Thầy giáo 3 lần được gặp Bác Hồ
(Dân trí) - Đó là Thầy giáo Doãn Mậu Hòe, (80 tuổi), hiện thầy là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng. Thầy Hòe đã 3 lần được gặp Bác Hồ.
Thầy giáo, Đại tá Doãn Mậu Hòe
Rưng rưng nghe lời dạy của Bác
Ở tuổi 17, đang học THPT ( ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) theo tiếng gọi non sông, học sinh Doãn Mậu Hòe đã xung phong thoát ly lên đường cầm súng chiến đấu chống quân thù bảo vệ Tổ quốc từ năm 1949. Vào bộ đội chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, rồi theo đoàn quân tập kết ra Bắc năm 1954, công tác tại Trung đoàn 108, thuộc Sư đoàn 305. Năm 1958, thầy Hòe được nhận công tác tại Tổng cục chính trị và tiếp tục học lớp bồi dưỡng giáo viên giảng dạy tại trường Nguyễn Văn Trỗi, Bộ Quốc phòng đến trường Văn hóa Quân khu 5 và trường Quân sự Quân khu 5. Thầy chuyên dạy môn vật lý, Hóa học các lớp tại chức cấp II, III cho cán bộ của cơ quan Tổng cục chính trị.
Thời gian công tác và học tập tại miền Bắc, thầy Hòe rất vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần.
Một lần Bác đến thăm trường Đại học sư Phạm Hà Nội năm 1958, lần thứ 2 được gặp Bác đến nói chuyện với các cán bộ Trung, cao cấp tại Tổng cục chính trị vào năm 1962 và lần thứ 3 là vào một đêm chủ nhật năm 1964 Bác đến tại một đơn vị văn công thăm các diễn viên gần Khu Cầu Giấy. Trong số 3 lần gặp Bác Hồ, có lần đầu tiên thật rất bất ngờ, thầy Hòe được gặp Bác và rất hạnh phúc khi được đứng gần bên Bác.
Thầy Hòe xúc động, bồi hồi nhớ lại: “Một buổi sáng 20/9/1958, Bác Hồ đến thăm trường Đại học sư phạm Hà Nội. Hôm ấy, lớp học diễn ra bình thường như mọi ngày, bỗng có tiếng lao xao phía cuối lớp và tất cả sinh viên quay nhìn theo thì Bác Hồ đã nhanh chân tiến lên phía trên Hội trường. Bác đứng lên bục giảng nhìn một vòng quanh cả lớp, một tràng pháo tay vang lên. Không khí trở nên yên ắng. Thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thông cầm micro đưa cho Bác, Bác khoát tay, không dùng micro, đoạn Bác nói: “Hôm nay Bác đến thăm trường, thăm các thầy, cô và sinh viên; các cô các chú có biết tại sao mọi người trong xã hội đều tôn vinh người thầy không? Vì người thầy là tấm gương sáng trong mọi xử thế. Cho nên dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là cái gì? Là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đầy đủ đạo đức cách mạng thì có tài gì cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là gì? Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Bác căn dặn rất kỹ về tinh thần đoàn kết, khuyên thầy trò yêu nghề, thương yêu nhau.
Người dạy: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là những người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương này khác, nhưng những người thầy giáo là những anh hùng vô danh. Bác nhấn mạnh: “Có ba hạng người luôn được mang ơn và kính trọng. Một là các thầy-cô giáo dạy con em mình học, hai là thầy thuốc chữa bệnh cho con em mình và nhân dân, thứ ba là người cho mình mượn tiền gạo lúc khó khăn túng thiếu! Ba hạng người đó đều được tôn vinh!. Hôm nay các cháu đang là sinh viên, ngày mai là giáo viên, là người “Kỹ sư” tâm hồn. Vì thế, đã là người thầy là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thầy dạy phải hơn trò về chữ và nghĩa, biết thương yêu học sinh, phải biết yêu người, yêu nghề, thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Khi ra trường các cô, chú phải quan hệ thật tốt với xã hội”!
Thầy Hòe, hình dung lại ngày Bác Hồ đến thăm trường, thầy Hòe nói: “Tôi có lợi thế là ngồi dãy bàn phía trên, sát với nơi Bác Hồ đang nói chuyện, tôi lắng nghe không sót một từ nào của Bác. Và từ lần đâu tiên được gặp Bác Hồ, nghe Bác Hồ nói chuyện, tinh thần tôi luôn có sức vươn lên mãi cho đến bây giờ!”.
Người thầy của 6 vị tướng
Qua tâm sự, được biết, thầy giáo Doãn Mậu Hòe còn từng trực tiếp dạy văn hóa cho 6 vị tướng trong quân đội Nhân dân Việt Nam, như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu và Trung tướng Phạm Kiệt.
Thầy Hòe còn nhớ mãi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vào một ngày đầu tháng 7/1967, Đại tướng rủ ông đi chùa Thầy, nhưng ông từ chối vì đã đến ngày phải lên đường vào Nam (đi B). Sau đó, trên đường vào Nam đến Khu IV thì ông được tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời vì bệnh tim, trước khi đại tướng trở lại chiến trường lần thứ hai.
Niềm hạnh phúc bất ngờ của người thầy giáo có tới 34 năm được làm thầy giáo (trong chặng đường 47 năm phục vụ quân đội) là vào tháng 8 năm 2010 mới đây, một người học trò cũ thời kỳ thầy còn dạy ở trường thiếu sinh quân từ năm 1965, Đại tá Võ Minh Ân - Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật Quân khu 5, hiện là Trưởng Ban liên lạc Thiếu sinh quân miền Trung tại Đà Nẵng, sau bao năm thất lạc tin tức, nay đã tìm đến nhà gặp thầy đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Thầy giáo già như trẻ, khỏe ra khi được trở lại bầu không khí tràn đầy tình đồng chí, đồng đội, tình thầy trò, tình bè bạn, anh em thân thương như ruột thịt...
Về lại với đời thường, thầy rất quan tâm đến sự nghiệp trồng người, thầy hiện làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng và là hội viên Hội Cựu giáo chức thành phố Đà Nẵng. Thầy Hòe đã trực tiếp đề xuất ý kiến và được lãnh đạo Quận cho thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến, từ năm 2008 đến nay, Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến đã vận động được hơn 156 triệu đồng từ 55 tổ chức, cá nhân ngay tại Lễ công bố thành lập quỹ này. Quỹ đã góp phần bảo trợ dài hạn cho 111 học sinh mồ côi nghèo, cấp học bổng cho 145 HS giỏi, trao giải thưởng cho 24 HS lớp cuối cấp học phổ thông và 272 HS trúng tuyển vào đại học.
Hiện nay thầy Hòe với quân hàm Đại tá và chuẩn bị nhân huy hiệu 65 tuổi Đảng vào năm 2015.
Nguyễn Huy Hoàng, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành,
tỉnh Quảng Nam (Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam).