của máy sấy sẽ lọc bụi và tách nước từ không khí bên ngoài trước khi đưa vào buồng một luồng không khí rất khô.
Theo thầy giáo, giải pháp này giúp hạ nhiệt độ sấy làm sản phẩm giữ được chất dinh dưỡng, giữ được cảm quan màu sắc và hình thể tương đương như công nghệ sấy lạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống sấy được tích hợp đèn cực tím dải C (UVC) để oxy hóa không khí tạo ra khí ozone khử vi sinh và nấm mốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp bảo quản nông sản lâu hơn.
"Chẳng hạn, những loại khoai lang sấy dẻo, chanh sấy khô,.. sấy bằng các công nghệ khác (sấy điện, sấy lạnh, sấy thăng hoa,…) để 3 tháng, dù đã cấp đông vẫn bị đen và tái nhiễm nấm mốc, nhưng khi sấy bằng máy sấy ITS thì bảo quản đến 12 tháng vẫn không bị đen hay tái nhiễm nấm mốc", thầy Hiệp dẫn chứng.
Trong thời gian tới, ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thầy bật mí thêm sẽ chinh phục thị trường Tây Nguyên với dòng máy sấy năng lượng mặt trời dạng thùng quay vì nơi đây sở hữu đa dạng các loại dược liệu và nông sản với sản lượng rất lớn.
Hà Lam