Sóc Trăng:

Thầy giáo người Khmer trồng lúa, nuôi bò để trụ với nghề

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Dạy môn giáo dục công dân, thầy giáo Lý Thường Kiệt đã "truyền lửa" làm một công dân tốt cho các em học sinh. Sau giờ dạy, thầy phải chạy xe gần 30km từ trường về nhà để nuôi bò và làm ruộng.

Thầy Lý Thường Kiệt (33 tuổi) đang là giáo viên dạy môn giáo dục công dân của Trường THPT Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Thầy là người dân tộc Khmer, quê ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Nhiều bạn bè của thầy Kiệt từng rất ngạc nhiên khi biết thầy chọn môn giáo dục công dân. "Có bạn hỏi tôi sao không chọn các môn khác mà lại chọn môn kén người học này, tôi nói đó là môn học mình đam mê từ nhỏ. Cho đến bây giờ, tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình", thầy Kiệt chia sẻ.

Thầy giáo người Khmer trồng lúa, nuôi bò để trụ với nghề - 1

Thầy Lý Thường Kiệt (Ảnh: XL).

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp sư phạm giáo dục công dân (GDCD), thầy Kiệt nhận quyết định về công tác tại Trường THPT Hòa Tú cho đến nay. Trường cách nhà gần 30km, do điều kiện gia đình nên thầy phải đi và về hàng ngày.

Thầy Kiệt chia sẻ: "Tôi được phân công phụ trách giảng dạy môn GDCD khối 12, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức. Tôi còn tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, tôi còn đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn thanh niên của trường.

Trong công việc của mình, tôi luôn tận lực, tận tâm. Với các em học sinh, tôi thương yêu, tôn trọng, đối xử công bằng. Với nhà trường, tôi tạo dựng môi trường học tập, làm việc dân chủ, thân thiện, an toàn, lành mạnh".

Thầy giáo người Khmer trồng lúa, nuôi bò để trụ với nghề - 2

Thầy Lý Thường Kiệt trong một tiết dạy môn giáo dục công dân (Ảnh: XL).

Nói về phương pháp giảng dạy của mình, thầy Kiệt cho biết luôn chú trọng vào việc nghiên cứu kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Các bài dạy luôn được thực hiện bằng cách tổ chức nhiều hoạt động học tập, giúp học sinh chủ động khám phá kiến thức chưa biết, tìm tòi kiến thức mới, vận dụng kiến thức đã biết một cách sáng tạo để giải quyết tình huống trong học tập và thực tiễn.

Trong các tiết dạy, thầy Kiệt kết hợp giữa học tập cá thể và học tập hợp tác, tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, học sinh và học sinh. Qua đó, từng học sinh luôn có cơ hội thể hiện sự hiểu biết và năng lực của mình.

"Tôi tổ chức lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có nhóm trưởng điều hành, chuyển giao nhiệm vụ cho các nhóm thực hiện. Khi thực hiện xong nhiệm vụ, mỗi nhóm sẽ cử đại diện trình bày. Sau đó, các bạn ở nhóm khác có thể nêu ý kiến bổ sung hoặc phản biện.

Nhờ thế, các học sinh đều phải tham gia học, tránh trường hợp ỷ lại, phụ thuộc. Đây là cơ hội để các em thể hiện mình, được rèn luyện để trở nên bình tĩnh, tự tin, tư duy phản biện và khả năng giao tiếp cũng sắc bén hơn", thầy Kiệt khái quát cách dạy.

Bên cạnh đó, thầy Kiệt cũng áp dụng khoa học, công nghệ, sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ để soạn giảng nhằm tạo ra những bài học sinh động, hấp dẫn.

Thầy còn phối hợp với Đoàn thanh niên, tổ chuyên môn thực hiện nhiều chuyên đề giáo dục truyền thống cách mạng, tổ chức tham quan di tích lịch sử, hướng nghiệp cho các em học sinh.

Sự nỗ lực của thầy Kiệt đã mang lại kết quả cao khi bộ môn giáo dục công dân ở các lớp có số học sinh điểm trung bình cuối năm từ khá, giỏi đạt từ 90-100%.

Thầy giáo người Khmer trồng lúa, nuôi bò để trụ với nghề - 3

Ngoài giờ học, thầy Kiệt thường trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh về cuộc sống để giúp các em tự tin hơn (Ảnh: XL).

Em Đào Thị Bích Ngọc (học sinh lớp 12) cho biết: "Hồi trước, em nghĩ môn Giáo dục công dân là môn phụ, ít ai thích học. Thế nhưng khi được học với thầy Kiệt, em thấy môn này rất quan trọng.

Thầy cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức về pháp luật, về đạo đức rất thiết thực, bổ ích. Thầy có phương pháp dạy rất hấp dẫn học sinh. Mỗi giờ học của thầy là một sự trải nghiệm, khám phá rất thú vị".

Từ năm học 2018-2019, thầy Kiệt được nhà trường phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Đến nay, có 12 em đạt giải cao, trong đó có một giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 3 giải khuyến khích.

Ngoài công tác chuyên môn, thầy Kiệt còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như cuộc thi về văn hóa giao thông, vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhiều suất học bổng giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Thầy Đinh Văn Sự, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Tú, nhận xét: "Thầy Kiệt là một giáo viên trẻ, có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác. Thầy có nhiều đóng góp cho phong trào dạy tốt học tốt cũng như các hoạt động xã hội khác".

Thầy giáo người Khmer trồng lúa, nuôi bò để trụ với nghề - 4

Ngoài giờ lên lớp, thầy Kiệt còn làm nông, nuôi bò để có thêm thu nhập, giúp thầy trụ vững với nghề giáo (Ảnh: XL).

Hoàn cảnh gia đình thầy Kiệt cũng khó khăn khi lương của thầy chỉ khoảng 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Vợ thầy không có việc làm. Sau giờ dạy ở trường, về nhà thầy trở thành một nông dân chính hiệu với 5 công đất (khoảng 5.000m2), trồng lúa, nuôi hai con bò.

Thầy Kiệt tâm sự: "Vợ không có việc làm, con chưa đầy 2 tuổi. Lương nhà giáo không cao, tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu. Vì vậy, tôi phải đi làm ruộng để có thêm thu nhập nhưng cũng không nhiều.

Tôi nuôi thêm hai con bò, trong đó có một con bò sinh sản, mỗi năm cho một bò con, bán cũng chỉ được trên dưới 10 triệu đồng.

Khó khăn là vậy nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác khi có lương ổn định. Vì vậy, tôi nguyện gắn bó với nghề mình đã chọn và cố gắng tìm nguồn hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục đến trường".

Trong những năm công tác tại trường THPT Hòa Tú, thầy Lý Thường Kiệt đã đạt nhiều danh hiệu, như: Lao động tiên tiến; Chiến sỹ thi đua cơ sở; Giấy khen của tỉnh Đoàn, Sở giáo dục, công đoàn ngành giáo dục, UBND huyện; Bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Đoàn...

Đặc biệt, năm 2022, thầy Kiệt là một trong những gương nhà giáo người dân tộc thiểu số được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.