Thầy giáo phạt học sinh đi học muộn bằng những thử thách hài hước
(Dân trí) - Thầy Lâm Minh Châu, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đề xuất những thử thách "đu trend" hài hước của Gen Z để "phạt" sinh viên đi học muộn.
Thầy Lâm Minh Châu, giảng viên khoa Nhân học, là thầy giáo Gen Y nhưng lại có rất nhiều ý tưởng Gen Z vui nhộn.
Hình phạt hài hước dành cho Gen Z
Để phạt sinh viên đi học muộn hoặc nghỉ học không phép, thầy Lâm Minh Châu nghĩ ra một cách là yêu cầu các sinh viên quay clip thực hiện các đề bài mà thầy cho. Đa số các đề bài đó đều là những trào lưu đang nổi của giới trẻ.
Như lần gần nhất, thầy Lâm Minh Châu hài hước chia sẻ trên mạng xã hội hình phạt dành cho các bạn nghỉ học mà không xin phép như sau: "Gửi những người đã nghỉ học mà không xin phép trong buổi học đầu tiên của môn Tộc người và Quan hệ tộc người, thứ 2, tiết 1-3.
Nếu bạn nghỉ học để lấy chồng: Xin chúc mừng. Bạn đã có một quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời đi học của mình. Chúc hai bạn bên nhau trọn đời, kiếp này nắm tay nhau đi đến đầu ghềnh cuối bãi.
Nếu bạn nghỉ học mà không phải để lấy chồng, bạn có hai lựa chọn sau đây.
Một là viết một bài văn với đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo của việc nghỉ học mà không xin phép.
Hai là làm một video "ca-vờ" (cover) ca khúc "Nobita Xuka" của Lê Dương Bảo Lâm. Đề nghị không dùng công cụ chỉnh sửa âm thanh, nhưng dùng filter (hiệu ứng) thì được. Thân ái".
Cứ ngỡ các bạn sinh viên sẽ không hưởng ứng hình phạt này vì ngượng ngùng, xấu hổ.
Tuy nhiên, bạn Đoàn Hải Yến, sinh viên năm thứ 4, thực hiện thử thách này cho biết: "Để gỡ điểm vì vắng mặt một buổi học, mình đã đồng ý thực hiện thử thách mà thầy đã đưa ra, đó chính là hát ca khúc "Nobita Xuka" của Lê Dương Bảo Lâm gây "bão" cộng động mạng lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, mình lại cảm thấy phấn khích trước hình phạt này. Thay vì mình phải chép phạt hay bị trừ điểm, lựa chọn độc đáo này của thầy Châu khiến mình không có cảm giác nặng nề. Dù vậy, mình hơi xấu hổ một chút", Hải Yến vui vẻ nói.
Tạo cảm giác phạt như không phạt
Chia sẻ với Dân trí về ý tưởng này, thầy Lâm Minh Châu cho biết: "Tôi luôn nghĩ là giảng viên đi dạy thì phải giúp cho sinh viên có tinh thần thoải mái; phải tạo ra điều gì đó thú vị để sinh viên hứng thú hơn.
Vào một hôm, có một nhóm sinh viên đi học muộn. Về nguyên tắc, tôi có vai trò và trách nhiệm phải xử lý những lỗi vi phạm theo quy định của nhà trường đưa ra.
Tuy nhiên, khi ấy các bạn sinh viên còn lại trong lớp đã đề xuất với tôi hãy phạt nhóm đi học muộn này bằng một hình phạt nào đó thật hài hước.
Tôi thấy đó là một ý kiến khá hay. Tôi tạo cho sinh viên cảm giác bị nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng không khiến họ cảm thấy mình đang bị phạt hay xấu hổ.
Hơn nữa, các bạn sinh viên còn lại trong lớp cũng cảm thấy thú vị, phấn chấn hơn; đúng với mục đích của tôi là tạo ra một lớp không quá gò bó".
Thầy Châu chia sẻ, quan niệm của thầy chính là phạt người mắc lỗi nhưng không tạo cho họ cảm giác nặng nề, khó xử. Trả lời câu hỏi liệu thầy có sợ bị học sinh "nhờn" mặt hay không, thầy nói: "Theo đánh giá của tôi, thế hệ Gen Z là một thế hệ nhạy bén, đánh giá xung quanh khá tốt.
Tôi nghĩ, sinh viên của tôi sẽ dễ dàng nhận thấy tôi là một người thoải mái nhưng không dễ dãi. Tôi cố gắng giữ khoảng cách giữa thầy và trò nhưng không xa cách. Và tôi nghĩ các bạn đều cảm nhận được điều ấy".
Theo đánh giá của thầy Lâm Minh Châu, tình trạng đi học trễ tại lớp của thầy có sự thuyên giảm qua từng năm. Vì cũng từng là sinh viên, thầy Châu hiểu được sẽ có những lúc sinh viên muốn ngủ thêm một chút, phải đi làm thêm, có kế hoạch riêng... nên thầy luôn tạo điều kiện cho sinh viên 10 phút đầu sau giờ học mới điểm danh.
"Nếu sinh viên đi muộn hơn so với thời gian tôi du di cho phép, tức là sinh viên ấy đã ưu tiên việc riêng hơn việc học và họ phải chấp nhận bị xử lý kỷ luật theo quy định của nhà trường.
Các hình phạt vui nhộn mà tôi đưa ra đều mang tính lựa chọn. Nếu sinh viên không muốn thực hiện những thử thách đó thì họ vẫn có thể lựa chọn chịu phạt theo quy chế", thầy Châu chia sẻ.
Trong trường hợp vào lớp muộn hơn khi giờ học bắt đầu, thầy Châu nhận định rằng nếu mình vi phạm thì chính thầy cũng sẽ thực hiện thử thách. "Tuy nhiên, với cương vị là một người đi dạy, tôi luôn cố gắng đến lớp đúng giờ".
Trao đổi với Dân trí, thầy Châu tôn trọng quy tắc lớp học của những thầy cô khác và không xem quy tắc của mình là chuẩn mực: "Tôi không bất đồng quan điểm với quy tắc của đồng nghiệp. Mỗi quy định phù hợp với một môi trường khác nhau.
Tôi nghĩ, các hình phạt miễn là nó không vượt quá những quy định mà nhà trường đưa ra; nó nằm trong mức khuôn khổ cho phép nhưng vẫn giữ tính răn đe sinh viên là được".
Được biết, trang chủ "Teaching - Lâm Minh Châu" nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ mọi người vì độ hài hước, lầy lội của thầy. Sinh viên của thầy Châu, nhiệt liệt "thả tim", tương tác và để lại những bình luận mong muốn một lần được học lớp của thầy:
- Thầy ơi, thầy có cho học ké không thầy? Tự nhiên đọc bài viết của thầy trong em sôi trào nhiệt huyết tuổi trẻ ham học hỏi ghê á thầy!
- Anh/chị/bạn nào học thầy có thể cho đồng môn từ đầu cầu miền Nam xin link (đường dẫn) vào dự ké một buổi được không ạ?
- Bao giờ được học trực tiếp nhỉ? Em học ké thầy một buổi. Nhớ tiết của thầy quá, nhớ cả mấy cái hình vẽ Angelina Jolie và Song Joong Ki trên bảng của thầy!
- Thầy đúng là vựa muối quốc gia!