Thanh Hóa: Vẫn nhiều băn khoăn khi thực hiện Thông tư 30
(Dân trí) - Sau gần một kỳ thực hiện Thông tư 30 (TT30) của Bộ GD-ĐT về việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Theo báo cáo của nhiều địa phương tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập từ việc áp dụng TT30 vào thực tiễn giảng dạy.
Cụ thể, giáo viên bị ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu bài, làm đồ dùng dạy học; nhiều học sinh ít quan tâm đến lời nhận xét của giáo viên trong vở, chưa gây được hứng thú học tập cho đối tượng học sinh khá, giỏi…là những bất cập của việc thực hiện Thông tư 30.
Nhiều giáo viên (GV) trực tiếp đứng lớp cho rằng, việc thực hiện TT30 còn gây áp lực cho GV, không phát huy được động lực của HS…Còn về phía các đơn vị quản lý giáo dục ở các địa phương cũng đã có những tổng hợp, đánh giá bước đầu về thực tiễn việc áp dụng TT30 vào thực tế giáo dục tại địa phương mình.
Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Hà Trung trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đơn vị thì việc triển khai TT30 đến các trường cũng như GV được thực hiện tốt, hầu hết các GV đều nắm vững phương pháp triển khai.
Tuy nhiên, trên thực tế từ khi triển khai TT30 đối với HS lớp 1 tại thời điểm học kỳ I, những câu nhận xét của GV trong vở các em không thể đọc được nên đánh giá của GV chưa có tác dụng. Những HS có học lực yếu hơn không bị áp lực, tự ti, một mặt nào đó các em được khích lệ và động viên, giúp các em có hướng phấn đấu, vươn lên trong học tập.
Về phần GV còn lúng túng khi phải chọn câu từ, lời lẽ để nhận xét phù hợp với học lực từng em. Việc thay đổi cách đánh giá HS chiếm nhiều thời gian của GV. Với các GV môn đặc thù, thì nhận xét 2 lần/kỳ là quá nhiều và rất dễ trùng lắp những lời nhận xét.
Tâm lý của phụ huynh HS không thích cách nhận xét vì không biết con mình đạt ở mức độ cụ thể nào nên chưa quan tâm nhiều đến việc nhận xét; chưa khuyến khích được cha mẹ HS tham gia đánh giá như yêu cầu của TT30.
Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: "hoàn thành”. Nhưng trong sổ học bạ và sổ theo dõi chất lượng giáo dục không có ô để ghi mục này. Trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục chỉ có ô để ghi nhận xét đánh giá thường xuyên, trong sổ học bạ chỉ có ô để ghi nhận xét các môn học và hoạt động giáo dục. Việc ghi kết quả vào học bạ chỉ nên ghi nhận xét cả năm học.
Cũng theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, TT30 giúp nhà trường, GV và phụ huynh quan tâm đến HS nhiều hơn, HS được phát triển một cách toàn diện, tăng sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường. Trong đánh giá, không có sự phân biệt HS giỏi, khá, trung bình, yếu, HS không bị mặc cảm, áp lực về điểm số. GV kịp thời phát hiện tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những hạn chế để hướng dẫn, giúp đỡ HS trong quá trình học tập.
Khó khăn của việc thực hiện TT30 là một số HS ít quan tâm đến lời nhận xét trong vở, những HS có học lực khá giỏi vẫn có tâm lý thích điểm số để chứng tỏ thành tích học tập của mình. Mặt khác, cách đánh giá của TT30 chưa gây được hứng thú học tập cho đối tượng HS khá, giỏi.
Đối với việc HS tự đánh giá và tham gia nhận xét bạn thì HS lớp 1, 2 chưa có khả năng tự nhận xét bản thân và các bạn một cách chính xác. Đặc biệt là HS miền núi, khả năng giao tiếp cũng như khả năng sử dụng tiếng Việt của các em còn hạn chế nên việc tự đánh giá và tham gia nhận xét là rất khó khăn. HS không được tham gia các hội thi, các sân chơi trí tuệ nên phần nào làm giảm tinh thần thi đua trong học tập của HS.
Việc GV tư duy để ghi lời nhận xét phù hợp với từng đối tượng HS, chứa đựng cả ưu điểm, hạn chế và biện pháp hỗ trợ đối với từng HS ở từng môn học trong từng tháng với khuôn khổ giấy quy định là rất khó.
GV tiểu học phải dạy nhiều môn từ 7 đến 9 buổi/tuần, phải soạn bài, làm đồ dùng dạy học, các loại hồ sơ sổ sách khác… nên đa số đều cảm thấy quá tải về thời gian, cơ bản GV không có ngày nghỉ trong tuần, phải tranh thủ nhận xét trong giờ giải lao và cả ở nhà.
Mặt khác, thời gian ghi nhận xét HS làm ảnh hưởng đến thời gian dành cho việc nghiên cứu bài, làm đồ dùng dạy học và nhất là thời gian phụ đạo cho đối tượng HS yếu, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng HS hiện nay.
Riêng đối với GV dạy các môn đặc thù phải ghi nhận xét cho HS toàn trường nên rất khó khăn về thời gian. Một số GV chữ viết chưa đẹp, chưa chuẩn nhưng lại phải ghi nhận xét vào vở HS, đặc biệt là nhận xét trong vở luyện viết chữ đẹp sẽ rất bất cập. Phòng GD và ban giám hiệu các nhà trường rất khó quản lý và theo dõi chất lượng HS cũng như chất lượng các nhà trường.
