Gia Lai:
Thầy cô băng rừng tìm học sinh
(Dân trí) - Phụ huynh không có điện thoại hoặc ở vùng không có sóng điện thoại, vì vậy trước khi năm học mới bắt đầu, các thầy cô giáo phải băng rừng, tìm đến từng nhà học sinh thông báo kế hoạch dạy học.
Đầu năm học, các thầy cô giáo huyện Kbang (Gia Lai) đến từng nhà học sinh để thông báo kế hoạch đầu năm học. Đồng thời, thầy cô còn tặng sách vở và hướng dẫn các em ôn tập chuẩn bị cho năm học.
Nghỉ hè lên rẫy
Trên những chiếc xe máy động cơ xộc xệch do đi lại ở địa hình khó khăn nhiều năm nay, từng nhóm thầy cô thuộc trường PTDT BT TH và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) đã chia nhau đến từng làng, từng nhà thông báo kế hoạch dạy học và hướng dẫn các em học sinh ôn tập chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.
Thầy Dương Văn Phúc - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Krong, huyện Kbang cho biết: Các em học sinh ở đây 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar. Suốt thời gian nghỉ hè, các em đều ở trong nhà hay lên rẫy cùng bố mẹ.
Phụ huynh không có điện thoại hoặc ở vùng không có sóng điện thoại. Vì vậy mà trước khi năm học mới bắt đầu, các thầy cô giáo phải băng rừng, tìm đến từng nhà thông báo kế hoạch dạy học của nhà trường đến học sinh; đồng thời, hướng dẫn các em ôn tập trong thời gian tự học ở nhà.
Trước ngày khai giảng năm học mới, PV Dân trí đi cùng thầy cô giáo vào khu nhà rẫy của làng Pờ Ngăl. Đây là một ngôi làng nằm sâu ở vùng lõi Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Từ đầu giờ chiều ngày 3/9, các thầy cô đều chuẩn bị cơm nắm, nước, áo mưa và đèn pin... bắt đầu tìm đến nhà học trò.
Thầy Phó Hiệu trưởng Phúc nói: "Phải đi vào buổi chiều thì vào đó tối mới gặp được học sinh. Ban ngày, các em thường lên nương rẫy với bố mẹ, rất khó tìm được. Đường vào làng chỉ có cách đi bộ, có mấy đoạn đi qua rừng già, đường rất khó đi nên nhà trường phải "tuyển" thầy cô giáo trẻ và rành đường rừng"
Con đường dẫn vào làng chỉ là một lối mòn giữa cánh rừng. Chúng tôi đi từ chiều sớm đến sẩm tối, qua mấy con dốc dựng đứng, lưng áo đẫm mồ hôi rồi mới chạm chân đến nơi có những ngôi nhà đầu tiên trong làng. Các thầy cô chia nhau đến từng nhà để đến gặp phụ huynh, học sinh.
Thông báo kế hoạch dạy học của nhà trường trong năm học mới, thầy Phó Hiệu trưởng Phúc cẩn thận trao tay phụ huynh, học sinh tờ giấy in sẵn thông tin ngày, giờ học sinh bắt đầu đến trường học. "Ông bà dán lên vách tường cho các con dễ nhớ ạ", thầy Phúc dặn dò người lớn trong nhà.
"Cõng" chữ đến học sinh
Trên đường băng rừng tìm đến nhà học sinh để thông báo kế hoạch năm học mới, các thầy cô giáo còn "cõng" chữ theo. Đó là những quyển sách giáo khoa, có cả truyện tranh và đồ dùng học tập dành tặng học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên trường PTDT BT TH và THCS Krong) bộc bạch: "Ở đây, các em hầu như đều không có điều kiện để mua sách vở mới cho đầu năm học. Ngoài sự hỗ trợ của ngành, nhà trường còn kêu gọi từ nguồn bên ngoài để tặng thêm cho các học sinh. Đây là những món quà ý nghĩa giúp các em hào hứng hơn và tiếp thêm động lực cho năm học mới".
Đối với học sinh tiểu học do còn hơn một tuần nữa mới đến trường nên thầy cô đã giao bài tập, hướng dẫn cho các em làm bài. Đối với học sinh THCS, các thầy cô giúp đỡ thu gom sách vở, quần áo chở lên trường để các em ổn định cho ngày 6/9 bước vào ngày học đầu tiên.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú TH và THCS Krong cho biết: Nhiều tuần nay, các thầy cô giáo đã đến từng nhà, từng bản để thông báo kế hoạch năm học mới và vận động học sinh ra lớp. Các em học sinh tiểu học sẽ bắt đầu năm học mới từ 13/9; học sinh THCS sớm hơn, từ ngày 6/9.
"Năm học này, nhà trường có hơn 200 học sinh, trong đó có hơn 150 em bán trú tại, vì nhà các em ở cách nhà trường quá xa. Nhà trường đã chuẩn bị rất kỹ trong các công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đầu năm học, nhà trường cũng đang khó khăn về nguồn sách giáo khoa đồ dùng học tập hỗ trợ học sinh ", thầy Thuấn chia sẻ thêm.
Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai thông tin, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có hơn 392.000 học sinh thuộc 714 trường học các cấp.
So với định mức giáo viên/lớp, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đang thiếu 3.721 giáo viên.
Ngày 6/9, học sinh bậc THCS và THPT toàn tỉnh Gia Lai đi học, trừ 2 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là TP Pleiku và thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa.
Ngày 13/9, học sinh bậc tiểu học toàn tỉnh sẽ bắt đầu năm học mới. Sau khi triển khai dạy học một tuần, Sở GD-ĐT Gia Lai sẽ cùng UBND cấp huyện rà soát, đánh giá lại về việc tổ chức đến trường gắn với phòng, chống dịch Covid-19 để có quyết định tiếp theo.