Thái độ sinh viên quyết định việc được doanh nghiệp tuyển dụng
(Dân trí) - "Kiến thức thì có thể học được hàng ngày, kỹ năng thì có thể rèn luyện được, còn thái độ thì phải xuất phát từ chính những suy nghĩ và cố gắng trong tâm của mỗi bạn trẻ”.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch công ty cổ phần VTVCorp, Giám đốc Mạng Khởi nghiệp Việt Nam - Trưởng ban điều hành Dự án The Orientor - Người định hướng chia sẻ như thế tại tọa đàm “Người trẻ cần gì” do Trường ĐH Công nghệ TPHCM phối hợp cùng câu lạc bộ Doanh nhân và Quản trị dự án The Orientor - Người định hướng tổ chức vào ngày 5/4. Tại đây, các sinh viên cùng được lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp của các diễn giả để từ đó có được cảm hứng và định hướng cho chính mình.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi chia sẻ một câu chuyện:” 9 giờ đêm cách đây mấy năm về trước, tôi tuyển dụng vị trí nhân sự trong 30 hồ sơ. Tại vì ngày mai tôi tiếp đoàn doanh nghiệp từ Singapore qua, mình muốn bạn đó có cơ hội trải nghiệm. Tình huống 9 giờ đêm, có anh giám đốc gọi cho mình yêu cầu sáng mai phải có mặt thì như thế nào? Mình bắt máy gọi trong 10 hồ sơ, thì chỉ có bạn hiện là thư ký Dự án The Orientor trả lời mình sẽ có mặt vào ngày mai, dù bạn đã về quê. Trong số 30 ứng viên mà chúng tôi tuyển dụng đợt đó, chỉ có mỗi bạn này làm việc giỏi nhất và trụ lại cho đến ngày hôm nay. Cho nên, tôi nghĩ thái độ là cực kỳ quan trọng”.
"Kiến thức thì có thể học được hàng ngày, kỹ năng thì có thể rèn luyện được, còn thái độ thì phải xuất phát từ chính những suy nghĩ và cố gắng trong tâm của mỗi bạn trẻ”, ông Khởi nhấn mạnh.
Các sinh viên cùng được lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp của các diễn giả để từ đó có được cảm hứng và định hướng cho chính mình.
Từ câu chuyện tuyển dụng nhân sự của mình, ông Khởi gửi gắm đến các bạn trẻ rằng: Chính thái độ của người trẻ là tiêu chí để quyết định nhà tuyển dụng có lựa chọn mình hay không, chứ không phải chỉ dừng lại ở trình độ chuyên môn.
Có đến 90% sinh viên sau khi ra trường hầu như hạn chế về kỹ năng mềm. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho số lượng lớn sinh viên ra trường thất nghiệp. Thực tế, có một sự đối lập giữa hai thái cực: một bên doanh nghiệp mỏi mắt tìm kiếm nhân sự; một bên là sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, họ luôn đặt câu hỏi “Tại sao không có việc nào dành cho tôi cả?”. Vậy, doanh nghiệp không biết người trẻ cần gì hay người trẻ không biết doanh nghiệp cần gì, làm sao đôi bên có thể gặp nhau?
Ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc tungtung.vn, Giám đốc công nghệ Việt An Software cho rằng kỹ năng mềm chỉ là một yếu tố quyết định. Tuy nhiên, với góc độ đi lên từ một sinh viên, ông Tùng nhấn mạnh: “Có 2 yếu tố quan trọng đó là ước mơ và đặt mục tiêu xuất sắc. Kỹ năng mềm là một yếu tố mà các bạn trẻ tích luỹ được trong quá trình trải nghiệm khi làm việc với khách hàng hoặc các anh chị đi trước. Hầu như các sinh thiếu trải nghiệm. Chỗ tôi làm việc có một bạn sinh năm 2000, bạn rất đam mê với lập trình, thích tạo những ứng dụng công nghệ thế nhưng bạn ấy rất yếu kỹ năng mềm. Chúng tôi cố gắng để rèn kỹ năng cho em ấy và sau 4 năm thì em đã trở thành một trưởng bộ phận khảo sát và nghiên cứu ứng dụng phát triển trên mobi của team chúng tôi. Như vậy, để trở nên tốt hơn thì bạn sinh viên này đã có 4 năm trải nghiệm tích luỹ kỹ năng".
Ông Nguyễn Thanh Đàm - Tổng Giám đốc VAST Group truyền kinh nghiệm đối với sinh viên sắp tốt nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Đàm - Tổng Giám đốc VAST Group chia sẻ, đối với một sinh viên tốt nghiệp, để thành công trong một ngành, một công việc, phải nắm được ba giá trị. Ông Đàm đúc kết, "muốn trở thành một ông vua ngành, một người có giá trị trong ngành thì trước tiên mình phải hiểu ngành. Thứ hai, phải biết được cái nghề của mình có thấp bậc, thứ tự như thế nào, để biết đâu là đỉnh cao để mình tham gia vào và thứ ba, các bạn phải quay trở lại bản thân mình để xem xét mình cần rèn luyện kỹ năng nào để biến mình trở thành con người có giá trị. Khi có trong tay tấm bản đồ ngành, có trong tay các cấp bậc của nghề, có được bản đồ sử dụng cuộc đời mình thì các bạn sẽ biết được rằng ta nên trang bị điều gì, trang bị điều này nó có làm cho đích trở thành ông vua ngành hay doanh nghiệp thành công hay không”.
Lan Phương