Còn theo đánh giá của Phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn, tuy không còn lo lắng về điểm số, HS sẽ thấy nhẹ nhàng, giảm áp lực. Việc đánh giá HS chỉ có 2 mức (hoàn thành, chưa hoàn thành) còn chung chung chưa phân biệt rõ các đối tượng HS.
Theo TT30, trách nhiệm đánh giá HS dồn phần lớn cho GV trực tiếp giảng dạy khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại nếu GV không phải là người công tâm và khách quan. Bởi vậy rất dễ xuất hiện tình trạng GV sẽ đánh giá hời hợt, chung chung cho xong việc không có động lực nhằm thúc đẩy sự cố gắng vươn lên của HS trong học tập. Ban giám hiệu nhà trường rất khó trong việc quản lý chất lượng HS, đánh giá công tác giảng dạy của GV cũng gặp khó khăn.
TT30 gây khó khăn cho GV khi chọn viết lời nhận xét cần chính xác với đối tượng HS, ví dụ cũng là điểm 8 nhưng HS từ điểm 10 xuống điểm 8 phải có lời nhận xét khác với HS từ điểm 6 lên điểm 8….TT30 có tổng hợp đánh giá trên cơ sở HS bình bầu lẫn nhau mà HS tiểu học vẫn còn nhỏ nên việc lựa chọn, bình bầu chưa chính xác.
Trao đổi với Dân trí, ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đánh giá: “Mới triển khai hơn nửa học kỳ nên chưa có đánh giá để khẳng định tốt hay chưa tốt. Hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau, rất nhiều ý kiến cũng chưa đồng thuận với TT30 này. Tuy nhiên ở Thanh Hóa thực hiện khác, ngay từ khi đi tập huấn, Sở có trao đổi với đại diện của Bộ GD-ĐT về việc TT còn rất mới mẻ, nó thay đổi cách đánh giá HS, chưa nên làm vội mà nên khuyến khích những đơn vị nào có điều kiện tổ chức thực hiện trước. Sau đó đến 2015 - 2016 mới triển khai đại trà”.
Ông Cảng giải thích: “Vì một phần TT30 rất mới mẻ, người ta chưa kịp để hiểu nó, hai nữa là TT32 ra đời năm 2009 cũng thực hiện như vậy, cũng ra đời tháng 10 nhưng sang năm học sau mới triển khai đại trà. Ở Thanh Hóa có thuận lợi vì đã thực hiện dự án mô hình trường học Việt Nam mới cũng đánh giá theo kiểu này. Chúng tôi cũng soạn thảo một bộ công cụ đánh giá và hầu hết GV đều nhất trí cao”.
Theo ông Cảng thì mục đích cuối cùng của TT30 là đánh giá sự tiến bộ của HS. “Đành rằng cho điểm nó xác định được cái mốc mà em đó đạt được tại thời điểm đó. Nhưng nhìn vào đó không đánh giá được hết năng lực của HS. Ví dụ khi HS lớp 2 thực hiện một phép cộng 15 + 17 chặng hạn. Các em đặt phép tính theo cột dọc là đúng rồi, rồi lấy 5 + 7 = 12, viết 2 nhớ 1 và lấy 1 + 1 = 2 và viết xuống thành 2. Nếu HS cộng lại = 22 như vậy 15 + 17 = 22.
Nếu cho điểm thì kết quả bài này là 0 điểm vì làm sai. Nhưng nếu bằng nhận xét thì thấy rằng trong phép cộng này em đó có kỹ năng tính đúng, có kỹ năng biết cộng từ phải qua trái, thứ ba là biết cộng nhẩm đúng, chỉ có một điểm yếu là quên cái nhớ ở hàng chục. Và khi nhận xét chỉ là em lưu ý cần phải nhớ sang hàng chục, tức là chỉ ra trực tiếp cái sai của HS và từ sau HS không bao giờ sai như thế nữa. Nhưng nếu cho điểm không là nó xổ toẹt hết tất cả kết quả của HS.
Nên việc nhận xét là đánh giá được đúng những cái nào HS đã có và những cái gì HS đang còn yếu. Còn ví dụ như HS được điểm 8 thì gia đình rất yên tâm là ở mức khá rồi. Nhưng được điểm 8 HS vẫn còn kiến thức bị hổng mới không đạt điểm 10. Trong bài kiểm tra vẫn còn nội dung kiến thức HS làm sai và cho bằng điểm không chỉ ra được điều đó. Nhưng nếu như nhận xét thì GV chỉ rõ ra được là kiến thức nào, lĩnh vực nào còn yếu và như thế để lấp chỗ trống cho kịp thời. Tuy nhiên, còn một thực tế là GV nhận xét chung chung và giữa em này với em kia còn giống nhau là thực tết rất đúng vì GV chưa quen”, ông Cảng giải thích thêm.
Để TT30 thực sự phát huy tác dụng với những ưu điểm của nó và để phụ huynh có thể yên tâm vào việc đánh giá nhận xét của GV một cách công tâm, khách quan và làm sao giảm áp lực đối với GV, để GV có thời gian đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường và ngành giáo dục quản lý được chất lượng giáo dục thì cần phải có sự đồng bộ từ cách quản lý đến việc thực hiện và cái tâm của những người làm giáo dục...
Duy Tuyên