Thăm “ngôi trường mồ côi” giữa đại ngàn

(Dân trí)-Đến thăm ngôi trường tiểu học Trung Lý II nằm nép mình sau những dãy núi cao ngút ngàn của xã nghèo nhất huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chúng tôi xót lòng khi thấy các em học sinh co ro vì lạnh nhưng hơn cả là nỗi đau của hơn 30 em có hoàn cảnh mồ côi.

Hàng chục trẻ không cha

Ngược gần 200km từ thành phố Thanh Hóa lên đến Mường Lát, để được tận mắt “mục sở thị” ngôi trường Trung Lý II, chúng tôi phải đi xe máy gần 3 tiếng trên con đường độc đạo dẫn từ tỉnh lộ 520 tới điểm trường chính ở bản Cò Cài. Ngôi trường với 372 học sinh, 1 điểm chính nằm ở bản Cò Cài, 5 điểm lẻ thuộc các bản Cánh Cổng, Pá Búa, Cá Ráng, Lìn, Tà Cóm. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Mường… Nơi này, người dân quanh năm sống trong đói nghèo, con số hộ nghèo lên đến gần 90%. Đặc biệt, cơn bão ma túy tràn về làng ít năm về trước đã cướp đi gần hết trai làng. Con lớn lên không nhớ nổi mặt cha. Cũng chính vì thế mà điểm chính của Trường Tiểu học Trung Lý II có 41 học sinh thì đến 12 học sinh mồ côi, có 1 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ là em Ngân Văn Kỳ, năm nay mới lên 8 tuổi. Các điểm lẻ tại bản Cá Ráng, Cánh Cổng, Pá Búa, Lìn, Tà Cóm cũng có hơn 20 học sinh mồ côi, phần lớn mồ côi cha.

Những ánh mắt ngây thơ của lũ trẻ, những nụ cười hiện hữu trên môi, trong giờ ra chơi, lũ trẻ náo nức nô đùa, chúng vẫn chưa đủ nhận thức để hiểu được nỗi đau của bản thân mình. Chúng quen rồi với cái đói, với cái lạnh, và bình thản khi ai đó hỏi về cha. Cậu bé Giàng A Vành, học lớp 2, ngây thơ trả lời khi được hỏi về bố mẹ: “Bố chết lâu rồi, còn mẹ thôi”.

Đường vào Trường Trung Lý II phải đi qua hàng chục con suối và dốc cao chọc trời.
 
Đường vào Trường Trung Lý II phải đi qua hàng chục con suối và dốc cao chọc trời.
Đường vào Trường Trung Lý II phải đi qua hàng chục con suối và dốc cao chọc trời.

Cô giáo Lê Thị Hương, lên đây cắm bản và gieo chữ, gắn bó hàng chục năm với núi rừng và dân bản chia sẻ: “Do trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại khó khăn, Trạm Y tế cách hơn 30km đường rừng nên khi ốm đau, bệnh tật, người dân không thể đi khám và điều trị được, chỉ biết lấy lá rừng làm thuốc và cúng ma nên người bệnh dễ dàng lây truyền và cũng chết nhanh. Học sinh ở đây đã đói cái ăn, cái mặc, con chữ lại đói thêm cả thứ tình cảm ruột thịt. Nhìn chúng ai cũng xót xa lắm”.

Thương lắm những mảnh đời

Ghé thăm ngôi nhà của hai bà cháu Ngân Văn Kỳ, một học sinh mồ côi cả cha và mẹ tại bản Cò Cài đúng vào bữa ăn trưa của hai bà cháu. Bữa cơm chỉ có duy nhất một bát xôi chấm muối trắng. Cậu bé ăn được nửa thì chạy ùa ra chan nước lã vào tiếp tục ăn ngon lành.

Nước mắt chan hòa, bà Lèn Thị Lốt, bà ngoại của Kỳ cho biết: “Bố nó chết từ khi nó mới được 3 tháng, 3 năm sau thì con ma rừng cũng bắt mẹ nó đi luôn. Từ đó nó ở với tôi, bữa đói, bữa no rồi cũng qua ngày. Khổ lắm cán bộ ơi”. Bố mẹ Kỳ chết cũng vì cơn bão AIDS tràn về, điều đau lòng là cậu bé vẫn chưa có cơ hội để xác định bản thân mình có mang căn bệnh thế kỷ lây truyền từ đấng sinh thành hay không. Không những Kỳ, mà hàng chục học sinh tại ngôi trường Trung Lý này như Lèn Thị Uyền, Lò Thị Trinh, Vàng A Dế… cũng đều chung những hoàn cảnh như thế, đa phần các cháu dù còn mẹ vẫn phải về sống với ông bà, còn mẹ thì bỏ đi biệt xứ.

Đến với khu lẻ của trường nằm tại bản Cá Ráng trong giờ ra chơi, tại đây chúng tôi được biết cũng có 10 học sinh mồ côi. Trong cái lạnh cắt da ở độ cao hàng nghìn mét giữa núi rừng heo hút, trẻ em người dân tộc Mông với đôi chân trần tím tái, váy áo mỏng manh, xuệch xoạc với những đường chỉ đứt không buồn khâu, nhiều trẻ trần truồng run bắn lên mỗi khi có cơn gió thổi qua. Tôi hỏi Giàng A Tùng, học sinh lớp 2, đang mặc một manh áo mỏng nhưng không có một chiếc khuy áo nào, mỗi lần gió thốc, manh áo lại phanh ra rằng “Cháu có lạnh không?”, cậu bé khép nép như sợ sệt không nói gì chỉ gật đầu, tôi lại hỏi “Sao không mặc áo ấm?”, cậu bé lại run run: “Bố chết rồi, mẹ cũng đi mất, ở với bà nhưng bà không có tiền mua áo”.

Những đứa trẻ trần truồng hoặc chỉ với manh áo mỏng, “chiến đấu” với cái lạnh cắt da nơi đại ngàn
 
Những đứa trẻ trần truồng hoặc chỉ với manh áo mỏng, “chiến đấu” với cái lạnh cắt da nơi đại ngàn
Những đứa trẻ trần truồng hoặc chỉ với manh áo mỏng, “chiến đấu” với cái lạnh cắt da nơi đại ngàn.

Cô giáo Nguyễn Thị Châu Anh tâm sự: “Cuộc sống đã khó khăn, bản thân những em không còn cha mẹ lại càng bi đát hơn. Học sinh ở đây quanh năm đói, được bữa cơm chan nước lã cũng đã là sang lắm rồi. Hầu hết em nào cũng chỉ một bộ quần áo mặc hết mùa nọ sang mùa kia, năm này sang năm khác. Mùa đông cũng như mùa hè, chỉ một manh áo mỏng thế thôi. Mình và một số giáo viên nữa thấy thương quá nên mỗi khi về xuôi vẫn đi xin hàng xóm quần áo cũ mang lên cho các em”.

Thầy giáo Phạm Đăng Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý II cho biết: “Hiện trường có trên 30 học sinh mồ côi, hộ nghèo của xã lên đến trên gần 90%. Đây là một ngôi trường nằm trong xã khó khăn nhất của huyện Mường Lát, vì thế học sinh theo con chữ đến cùng được thật khó. Đó là điều mà những giáo viên ở đây vô cùng trăn trở”.

Rời những điểm trường của Tiểu học Trung Lý II, nhìn những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ, những đôi chân trần tím tái, chúng tôi thấy nặng lòng với cái đói nghèo, cơ cực của người dân và hơn hết là hàng chục đứa trẻ thiếu thốn tình ruột thịt…

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm