"Thầy giáo Biên phòng" mở lớp dạy học đặc biệt xóa mù chữ

Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 737 (Đắk Lắk) không chỉ giúp dân làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn phối hợp mở lớp xóa mù chữ tại địa bàn xã Ia R’vê, huyện Ea Súp. Nhiều học sinh con em người đồng bào dân tộc đã tìm lại được ánh sáng “con chữ” từ lớp xóa mù đặc biệt của những người thầy mang quân hàm xanh.

Xã biên giới Ia R’vê cách thành phố Buôn Ma Thuột 130km, toàn xã có 1.747 hộ, 6.352 nhân khẩu, 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, kinh tế chỉ dựa vào trồng cây bắp, mì; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường mù chữ và tái mù còn cao...

Sau khi hướng dẫn đồng bào kỹ thuật canh tác, trồng và bảo vệ rừng, chăn nuôi theo thời vụ, nỗ lực ổn định cuộc sống cho cụm dân di cư, Đồn biên phòng Ia R’vê còn phối hợp mở lớp xóa mù chữ cho học sinh dân tộc vùng biên.

Chúng tôi đến thôn 11, nơi có lớp học xóa mù chữ. Hôm nay, Trung úy Hoàng Văn Thọ và Thiếu úy Trần Văn Tuấn, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Ia R’vê được phân công soạn giáo án để chuẩn bị cho giờ lên lớp. Từ xa ánh đèn pin lấp loáng, tiếng trẻ gọi nhau í ới đến lớp xua tan đi màn đêm tĩnh mịch của vùng biên.

Thiếu úy Hoàng Văn Tuấn dạy học sinh người dân tộc tập đọc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thiếu úy Hoàng Văn Tuấn dạy học sinh người dân tộc tập đọc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


 
Trung úy Hoàng Văn Thọ cho biết: Lớp học do Đồn biên phòng phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp tổ chức đã được 6 tháng. Cả lớp có 16 học sinh, thuộc các thôn 11 và thôn 4 của xã Ia R’vê, nằm trong độ tuổi từ 12 đến 20, đa số là con em đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Thái... từ các tỉnh phía Bắc vào và mới di cư từ tỉnh Bến T re lên.

Em Lê Thị Ngọc Lan là con thứ 2 trong gia đình làm nghề nông, có 3 chị em. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên học hết lớp 2 Lan bỏ học để phụ gia đình kiếm sống. Thấy Lan bỏ học giữa chừng, các chiến sỹ biên phòng đến tận gia đình vận động em đi học lại. Tuy nhiên, khi em đến lớp thì không theo kịp chương trình phổ thông nên lại một lần nữa bỏ học. Nay Đồn biên phòng Ia R’vê mở lớp xóa mù, Lan xin được đến lớp, được các thầy giáo mang quân hàm xanh chỉ bảo tận tình, em đã biết đọc, biết viết.

Cùng chung hoàn cảnh, hai chị em ruột Trần Nguyễn Thị Trúc Hà và Trần Thị Trúc Hạ theo bố mẹ từ Bến Tre lên Đắk Lắk lập nghiệp. Cả gia đình có 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào mỳ. Để phụ giúp gia đình, cứ đến mùa thu hoạch là hai em lại bỏ học để đi cạo mỳ, chăn bò. Nay được theo học lớp xóa mù của bộ đội biên phòng, biết đọc, biết viết nên các em rất ham học. Không chỉ Lan, Hà và Hạ mà hầu hết các em trong lớp học xóa mù này đều bươn chải phụ giúp gia đình kiếm sống từ rất sớm, cuộc sống khó khăn, khiến cho giấc mơ học hành của các em trở giang dở.

Trung úy Hoàng Văn Thọ chia sẻ: Khi mới vào cơ quan, tôi được phân công nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng vùng biên. Thấy nhiều gia đình có con em trong độ tuổi đến trường mà không được đi học, không biết đọc, viết viết nên chúng tôi đã đề xuất với cơ quan phối hợp với Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu mở lớp xóa mù chữ vào ban đêm để các em có điều kiện được đến lớp, biết con chữ.

Ngày đầu khi mới mở lớp cũng gặp nhiều khó khăn vì đây là lớp học “đặc biệt,” phải ghép nhiều lớp do một số em bỏ học giữ chừng, không biết chữ và tái mù. Học sinh bình thường một bài học chỉ dạy trong 1 tiết nhưng đối với các em ở lớp xóa mù cũng bài học đó phải chia làm 4 tiết, mỗi buổi tối chỉ dạy được 2 tiết. Ngoài việc tập viết, tập đánh vần chữ cái, các tiết học về ngữ pháp, cách phát âm, phải nhờ đến các giáo viên trẻ Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu về hỗ trợ thêm cho các em. Các thầy, cô giáo còn rất trẻ, sống xa nhà, khó khăn vất vả là vậy, song thấy các em đều rất chăm ngoan, ham học nên đều nỗ lực duy trì thật tốt lớp học.

Thiếu úy Trần Văn Tuấn tâm sự: Để các em đến lớp học đều đặn, nề nếp, ngoài cấp đầy đủ sách vở, bút mực, chúng tôi còn tổ chức văn nghệ, các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi để thu hút các em ham học. Có hôm trời mưa, một số em gia đình xa lớp học, cán bộ đồn phải đến tận nhà để chở các em đến lớp, từ đó tình cảm thầy trò thêm gắn bó.

Cô Nguyễn Trang Đài, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Ở đây địa bàn rộng, dân cư còn thưa thớt nên công tác vận động học sinh đến trường gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh mù chữ và tái mù còn nhiều. Khi các anh bộ đội Đồn biên phòng về vận động mở lớp dạy xóa mù chữ chúng tôi rất mừng. Mong muốn lớn nhất của tôi là các em nhỏ sớm biết đọc, biết viết để tiếp tục theo học chương trình ở trường như các bạn cùng trang lứa.

Rời lớp học vào lúc trời đã về khuya, tiếng đánh vần ê, a của học sinh lớp xóa mù Ia R’vê vẫn vang lên. Sự tận tụy, lòng yêu nghề của những người lính, thầy giáo mang quân hàm xanh sẽ góp phần mở ra cánh cửa hi vọng cho các em học sinh nơi vùng biên còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.

Theo Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm