Thanh Hóa: Khảo sát năng lực ngoại ngữ, hơn 500 giáo viên chưa đạt chuẩn

(Dân trí) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho 1.180 giáo viên tiếng Anh các cấp học trên địa bàn. Kết quả khảo sát, đánh giá của 2 đợt có 560/1.111 giáo viên tham gia đạt chuẩn.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2018 - 2019 của Sở GD&ĐT, trong những năm gần đây, Thanh Hóa tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ của giáo viên; phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho 1.180 giáo viên tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Khảo sát năng lực ngoại ngữ, hơn 500 giáo viên chưa đạt chuẩn - 1
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, qua 2 đợt khảo sát, đánh giá có 560/1.111 giáo viên tham gia đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chiếm tỷ lệ 50,4%.

Kết quả khảo sát, đánh giá của 2 đợt có 560/1.111 giáo viên tham gia đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chiếm tỷ lệ 50,4%.

Ngành giáo dục Thanh Hóa cũng thí điểm chương trình nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh, phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH quốc gia Hà Nội thí điểm chương trình nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong các trường THPT huyện Hậu Lộc.

Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, ngành giáo dục Thanh Hóa đã tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng dạy, học và đánh giá môn tiếng Anh trong các trường Tiểu học, THCS, THPT.

Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ cho giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT; thực hiện đồng bộ chương trình sách giáo khoa mới...

Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh trong các nhà trường tuy có chuyển biến nhưng còn thấp so với yêu cầu, nhất là khu vực miền núi, vùng cao, vùng khó khăn; cơ sở vật chất , thiết bị dạy học tiếng Anh còn thiếu, lạc hậu; đội ngũ giáo viên giảng dạy còn thiếu nhiều.

Trong năm học 2019 - 2020, cùng với việc thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn đến năm 2025, Thanh Hóa khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ và dạy ngoại ngữ thông qua các môn học. Hướng dẫn chương trình, học liệu cho trẻ Mầm non làm quen với tiếng Anh.

Khảo sát, đánh giá và xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Trước đó, vào đầu năm 2019, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn Thanh Hóa đến năm 2025.

Không ít giáo viên tiếng Anh đã có những băn khoăn, lo lắng khi nhận được thông báo về kế hoạch khảo sát năng lực của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Trước những băn khoăn, lo lắng của giáo viên, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, mục đích của kế hoạch là nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh của tỉnh Thanh Hóa.

Thực tế, qua đánh giá những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có chất lượng dạy học ngoại ngữ trong tốp cuối của cả nước. Điều đó thể hiện qua điểm thi trung bình chung môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia.

Từ đó, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng đề án, trước hết là phải khảo sát toàn bộ đội ngũ giáo viên tiếng Anh để nắm được chất lượng thực của giáo viên. Từ đó để có kế hoạch phân loại, đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, khảo sát lần đầu nếu không đạt sẽ tiếp tục bồi dưỡng. Sau khi được học tập, bồi dưỡng xong, tổ chức, đánh giá lần nữa mà vẫn không đạt yêu cầu thì Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ sẽ báo cáo UBND tỉnh có hướng sắp xếp, bố trí giáo viên cho phù hợp.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm