Nhớ thầy Hoàng Thiếu Sơn
(Dân trí)- Mỗi khi nghĩ về giai đoạn “trầm kha” của việc dạy học lịch sử và các môn xã hội nói chung, không hiểu sao tôi cứ nhớ về người Thày của mình - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn. Ông tinh thông nhiều môn khoa học đặc biệt là khoa học xã hội.
Hoàng Thiếu Sơn đã theo học trường Quốc học Huế, Albert Sarraut Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội và tinh thông nhiều ngoại ngữ như Trung, Pháp, Anh, Nga, Đức. Trước cách mạng, ông đã từng giữ chức thư kí toà soạn báo “France - Annam” rồi chủ bút báo “Tràng An” ( Huế), là các báo có khuynh hướng tiến bộ lúc bấy giờ. Năm 1946 ông công tác tại Bộ Giáo dục với bậc hàm Chánh Tổng lý Văn phòng Bộ. Song ông thấy không thích hợp với mình và xin được trực tiếp đi giảng dạy. Kháng chiến bùng nổ, ông lên đường đi dạy tại các trường trung học kháng chiến như Tân Trào (Tuyên Quang), Hùng Vương (Phú Thọ), Hàn Thuyên (Bắc Ninh).
Hoà bình lập lại, năm 1954 ông cùng các nhà giáo tên tuổi như Nguyễn Đức Chính, Trung Tửu, Lê Hải Châu, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long, Trần Đình Gián, Đào Bá Cương... trở về Hà Nội đặt nền móng cho việc xây dựng nên trường ĐHSP Hà Nội sau này.
Hoàng Thiếu Sơn có một lối nói truyền cảm, cuốn hút lạ lùng. Đó là nhờ ông có một kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực như triết học, văn học, lịch sử, địa lý, kiến trúc, thiên văn... Không những thế, ông còn có một trí nhớ tuyệt vời. Các sự vật, hiện tượng địa lý, các sự kiện lịch sử tiêu biểu, nội dung các tác phẩm văn học cũng như tính cách, hành động của các nhân vật chính trong đó đều được ông ghi nhớ một cách tỉ mỉ chính xác.
Ông đã cống hiến cho độc giả hàng chục tác phẩm, dịch hàng chục đầu sách. Cho đến nay nhiều tác phẩm chuyên ngành mà ông là tác giả hay tham gia biên soạn vẫn là những tài liệu kinh điển cho các thế hệ sinh viên địa lí như “Thế giới động vật của chúng ta”, “Tìm hiểu nguồn gốc người vạn đảo”, “Sao chổi và sao chổi Halley”, và đặc biệt là hai tập “Địa lý tự nhiên đại cương” gần 1.000 trang mà từ năm 1964 đã được Bộ Giáo dục tuyển chọn làm giáo trình chính thức cho sinh viên đại học địa lí.
Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới đã đến được Việt Nam nhờ ngòi bút dịch thuật điêu luyện của ông như “Chiến tranh và hoà bình” (cùng dịch giả Cao Xuân Hạo), “Tự nguyện làm người đắm tàu”, “Những linh hồn chết”, “Cuộc lữ hành kì diệu”, “Những tấm lòng cao cả”... cũng chính ông đã làm sống lại tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Vũ Trọng Phụng.
Ông đi nhiều, trên địa bàn cả nước không một huyện nào ông chưa đặt chân qua. Được đi để biết, để hiểu là niềm vui của ông. Vậy mà trước khi về cõi thiên thu ngày 14/12/2005, ông đã gần chục năm phải nằm nhà vì tai biến. Hàng ngày ông chỉ quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ và bên cạnh là kệ sách có một phần những tác phẩm của ông. Hàng ngày tay ông vẫn run run lật từng trang sách và mắt vẫn sáng lên khi nói về những vấn đề văn hoá, khoa học. Tôi nhận ra rằng sách chính là niềm đam mê hơn mọi nỗi đam mê nơi ông, giúp ông học tập, nghiên cứu để trở thành một học giả uyên thâm, một người Thầy mà chúng tôi hết lòng yêu kính.
Mỗi khi nghĩ về giai đoạn “trầm kha” của việc dạy học lịch sử và các môn xã hội nói chung, không hiểu sao tôi cứ nhớ về người Thày của mình. Ông tinh thông quá nhiều môn khoa học đặc biệt là khoa học xã hội. Ông trong biên chế khoa Địa lí nhưng lại được mời dạy, nói chuyện, thậm chí hướng dẫn nghiên cứu sinh cả lịch sử, văn học, nghệ thuật... Ông có cách xử lí, sắp đặt thông tin thật tuyệt vời. Ông có thể nói về các sự kiện xảy ra theo từng năm tháng, giai đoạn. Ngược lại khi nói về một nhân vật ông lại có thể xâu chuỗi các thông tin như nhân vật đó sinh ra ở đâu, và đã từng đến những vùng nào, những nơi đó có đặc điểm gì về tự nhiên, dân cư, xã hội, hoàn cảnh lịch sử thế giới và khu vực khi đó thế nào…
Học với một người thày uyên thâm như vậy nhiều sinh viên “hoảng” bởi nghĩ khi kiểm tra thì điểm giả thế nào. Nhưng sái sợ đó đã trở nên vô duyên. Cách ra đề của thày rất “mở”, sinh viên có thể viết bài luận về một vấn đề nào đó mà thày đã giảng và mình tâm huyết. Thày bảo bọn sinh viên chúng tôi “cao học thạc sỹ cũng chỉ là tập hợp, bậc tiến sỹ mới đòi hỏi có đề xuất mới. Đừng câu nệ gò ép với bài giảng của ai cả mà hãy tiếp cận, trình bày với cách nhìn của mình. Các bạn cứ thoải mái viết đi, đừng ngại gì cả. Có cái gì mình thấy mới, sáng tạo thì cứ trình bày ra. Tôi đánh giá cao các bài có ý mới đó”. Nghiệm lại, tôi thấy quả thật thầy đã nâng đỡ cho chúng tôi rất nhiều để chúng tôi tự tin hơn và sáng tạo hơn trong công việc hôm nay.