1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Tham vấn tâm lý học đường: “Phong trào” và thiếu chuyên nghiệp

(Dân trí) - Hiện các trường học đã có phòng tham vấn tâm lý nhưng nhiều nơi chưa hiệu quả. Đặc biệt, ở trường công lập, phần lớn cán bộ tham vấn đều là giáo kiêm nhiệm, thiếu kĩ năng, kiến thức nên kết quả chưa được như mong muốn.

Tham vấn học đường: Đang là khoảng trống

Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 5 về Sức khỏe Tâm thần trẻ em Việt Nam, do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) phối hợp tổ chức từ ngày 25-26/10 tại Hà Nội, PGS. TS Trần Thành Nam (Trường ĐHKH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho hay, tỉ lệ trẻ tuổi học đường bị rối loạn lo âu hiện khoảng 20% và đang có chiều hướng gia tăng.

Lo âu lứa tuổi học đường đến từ nhiều phía như: quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu đạt được thành tích, sự tự đánh giá, áp lực đánh giá từ người khác và nhu cầu thể hiện bản thân…

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, rối loạn lo âu và trầm cảm ảnh hưởng tất cả mọi người từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và địa vị trong xã hội nhưng không mấy ai nhận thấy hoặc biết cách vượt qua.

Còn ông Phạm Trung Kiên, khoa Y Dược (ĐHQG Hà Nội) nhận xét, từ trước đến nay, chúng ta chỉ quan tâm đến bệnh chứ chưa chú ý tâm bệnh.

Trong khi đó, việc chẩn đoán tâm bệnh rất khó nên lĩnh vực sức khoẻ tâm thần bị lãng quên nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.

Về điều này, PGS. TS Nam chia sẻ thêm, mặc dù tỉ lệ trẻ em lo âu gia tăng nhưng vấn đề sức khoẻ tâm thần và tham vấn tâm lý trường học hiện vẫn đang là khoảng trống.

Cụ thể, chúng ta đã xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường, có đội ngũ giáo viên phân công vào các vị trí đó để hỗ trợ nhưng các phòng đó vẫn còn vắng vẻ, không có học sinh, sinh viên đến nhờ hỗ trợ can thiệp.

Tham vấn tâm lý học đường: “Phong trào” và thiếu chuyên nghiệp - 1

Tỉ lệ trẻ em lo âu gia tăng nhưng vấn đề sức khoẻ tâm thần và tham vấn tâm lý trường học hiện vẫn đang là khoảng trống. (Ảnh: MInh hoạ). 

Nguyên nhân một phần do thiếu nhận thức. Mặc dù nhà trường có phòng tư vấn tâm lý nhưng nhiều trường hợp học sinh ngại vì sợ bạn bè trêu ghẹo, bên cạnh đó cũng có những trường hợp học sinh khó có thể nói trực tiếp vấn đề của mình.

Thứ hai, chính bản thân giáo viên không nhận biết được các dấu hiệu tổn thương của học sinh về sức khoẻ tâm thần nên không hỗ trợ các em bằng cách cho nghỉ buổi học đó để đến phòng tham vấn học đường.

Ngoài ra, cha mẹ vẫn còn định kiến nên không thoải mái khi con phải vào các phòng tham vấn này để hỗ trợ sức khoẻ tâm thần. Chỉ khi nào đứa trẻ đó bị ảnh hưởng đến học tập hoặc các cơ quan chức năng khác mới tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng thời điểm đó đã quá muộn.

“Phong trào” và thiếu chuyên nghiệp

Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), ở Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu trẻ em từ 6-16 tuổi có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Hiện Bộ GD&ĐT đã có quy định về việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường trong các trường học nhưng mong nó có tác dụng chứ không phải kiểu “phong trào”.

"Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều người trầm cảm nhưng họ chỉ dám nhận là mất ngủ, không ăn được hoặc cảm thấy mệt mỏi nhưng bản chất có thể bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần.

Nhiều vụ tự tử gần đây cho thấy, đằng sau đó có thể họ đã bị tổn thương tâm lý dài ngày. Khoảng 80- 90% các vụ tử tự nguyên nhân do trầm cảm". 

(PGS. TS Trần Thành Nam (Trường ĐHKH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội)

“Chúng ta cũng đã có thông tư về tham vấn tâm lý trong trường học nhưng việc triển khai còn khó khăn do thiếu đội ngũ chuyên nghiệp.

Phần lớn cán bộ là giáo viên kiêm nhiệm nên khá bận rộn và thiếu thời gian và kiến thức để làm công việc này, nhất là khối trường công lập.

Mọi người ý thức được sức khoẻ tâm thần là quan trọng nhưng theo tôi, cần tiến xa hơn một bước. Chẳng hạn, cần xây dựng chiến lược để nâng cao sức khoẻ tâm thần trong trường học…”, PGS Minh nói.

Cũng theo nhận xét của PGS Minh, hiện các phòng tham vấn tâm lý học đường, nhất là khối trường công lập hoạt động chưa hiệu quả do thiếu nhân viên chuyên nghiệp.

“Tham vấn tâm lý học đường là công việc cần kĩ năng, kiến thức, cần làm toàn thời gian.

Nếu dán nhãn là học sinh hư, cách tiếp cận và hỗ trợ sẽ hoàn toàn khác so với việc em bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần. Do đó, giáo viên cần nhiều kĩ năng hơn khi giúp đỡ các em học sinh bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần và cách hỗ trợ trong trường học.

Việc chỉ có giáo viên kiêm nghiệm đảm đương như hiện nay, tôi nghĩ sẽ thiếu hiệu quả”, PGS Minh khẳng định.

Tham vấn tâm lý học đường: “Phong trào” và thiếu chuyên nghiệp - 2

Các phòng tham vấn tâm lý học đường chưa có quy trình sàng lọc định kì, chưa có hoạt động phòng ngừa mà chỉ là nơi ngồi chờ khi học sinh có chuyện xảy ra mới xử lý. (Ảnh: Minh hoạ). 

Nhận xét về điều này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, hiện nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên thiếu hiểu biết về sức khoẻ tâm thần.

Do thiếu hiểu biết như vậy nên những người hoạt động tại phòng tham vấn học đường này vẫn thiếu chuyên môn, chưa chuyên nghiệp, khiến hoạt động tham vấn học đường chưa hiệu quả như mong muốn.

Qua kinh nghiệm cá nhân trong thời gian công tác, PGS Nam cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các trường đều có phòng tham vấn học đường hoặc góc tư vấn. Nhưng nhiều trường chưa có quy trình để xử lý tình huống khi học sinh có nhu cầu.

“Họ chưa có quy trình sàng lọc định kì, chưa có hoạt động tổ chức phòng ngừa cho các cá nhân có nguy cơ mà chỉ là nơi ngồi chờ khi học sinh có chuyện xảy ra mới xử lý.

Các phòng tham vấn này chưa đảm bảo yếu tố bảo mật, chưa chuyên nghiệp. Nhiều nơi, như là góc trò chuyện nhưng trong không gian đó không thể đủ điều kiện để tư vấn.Chẳng hạn thiếu không gian riêng tư, thiếu bộ công cụ trắc nghiệm, thiếu mạng lưới kết nối bên ngoài nếu có học sinh bị nặng”, PGS Nam nói.

Mỹ Hà