Cuộc sống bi kịch của giáo sư đại học ở Ấn Độ sau khi bị chém
(Dân trí) - Giáo sư Joseph, người từng giảng dạy tại Đại học Newman, Ấn Độ, đã bị chém với cáo buộc xúc phạm Đạo Hồi. Kể từ đó, cuộc sống của ông vô cùng biến động và vợ ông thậm chí đã tự vẫn.
Đã hơn 12 năm trôi qua kể từ khi giáo sư Joseph, người từng giảng dạy tại Đại học Newman, bị các thành viên của một nhóm Hồi giáo cực đoan Ấn Độ bạo hành dã man với cáo buộc giáo sư báng bổ Nhà tiên tri Muhammad và Kinh Qur'an trong đề thi do ông đặt ra.
Giáo sư Joseph hiện sống một cuộc sống giản dị tại nhà riêng ở Muvattupuzha, Ấn Độ. Ông luôn bận rộn với việc đọc sách và viết lách. Giáo sư đã xuất bản bốn cuốn sách kể từ sau khi bị tấn công vào năm 2010 dù ông chỉ có thể viết bằng tay trái sau khi tay phải của ông bị chém.
Vẻ ngoài điềm tĩnh của giáo sư Joseph hoàn toàn trái ngược với cuộc sống đầy biến động mà ông đã phải chịu đựng kể từ cuộc tấn công 12 năm trước. Giáo sư Joseph bị mất việc, vợ ông tự kết liễu đời mình do không chịu nổi áp lực, hiểm nguy liên miên mà gia đình phải đối mặt.
Câu chuyện ớn lạnh về cuộc tấn công vào giáo sư Joseph bắt đầu từ tháng 3/2010. Giáo sư Joseph khi đó là giảng viên môn văn học Malayalam của trường Đại học Newman, Kerala, Ấn Độ.
Một trong những câu hỏi do ông đặt ra trong bài kiểm tra dành cho sinh viên năm thứ hai được coi là khó hiểu. Vị giáo sư đã trích một đoạn trong cuốn sách Thirakathayude Reethisasthram và muốn kiểm tra sinh viên về nghệ thuật đặt dấu chấm câu.
Câu chuyện ngắn mà ông chọn xoay quanh một người dân làng vô danh tâm thần phân liệt không ổn định mà Joseph đặt cho cái tên là "Mohammed".
Một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra sau khi một tờ báo địa phương đưa vấn đề này lên báo. Khi cuộc tranh cãi tiếp tục diễn ra gay gắt, một số phần tử cực đoan đã tổ chức một loạt các vụ bạo động, biến các thị trấn yên bình của Muvattupuzha và Thodupuzha, Ấn Độ thành một khu vực căng thẳng. Họ cáo buộc giáo sư Joseph báng bổ Nhà tiên tri Muhammad và Kinh Qur'an.
Giáo sư Joseph khi đó đã phải bỏ trốn khỏi nhà riêng vì bị cảnh sát truy lùng. Cảnh sát cho rằng ông là người châm ngòi cho những căng thẳng trong khu vực. Sau khi chạy trốn nhiều tuần, giáo sư bị bắt và phải ngồi tù 10 ngày mới được tại ngoại.
Khi giáo sư Joseph trở về nhà, ông được ban giám hiệu trường đại học thông báo rằng ông đã bị chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó giáo sư Joseph phải vật lộn để tìm việc làm và kiếm sống qua ngày.
Vào ngày 4/7/2010, khi vị giáo sư đang lái xe từ nhà thờ về nhà, 6 người bất ngờ xuất hiện và tấn công ông bằng rìu. Họ chặt bàn tay phải của ông và đâm vào chân ông trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Sau đó, bàn tay bị đứt lìa của ông Joseph đã được tìm thấy từ sân nhà của một người hàng xóm. Các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ để gắn bàn tay vào cổ tay cho ông Joseph.
Cuộc tấn công này là khởi đầu của những bi kịch tiếp theo trong cuộc đời của giáo sư.
Giáo sư Joseph kể: "Tôi đã mất việc. Có một số người tốt bụng giúp đỡ tôi về mặt tài chính để tôi chữa bệnh và họ còn cung cấp thực phẩm cho tôi hàng ngày.
Gia đình tôi tan nát. Tôi là thành viên kiếm tiền duy nhất trong gia đình khi đó. Các con tôi vẫn đang đi học, con trai tôi lấy bằng MBA và con gái tôi đang theo học để làm Y tá. Chúng tôi đã trải qua một thời kỳ khủng khiếp. Bằng cách nào đó, gia đình tôi đã sống sót".
Sau một thời gian dài giáo sư Joseph nằm viện, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và một quá trình hồi phục cực nhọc. Những khó khăn và bi kịch vẫn không từ bỏ ông khi vào ngày 19/3/2014, vợ của ông, bà Salomi đã tự sát vì bị trầm cảm sau bước ngoặt đột ngột trong cuộc đời của họ.
"Khi vợ tôi mất là lúc tôi buồn nhất. Tôi không buồn khi tay mình bị chặt nhưng cái chết của vợ tôi và mất việc làm… Đó là những khoảnh khắc buồn nhất trong cuộc đời tôi", ông Joseph nói.
Sau một thời gian, ban giám hiệu trường đại học đã bổ nhiệm lại Joseph do sự phản đối kịch liệt của dư luận. Việc này chỉ diễn ra một ngày trước khi ông nghỉ hưu.
Giáo sư Joseph hiện không thể làm gì nhiều với bàn tay phải của mình. Các ngón tay phải của ông không thể cử động mạnh.
"Tôi không thể làm được gì nhiều với nó. Tôi không thể cầm, nắm những thứ nhỏ mặc dù tôi có thể di chuyển một số những thứ lớn hơn. Ví dụ, tôi có thể nhấc chiếc ghế nhưng tôi không thể cầm bút.
Với tay trái, tôi chỉ có thể cử động ngón cái và ngón trỏ. Đó là cách tôi bắt đầu viết bằng tay trái, tôi đã viết toàn bộ các cuốn sách theo cách đó", ông Joseph nói.
Giáo sư Joseph nói rằng, sau cái chết của vợ, viết và đọc sách là cách giúp ông tồn tại. "Tôi cần đọc và viết để đầu óc luôn bận rộn. Ngay cả khi mọi thứ xảy ra với tôi, tôi vẫn không sợ hãi. Hiện tại, tôi không còn gì để mất, không có gì phải sợ hãi", giáo sư Joseph bày tỏ.
Cuốn tự truyện của giáo sư T.J. Joseph mang tên Ký ức không thể quên nói về chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và những khó khăn mà ông phải trải qua sau vụ việc gây sốc trong đời đã giành được giải thưởng Kerala Sahitya Akademi năm 2021.