“Thấy con ham học thì không còn gì sung sướng bằng”...

(Dân trí) - Cả một đời tảo tần hôm sớm với nương rẫy, vợ chồng anh Phạm Văn Thức (ở thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) vẫn nhất quyết không để con cái thất học mà bằng mọi cách vượt khó. Tấm gương cả một đời hy sinh vì con của anh chị thật đáng khâm phục.

Làm báo, được đi và gặp gỡ nhiều người nhưng khi chứng kiến cảnh hạnh phúc đầm ấm của gia đình anh Phạm Văn Thức trong ngôi nhà nhỏ còn thiếu thốn mọi thứ giữa phố núi mờ sương khiến tôi thực sự xúc động.  

Anh Thức từ vùng đất Quảng Ngãi vào Tây Nguyên lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Những ngày tưới cà phê trên vùng đất bazan nắng rát đã run rủi cho anh gặp và lập gia đình với cô gái gốc Bắc dịu dàng đến từ thành phố Hải Phòng. Đến nay anh chị có với nhau 5 đứa con. Anh Thức cho biết: “Cha mẹ hai bên đều nghèo nên vừa cưới xong chúng tôi đã ra ở riêng, đi làm thuê quần quật kiếm tiền. Nhờ sự tiết kiệm và cần cù chịu khó của vợ, sau nhiều năm mới mua được miếng đất nhỏ để cất tạm nhà cho các con che mưa nắng”.

Bản thân anh Thức, hàng tháng trời nằm ở ngoài chòi rẫy để tưới nước cho 4,5 hecta cà phê đang ra hoa. Vợ anh tất bật buôn bán gạo, may vá trong chợ Buôn Hồ. “Cái khó bó cái khôn”, thương cha mẹ vất cả, 5 đứa con của anh chị đều chí thú học hành. Cậu cả Phạm Huy Thông giờ đang học năm cuối Học viện Quân y (Hà Nội). Thông học rất giỏi, vừa mới làm xong luận văn xuất sắc và sắp sửa ra trường. Cậu con trai thứ 2 Phạm Chánh Tín đang học năm 2 Đại học Quốc tế TPHCM và chuẩn bị sang Anh du học. Ba người con còn lại luôn là học sinh tiên tiến, viết tiếp truyền thống hiếu học của gia đình.

“Thấy con ham học thì không còn gì sung sướng bằng”... - 1
Vợ chồng anh Thức và 5 người con. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng anh chị không để các con thất học.

Anh Phạm Văn Thức bộc bạch: “Vợ chồng tôi ngày trước chữ nghĩa ít nên bấy giờ thấy các cháu ham học thì không còn gì sung sướng bằng. Hàng quý các cháu đều gởi kết quả phiếu báo điểm về để tôi kiểm tra. Làm cha mẹ, không có tài sản gì quí giá để lại cho con cái thì vợ chồng tôi để lại cái chữ, sự thành đạt”.

Thương con nhưng anh Phạm Văn Thức không bao giờ nuông chiều con mà luôn rèn con theo “khuôn phép”. Bởi vậy mà trong gia đình anh trên dưới đều hòa thuận, đoàn kết thương yêu nhau. Anh Thức cho biết: “Làm cha tôi luôn tạo sự trách nhiệm cao cho mỗi thành viên. Ai làm gì giỏi thì thưởng, ai làm gì sai là phải biết nhận lỗi. Biết tính tôi nóng nảy, vất vả bận rộn ngoài nương rẫy nên các cháu rất hiểu và chia sẻ. Ngoài giờ học, ba cháu nhỏ về đến nhà là ào vào giúp đỡ công việc cho cha mẹ. Từ nhỏ đến lớn, con cái tôi chưa đánh một roi nào cả và các cháu luôn ý thức được sự “đặc biệt” này mà phấn đấu để ba má không bị phiền lòng”.

Chắt chiu từng đồng lo lắng cho các con đi học, nhiều lúc vợ chồng anh Thức vay mượn hàng triệu đồng ứng cho con cái học tiếng Anh. Thế nhưng bản thân anh chưa bao giờ dám sắm cho mình bộ quần áo tươm tất để mặc. Vợ anh thì cũng “đầu tắt mặt tối” lo cho các con. Vậy mà chị luôn tươi cười, không bao giờ than vãn một điều gì, bởi nhìn sự truởng thành của các con, chị đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Cách sống hiếu thảo của anh Phạm Văn Thức với mẹ già cũng tác động nhiều đến vợ con anh. Mẹ anh Thức năm nay vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. Từ ngày rời xa quê hương lên gắn bó với vợ chồng anh chị từ những ngày đầu khởi nghiệp trên cao nguyên này, mặc dù ở riêng (cụ ông vừa mất) nhưng hằng ngày bà vẫn tranh thủ đi bộ xuống nhà anh “giám sát” việc học hành của các cháu. Bà tâm sự: “Hồi xưa thằng Thức bỏ học ngang nên giờ phải vất vả. Tôi khuyên răn nó dù có khổ cũng cố không để các con bị thất học. Thấy nó biết nghe lời nên tôi thương lắm ...”.

“Thấy con ham học thì không còn gì sung sướng bằng”... - 2
Mái ấm tam đại đồng đường hạnh phúc giữa đại ngàn.

Người xưa từng so sánh: Công cha nghĩa mẹ như núi Thái Sơn cao ngất hay như biển Thái Bình dạt dào.Và về với Buôn Hồ lần này, chúng tôi đã gặp được một mái ấm tam đại đồng đường hạnh phúc như thế giữa đại ngàn.

Bài và ảnh: Lê Công Sơn