An Giang:

Thầy giáo “áo vàng” dạy Tin học miễn phí cho trẻ em vùng núi

(Dân trí) - Ròng rã nhiều năm trời, Thượng tọa Chau Hắc - trụ trì chùa Tưk Phôs thuộc xã Châu Lăng, Tri Tôn (An Giang) tự mày mò học Tin học. Sau khi thấy mình thành thạo, sư Chau Hắc đã mở lớp dạy tin học miễn phí cho trẻ em nghèo ở địa phương.

Cái duyên từ việc xoá mù tin học cho bản thân

Chùa Tưk Phôs tọa lạc tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang), sau lưng chùa là núi Nam Qui - một trong bảy ngọn núi thuộc vùng Thất Sơn. Nơi đây dân cư đa số là đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua, chính quyền địa phương có nhiều chính sách phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên đến nay đời sống của người dân nơi đây vẫn còn không ít khó khăn, nhất là chuyện học hành, tiếp cận với Tin học, công nghệ...

Thấy được sự thiệt thòi của con em ở địa phương, nhiều lần  sư Chau Hắc có ý định mở lớp dạy Tin học miễn phí cho tất cả trẻ em nghèo quanh vùng, tuy nhiên vấn đề kinh phí, trang thiết bị, nhất là bản thân mình còn “mù” Tin học nên không thể thực hiện được ý định này.

Sư Chau Hắc nhớ lại ngày đầu tiên tiếp cận với các cụm từ xa lạ, như: máy tính, internet, công nghệ… là thông qua các chương trình ti vi và sách báo. Tuy nhiên, sư cũng chẳng biết máy vi tính dùng để làm gì. Nhưng để xoá mù Tin học cho bản thân và tiến tới dạy Tin học cho các trẻ em nghèo ở địa phương, sư Chau Hắc bắt đầu tiếp cận tìm hiểu đến máy tính, tin học.

Thầy giáo “áo vàng” dạy tin học miễn phí cho trẻ em vùng núi

Trước khi mở lớp dạy Tin học cho các trẻ em địa phương, sư Chau Hắc tự mày mò học tin học 2 -  3 năm liền.

Năm 2001, vườn xoài của chùa trúng lớn, bán được giá cao nên thu được hơn chục triệu đồng. Sau khi họp bàn kỹ lưỡng, các sư trong chùa quyết định mua một bộ máy tính đem về để học và nghiên cứu. Sư Chau Hắc đích thân tìm đến TP Long Xuyên mua bộ máy vi tính Pentium 3 về thực hành sau thời gian học lý thuyết cả năm trời.

Sư Chau Hắc kể: “Ngoài thời gian nghiên cứu sách báo về tin học, cộng thêm trước kia sư có tham gia học điện tử nên cũng có căn bản phần nào và tiếp cận với tin học nhanh hơn. Do vậy, khi có máy vi tính, sư bắt đầu thực hành các chương trình thông dụng, như Word và Excel… đã có sẵn trong máy vào máy.”

Không dừng lại ở việc học lóm, sư Chau Hắc còn quyết chí nâng cao trình độ tin học bằng cách mua sách, báo chuyên về tin học để tham khảo và thực hành. Đặc biệt sư gắn bó nhiều năm liền với tạp chí e-Chip để từ đó mở rộng được kiến thức về máy tính, tin học.

Càng học càng say mê, vị sư trụ trì chùa tìm hiểu thêm phần cứng máy tính và lập trình. Kiến thức từ sách báo, mạng internet và kinh nghiệm từ những người thành thạo tin học đã giúp sư có được trình độ tin học khá tốt. Sư Chau Hắc cũng là người đầu tiên ở An Giang dùng phông chữ Khmer dạng văn bản Word. Năm 2003, trường phổ thông Dân tộc nội trú An Giang trang bị máy vi tính, sư trụ trì Chau Hắc được mời cài đặt phông chữ Khmer và dạy cách đánh chữ Khmer cho thầy và trò.
 

Với tinh thần vượt khó, tự học và tiếp cận công nghệ thông tin, năm 2004 sư Chau Hắc - trụ trì chùa Tưk Phôs được tạp chí e-Chip trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”.

Vững tay chèo, bắt đầu mở lớp tin học miễn phí

Sau khi thấy mình có đủ tự tin để dạy tin học cho trẻ em nghèo ở địa phương, sư Chau Hắc quyết định mở lớp “xóa mù tin học” cho các sư trong nhà chùa cũng như các sư ở những chùa lân cận. Ban đầu chỉ với 5 máy tính, sư Chau Hắc đã huy động hầu hết sư trong chùa học tin học với hai ngôn ngữ Việt - Khmer. Theo sư Chau Hắc, đây là những “giáo viên” nồng cốt của sư sau này khi sư mở lớp dạy tin học cho trẻ em ở địa phương.

