Thăm trường cũ, Chủ tịch nước kể chuyện xưa khoa triết chỉ có 6 sinh viên
(Dân trí) - Về thăm trường cũ - Trường Đại học Tổng hợp TPHCM năm nào, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhớ lại ngày xưa khoa triết ông theo học chỉ có 6 sinh viên.
Sáng 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại trường cũ - Trường Đại học Tổng hợp TPHCM - nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ, dân tộc ta có truyền thống, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài, coi trọng trí thức. Ngày 20/11, Ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch nước hồi tưởng: "Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này chúng tôi đã được học tập với những cô giáo, thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các thầy cô giáo chính là tấm gương sáng, động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân ông đến từ công lao dạy bảo của các thầy cô.
"Tôi còn nhớ lúc bấy giờ khoa triết chúng tôi chỉ còn 6 sinh viên. Còn thầy cô giáo có khoảng 16-17 người đều là những người bước ra từ khói lửa chiến tranh, dành cho chúng tôi sự hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình", ông Võ Văn Thưởng nhớ lại.
Chủ tịch nước nhắc lại đầu những năm 1990, trước làn sóng muốn loại bỏ các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, nhiều sinh viên theo ngành triết học thấy lỗi thời, nhanh chóng chuyển qua ngành học khác.
Lúc đó, Đoàn trường đã dẫn dắt, tổ chức những buổi sinh hoạt câu lạc bộ lý luận trẻ, khẳng định sự cần thiết của việc học các môn lý luận chính trị trong trường đại học.
Sức mạnh của dân tộc không nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển
Chia sẻ tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, PGS.TS Ngô Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - kiến nghị Nhà nước cần có sự quan tâm kịp thời đối với các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt các ngành khoa học ở lĩnh vực xã hội.
Ngoài ra, để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, cần có chính sách tín dụng phù hợp với sinh viên.
Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Sức mạnh của một dân tộc không nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá.
Lắng nghe chia sẻ từ lãnh đạo trường, Chủ tịch nước đánh giá với hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cựu sinh viên khoa Triết học khóa 1988-1992, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM .
Thời sinh viên, ông từng là Bí thư Đoàn khoa Triết học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ. Ông cũng là một trong 60 cựu sinh viên tiêu biểu của trường theo danh sách được công bố vào năm 2017.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi gắm 4 tâm tư đến Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM:
Một là, kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của nhà trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.
Nội dung, chương trình giảng dạy và nghiên cứu phải thiết kế theo hướng giữ gìn nền tảng học thuật, tiếp cận hiện đại, thiết thực, sáng tạo, phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ hai, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Trường cần kiên trì với bộ giá trị cốt lõi là "Sáng tạo - dẫn dắt - trách nhiệm" và triết lý "Giáo dục toàn diện - khai phóng - đa văn hóa" làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Tiếp tục chú trọng hướng mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế; tạo ra nhiều kết quả trong đào tạo cán bộ, giảng viên, sinh viên cũng như trong liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học; mở rộng hợp tác nghiên cứu với các đối tác học thuật quan trọng, tiếp nhận, đối thoại, đóng góp và áp dụng những khung lý thuyết mới, phương pháp mới, cách tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phục vụ xã hội.
Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, có kỹ năng, tư duy học tập suốt đời; khơi dậy khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao; tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm.