Thay bàn, ghế theo chuẩn: Lực bất tòng tâm!

Thông tư liên tịch số 26 do liên Bộ GD-ĐT, KH-CN và Y tế ban hành về việc hướng dẫn chuẩn bàn, ghế mới cho học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT có hiệu lực từ ngày 1-8-2011, nhưng đến nay vẫn trong tình trạng án binh bất động.

Năm học 2011-2012 sắp kết thúc nhưng dự báo học sinh còn phải tiếp tục sử dụng bàn, ghế cũ ít nhất từ 2-3 năm nữa. Quy định đã có, song vì sao chưa thực hiện?

Thiếu kinh phí

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 10/4, thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM), cho biết nhà trường đã có kế hoạch thay đổi toàn bộ bàn, ghế mới cho học sinh nhưng phải chờ đến đầu năm học 2012-2013 mới có thể thực hiện. Nguyên nhân do chi phí trang bị toàn bộ bàn, ghế mới không nhỏ, nhà trường phải cân đối, điều chỉnh nhiều khoản thu, chi khác mới có đủ tài chính thực hiện, vì thế chưa thể tiến hành ngay trong năm học này. Tuy nhiên, với số lượng 75 lớp học hiện có, sĩ số bình quân 38-45 học sinh/lớp, nếu trang bị đồng loạt bàn, ghế mới giá 2 triệu đồng/bộ, tổng kinh phí đến hơn 6 tỷ đồng, dù cố gắng hết sức nhà trường cũng không thể thực hiện. Do đó, “chúng tôi chọn hình thức mỗi năm thay mới bàn, ghế cho vài lớp học, bắt đầu thực hiện từ năm sau. Dự tính trong vòng 4 năm, tức đến năm 2016 mới hoàn thành”, thầy Vân bày tỏ.

Còn tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường mới tiến hành cải tạo, thay mới cơ sở vật chất cách đây hơn 4 năm, tất cả trang thiết bị đều còn sử dụng tốt, nay nếu thay mới toàn bộ bàn, ghế sẽ gây lãng phí lớn. Hơn nữa, dù có thực hiện, nhà trường cũng không tìm đâu ra nguồn kinh phí. “Tạm thời trong năm học tới, chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng lại bàn, ghế cũ. Nếu thực hiện theo quy định mới có lẽ phải chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT”, thầy Việt chia sẻ.

Thay bàn, ghế theo chuẩn: Lực bất tòng tâm!
Quy định chuẩn bàn, ghế mới theo Thông tư 26 đang khiến các trường gặp khó khăn. (Ảnh: Mai Hải)

Riêng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), sau khi vận động các nguồn xã hội hóa thay mới toàn bộ bàn, ghế, lại tiếp tục đau đầu tìm kinh phí vận chuyển, thanh lý bàn, ghế cũ. Rất may, sau nhiều nỗ lực, hai phần ba số bàn, ghế đó đã tìm được đơn vị vận chuyển về cho một trường tiểu học nghèo ở huyện Cần Giờ, số còn lại được trưng dụng để đồ, lắp ghép làm sân khấu và chuyển vào kho phòng trường hợp cần thay thế.

Tuy nhiên, như hiệu phó một trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Thạnh chia sẻ, ngoài chi phí trang bị bàn, ghế, trường học hiện nay còn rất nhiều khoản chi đồ dùng học tập khác như biểu đồ, máy chiếu, phấn, bảng, kệ sách, chưa kể một số khoản duy tu phòng học, bóng đèn, quạt máy… Nếu phải thay mới toàn bộ bàn, ghế, e rằng sẽ không còn đủ kinh phí trang trải những khoản còn lại. Lúc đó bàn, ghế mới tuy đạt chuẩn nhưng điều kiện dạy học không đảm bảo, học sinh vẫn là người chịu thiệt thòi. Do đó hiện nay, mặc dù đã biết Thông tư 26 từ lâu nhưng các trường đều đang chờ hướng dẫn chi tiết của Sở GD-ĐT.   

Lúng túng thực hiện

Ngoài quy định chi tiết 6 kích cỡ bàn, ghế phù hợp theo từng nhóm chiều cao học sinh, Thông tư 26 còn đưa ra một số quy chuẩn bố trí lớp học như khoảng cách từ mép bàn đến tường của hướng ánh sáng chính chiếu vào phòng học tối thiểu đạt 60cm, khoảng cách giữa hai dãy bàn học từ 95 - 100cm, khoảng cách từ hàng ghế cuối đến dãy tường phía sau phòng học tối thiểu 60cm… Nếu thực hiện tất cả những quy định này sẽ gây khó đối với công tác tổ chức và bố trí lớp học.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Phú bày tỏ, sĩ số lớp học bình quân hiện nay ở các trường từ 40-45 học sinh/lớp, riêng ở một số quận vùng ven, đông dân nhập cư như Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú có thể lên đến 50-55 học sinh/lớp. Kê bàn, ghế bình thường còn không đủ chỗ điều chỉnh theo quy định mới gần như là điều không thể. “Chúng tôi chỉ cố gắng đáp ứng về mặt cơ bản chỗ học cho tất cả học sinh, việc chạy đua theo chuẩn bàn, ghế mới e rằng rất khó thực hiện. Hiện nay ở nhiều trường sân chơi còn không có, lấy đâu ra diện tích tăng khoảng cách giữa các dãy bàn học”, vị này bày tỏ.

Riêng đối với quy định tồn tại đồng thời nhiều kích cỡ bàn, ghế trong cùng một lớp học, đại diện nhiều trường cho rằng thiếu thực tế bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ trong việc bố trí lớp học. Ngoài ra, quy định này đi ngược lại chủ trương tăng cường tính sáng tạo trong dạy và học phổ biến hiện nay ở trường phổ thông, thể hiện dưới các hình thức thường xuyên thay đổi vị trí chỗ ngồi, tổ chức làm việc theo đội, nhóm đối với học sinh trong cùng lớp học. Do đó, mặc dù quy định đã ra đời hơn 8 tháng nhưng đến nay các trường vẫn lúng túng trong thực hiện.

Điều này cho thấy quy định thay đổi bàn, ghế theo chuẩn mới không nên cứng nhắc buộc các trường thực hiện ngay mà cần có lộ trình cụ thể. Tùy điều kiện ở mỗi địa phương, nên có hướng dẫn cụ thể, giúp các trường không đau đầu với bài toán kinh phí nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa trường lớp.

"Chạy đua theo chuẩn hiện nay không còn là cách làm phù hợp nếu bỏ qua nhu cầu chính đáng của học sinh. Quy định kích cỡ bàn, ghế mới là tốt, song không nên bắt buộc các trường phải thực hiện. Chỉ nên xem đó là hướng dẫn tham khảo để từ đó các trường dựa vào điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất của đơn vị mình đưa ra giải pháp phù hợp" - Thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)

 
Theo Thu Tâm
SGGP