Theo sư Chau Hắc, ban đầu các sư trong chùa chưa biết gì về tin học nên ai cũng ngán ngẫm nhưng càng học, các sư càng hấp dẫn. Nhiều sư trong chùa tiếp cận nhanh và đánh văn bản tiếng Khmer rất thành thạo trên máy tính. Các chùa khác ở trong và ngoài địa phương nghe nói cũng đến tìm hiểu và đăng ký học mỗi ngày một đông hơn. 

Thầy giáo “áo vàng” dạy tin học miễn phí cho trẻ em vùng núi

Khi có đủ máy vi tính, sư Chau Hắc bắt đầu chiêu sinh thêm các em học sinh ở địa phương để dạy tin học miễn phí cho các em.

Từ sự vận động của các sư đã được học Tin học, các phụ huynh trong vùng bắt đầu có ý thức, họ đến chùa xin cho bọn trẻ được học Tin học, vì thực tế, đối với đồng bào dân tộc, việc lo cái ăn, con chữ đã khó nói chi đến những môn học “xa hoa” như Tin học, Anh văn…

Năm 2011, sư Chau Hắc nhận thêm các học viên ngoài chùa, chủ yếu là các em nhỏ con nhà nghèo đang trong độ tuổi học tiểu học và THCS. Theo sư cho biết, ban đầu còn nhiều khó khăn, chùa chỉ có 5 máy tính nên không nhận hết người học. Sau này từ sự đóng góp của các sư, phật tử… nhà chùa mua được tổn cộng 12 máy tính, sẵn sàng chiêu sinh dạy miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương.

Hiện nay tại chùa Tưk Phôs,  mỗi ngày có 3 buổi học, sáng từ 7g - 9g30, chiều từ 14g - 16g30; riêng buổi tối từ 19g30 đến 22g dành riêng cho các sư. Hiện nay số học viên của lớp tin học chùa Tưk Phôs gần 40 người, trong đó chiếm đa số là các em HS lứa tuổi TH và THCS. Nhiều em HS dân tộc Khmer ở các xã lân cận, thậm chí ở huyện khác cũng tìm đến chùa xin học.

Thầy giáo “áo vàng” dạy tin học miễn phí cho trẻ em vùng núi

Tại lớp học Tin học của sư Chau Hắc, ngoài việc dạy các chương trình thông dụng, thầy còn dạy thêm những kiến thức cơ bản về phần cứng và những lỗi thường gặp khi sử dụng máy tính cho các học viên biết để tự sửa chữa máy tính.

Điều đặc biệt khi các em nhỏ tham gia lớp tin học của nhà chùa, học viên được hoàn toàn miễn phí và không phân biệt tuổi tác. Ngoài việc, sư Chau Hắc dạy các chương trình thông dụng như Word và Excel, sư còn dạy một số kiến thức cơ bản về phần cứng của máy tính, nhất là những lỗi thường gặp khi sử dụng máy tính cho các học viên. Sau khi học xong, nhà chùa sẽ cấp giấy chứng nhận cho các học viên.  

Sư Chau Hắc cho biết: “Các em học sẽ biết được những kiến thức về phần cứng và phần mềm, máy hư hỏng có thể xác định và sửa chữa. Ước mơ của sư là mong các em học tốt, biết ứng dụng vào công việc và cuộc sống sau này”. Được biết, từ khi mở rộng chiêu sinh, người đồng hành “xoá mù tin học” với sư Chau Hắc còn có anh Siêng Sô Phiếp (bị tật hai chân phải đi xe lăn, đã tốt nghiệp ngành Tin học) và các sư trong chùa cũng thể đứng lớp để dạy Tin học, góp phần xóa mù Tin học cho trẻ em trong phum sóc xóm núi Tri Tôn.

Nói về những dự định trong thời gian tới, sư Chau Hắc cho biết, sư đang thực hiện công việc mà nhiều năm nay đã lên kế hoạch là thực hiện việc mã hóa văn bản kinh cổ chữ Khmer sang văn bản word và tiến hành lưu trữ. “Nguồn kinh cổ bằng tiếng Khmer đã trải qua hàng trăm năm, điều kiện bảo quản còn nhiều khó khăn. Giờ đây đã có Tin học, các sư sẽ bỏ công ra đánh máy tất cả nguồn kinh đó sang dạng word và lưu trữ. Ngoài ra có thể thành lập trang web hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy kinh Khmer cổ cho đời sau” - sư Chau Hắc cho biết.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm