Thanh Hóa: Sẽ xử lý kỷ luật các trường học lạm thu
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh bức xúc gửi đơn phản ánh về tình trạng lạm thu tại các trường học trên địa bàn về Sở GD-ĐT Thanh Hóa. Theo khẳng định của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, Sở sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường có dấu hiệu vi phạm.
Dù mới triển khai các chương trình chuẩn bị năm học và có cả thông báo cụ thể về các khoản thu trong năm học mới chưa được bao lâu, nhưng nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa đã bằng mọi cách tiến hành thu nhiều khoản phí vô lý gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Trong đó, có những trường thu tới hơn 20 khoản, còn bình quân cũng từ 15 đến 19 khoản. Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã nhận được hàng chục lá đơn của các bậc phụ huynh phản ánh về những khoản thu vô lý của các trường trên địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, rất nhiều trường học ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT đã tiến hành thu các khoản phí đầu năm học.
Tại Trường tiểu học xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, danh sách các khoản đóng góp của học sinh lớp 4 có đến 19 khoản đóng góp. Trong đó, theo thông báo của Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã nêu rõ là không được phép huy động qũy khuyến học từ học sinh, mà chỉ được huy động từ các đơn vị, tổ chức cá nhân… Nhưng ở đây, mỗi học sinh phải đóng 30.000đ tiền qũy khuyến học. Ngoài ra còn phải đóng 30.000đ tiền giấy thi, kiểm tra đủ các loại, rồi tiền tu sửa cơ sở vật chất 150.000đ/học sinh, xây dựng thư viện chuẩn….
Về khoản tiền xây dựng trường, trong công văn của Sở GD-ĐT cũng đã nêu rõ không được phép thu tiền xây dựng. Tuy nhiên, hầu như các trường đều “có cách” để thu khoản tiền này.
Tại trường THCS xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, trong danh sách thông báo các khoản có ghi là tiền xây dựng công trình nhỏ, nhưng cũng không ghi rõ là công trình gì, và mỗi học sinh phải đóng đến 170.000đ/năm…
Nhiều phụ huynh không thể nhớ nổi các khoản mà mình đã đóng góp cho con tại trường, chỉ biết là nhiều khoản qúa nhớ không nổi, bởi có trường chỉ đọc qua một lượt trước cuộc họp rồi triển khai luôn, phụ huynh có muốn "trở tay" cũng không được. Hơn nữa, nhiều phụ huynh đều có tâm lý "sợ" khi con mình đang học ở trường sẽ "lọt vào tầm ngắm” nên có muốn cũng không dám thắc mắc bởi đây là vấn đề “tế nhị”.
“Tranh đấu làm gì cũng có thay đổi được đâu, cuối cùng rồi muốn hay không cũng phải đóng nên tốt nhất là im lặng mà đóng. Nói về cái vô lý thì nhiều lắm nhưng nói làm sao được, thôi thì người ta làm sao mình làm vậy”, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân tâm sự.
Không riêng gì Trường tiểu học Nam Giang, Trường THCS xã Tây Hồ hay Trường THPT Lê Lợi, huyện Thọ Xuân mà còn rất nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa đã tiến hành thu nhiều khoản thu vô lý gây nhiều bức xúc trong giới phụ huynh.
Trước một số thực tế trên, phóng viên Dân trí đã thông quan UBND huyện và được chính ông Hoàng Lộc Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện hẹn làm việc với ông Nguyễn Đình Quế. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến Phòng GD-ĐT huyện Thọ Xuân để nắm rõ hơn về vấn đề nêu trên thì ông Quế không gặp, bất đắc dĩ, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại thì ông Quê chỉ nói ngắn gọn: "Các anh cứ xuống trường mà kiểm tra, tôi chưa biết gì, chúng tôi thực hiện theo công văn chỉ đạo từ trên. Anh cứ gặp anh Ninh Phó chủ tịch UBND huyện mà hỏi vì anh Ninh là người phát ngôn, tôi đang đi cơ sở".
Riêng đối với các trường khi được hỏi về các khoản thu tự nguyện, hầu hết nhà trường đều lấy hội cha mẹ ra làm “bình phong” dưới danh nghĩa các khoản thu đều đã được hội cha mẹ học sinh thỏa thuận và thống nhất đóng góp. Về vấn đề này, ông Lê Sỹ Kiệm, phó trưởng phòng Kế Hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Thanh Hóa nhận định: “Vấn đề về các khoản thu tự nguyện hình thức như thế nào hiện đang bị méo mó. Tự nguyện là không được triển khai đến giáo viên chủ nhiệm mà phải bằng hình thức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng hay tại bảng thông báo của nhà trường, rồi từ đó các bậc phụ huynh hay bất kỳ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào muốn ủng hộ thì tham gia. Còn việc mà triển khai cụ thể như phản ánh của phụ huynh là không được”.
Cũng theo khặng định của ông Kiệm, Sở GD-ĐT Thanh Hóa sẽ có văn bản gửi tất cả Chủ tịch UBND các huyện để chỉ đạo kiểm tra về công tác lạm thu đầu năm học của các trường theo như phản ánh của các bậc phụ huynh. Riêng khoản thu Bảo hiểm y tế là bắt buộc nhưng không được đưa vào nhà trường, nhà trường không được thu hộ, mà chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị thu.
Còn khoản tiền xây dựng nghiêm cấm thu dưới mọi hình thức. Nhưng trên thực tế thì khoản tiền này rất nhiều đơn vị trường học đã và đang tiến hành thu. Như Trường THPT Lê Lợi, thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân thu 400.000đ tiền xây dựng. Trong thông báo của nhà trường ghi rất rõ là vận động xây dựng trường. Tuy nhiên theo phản ánh của phụ huynh, lúc đầu nhà trường đưa ra mức thu 500.000đ/học sinh, nhưng gặp sự phản ứng từ phía phụ huynh nên nhà trường rút xuống thu 400.000đ. Không chỉ có vậy, nhà trường còn “vận động” học sinh đóng tiền mua cây cảnh.
“Theo quy định của Sở GD-ĐT, năm nay các khoản thu huy động phải báo cáo riêng. Tuy nhiên đến thời điểm này, các trường chưa báo cáo. Thực tế các trường thu nhiều khoản là có và Sở cũng đã nhận được phản ánh của phụ huynh nhiều trường ở nhiều địa phương. Giám đốc cũng rất cương quyết sẽ làm đến nơi đến chốn việc này. Sau khi kiểm tra, nếu khoản thu nào không đúng sẽ phải trả lại và kỷ luật nghiêm các trường tùy vào mức độ sai phạm. Sau khi xử lý sẽ có thông báo rộng rãi. Năm học 2010 - 2011, Sở cũng đã làm việc này, nhất là tại một số trường ở địa bàn thành phố”, ông Kiệm khẳng định.
Chuyện lạm thu đầu năm học như câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng xem ra vẫn chưa có giải pháp nào chấn chỉnh dứt điểm tình trạng này.
Duy Tuyên