Thách thức nhưng không làm sẽ có lỗi với thế hệ tương lai

(Dân trí) -“Chăm lo các trẻ 5 tuổi bây giờ chính là cho tương lai đất nước sau gần nửa thế kỷ nữa. Nếu bây giờ không làm thì chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ sau” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về công tác phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi.

Cũng theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 5 tuổi là một nhiệm vụ rất khó khăn vì sau 35 năm chiến tranh, đến trước năm 2010, đầu tư cho bậc học này còn rất hạn chế, trường lớp còn ít, giáo viên còn thiếu. Khả năng đến đâu là từng địa phương, Chính phủ không có mục tiêu là MN phát triển đến mức nào.
 
Thách thức nhưng không làm sẽ có lỗi với thế hệ tương lai

Chăm lo cho trẻ mầm non 5 tuổi chính là cho tương lai đất nước.

Chính vì thế khi đặt ra mục tiêu phổ cập thì có 3 cái thiếu: Thiếu trường lớp, thiếu giáo viên và thiếu kinh phí bởi duy trì một bậc học liên tuổi, đặc biệt là vùng khó khăn là Nhà nước phải tài trợ. Một khó khăn lớn nữa là sự quan tâm đến bậc học MN trong nhận thức của lãnh đạo các địa phương nói chung và ngay cả trong cộng đồng dân cư còn thấp.

Chúng ta đã làm công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS nhưng sau đó lại quyết định quay trở lại làm ở bậc MN. Vậy Phó Thủ tướng có thể giải thích vì sao chúng ta lại quyết định chọn trẻ 5 tuổi làm công tác phổ cập?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Quan tâm đến giáo dục là truyền thống của đất nước chúng ta. Ai cũng muốn con em mình học hành càng nhiều, càng sớm càng tốt. Nhưng thực tế việc học hành đòi hỏi đầu tư rất là lớn cho nên Chính phủ chúng ta từng thời kỳ đặt mục tiêu nền giáo dục tối thiểu cho trẻ như thế nào, đó chính là yêu cầu phổ cập.

Biết đọc, biết viết có trình độ hết tiểu học là điều rất giản dị nhưng chúng cũng phải mất 25 năm, từ khi giải phóng mới cho đến năm 1995 mới đạt được. Sau đó Quốc hội xác định mục tiêu là phổ cập THCS và chúng ta cũng phải mất 10 năm để đạt được vào năm 2010.

Trước khi năm 2010 kết thúc thì ngành giáo dục đã báo cáo Chính Phủ, Quốc hội là nên chọn ngành bậc học tiếp theo là gì và năm 2009 chúng ta đã quyết định bậc tiếp theo phổ cập không phải là THPT hay lên trên nữa mà quay trở lại bậc MN. Bậc học nền tảng trước khi các em bước vào lớp 1 và sau đó Quốc hội đã có Nghị Quyết phổ cập giáo dục cho trẻ MN 5 tuổi nhưng chỉ làm trong vòng có 5 năm. Đây là một yêu cầu thách thức hết sức lớn lao.

Vì sao chúng ta lại chọn độ tuổi phổ cập là 5 tuổi? Vì độ tuổi này rất quan trọng bởi các em hình thành khả năng ngôn ngữ bước vào lớp 1. Ở vùng dân tộc, miền núi thì điều này không dễ dàng bởi các em ở nhà không nói tiếng Kinh nên khi bước vào lớp 1 học rất khó khăn. Chúng ta đã chứng kiến những em học trường phổ thông dân tộc nội trú, sau 10 năm học phổ thông mà tiếng Kinh vẫn không thạo bởi vì yếu ngay từ lớp 1, không được học MN…

Cho nên thứ nhất MN 5 tuổi tạo nền tảng ngôn ngữ cho các em và thứ 2 là thói quen sinh hoạt, học tập trong tập thể để học có hiệu quả cho nên chúng ta chọn phổ cập ở độ tuổi này. Bên cạnh đó, khi học ở 5 tuổi các em được bồi dưỡng về thể lực góp phần chống suy dinh dưỡng, trạng thái phát triển về khả năng suy nghĩ rất quan trọng. Theo thống kê của các nhà khoa học, đến hết 6 tuổi thì trên 50% khả năng trí tuệ của người lớn đã được hình thành cho nên chuẩn bị cho 5 tuổi là nền tảng suốt cuộc đời các em.

Như Phó Thủ tướng đã nói ở trên thì sự cần thiết phải thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi là không thể phủ nhận. Tuy nhiên để làm được công tác này chúng ta cần một đội ngũ giáo viên rất lớn nhưng chính sánh dành cho những đối tượng này còn nhiều bất cập. Vậy thời gian tới chúng ta sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?

Trước hết phải nói chính sách Nhà nước đối với giáo viên nói chung (trong đó có GV mầm non) thì những năm qua đã có cải thiện từng bước thông qua cái nâng lương của cán bộ công chức, thông qua phụ cấp thâm niên. Đối với MN thì trước kia do chưa đặt ra mục tiêu phổ cập, nên các địa phương chỉ tuyển dụng theo khả năng tài chính của mình thôi cho nên không có đủ. Bên cạnh đó một số GV mầm non yêu nghề nhưng do nhu cầu tuyển dụng thì ít nên cũng chấp nhận mức thu nhập thấp để công tác.

Về mặt nhà nước thì đã có những thay đổi căn bản, cùng với đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi thì cũng đã khẳng định: đã là GV mầm non đạt chuẩn về sư phạm được hợp đồng với nhà trường thì hưởng chế độ như những GV tuyển dụng công chức trước kia (hưởng lương theo ngạch bậc như các bậc học khác - PV). Đây là một quyết định rất quan trọng.
 
Thách thức nhưng không làm sẽ có lỗi với thế hệ tương lai

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cô và trò Trường mầm non Sơn Ca (huyện Kỳ Sơn - Hòa Bình) hôm 13/3/2012.

Như chúng ta đã biết, trong hai năm thực hiện thì cả nước đã chuyển hơn 3.5000 trường bán công thành công lập, có nghĩa là những GV này chuyển vào hệ thống nhà nước. Tuy nhiên phần chi trả cho giáo dục phổ thông nằm ở ngân sách địa phương nên khi lượng GV MN tăng vọt như vậy thì có những địa phương làm tốt thì áp dụng 100% cơ chế nhưng có nơi thì hạn chế hơn. Chẳng hạn như ở Hòa Bình, những GV tuyển dụng sau này bổ sung thì được trả lương như những GV trước nhưng phụ cấp đứng lớp thì chưa có do ngân sách cân đối chưa được. Vấn đề này thì thời gian tới từng địa phương tiếp tục phải làm tốt hơn. Khi chúng ta coi đây là ưu tiên thì phải gắn liền với cả kinh phí.

Còn về chính sách nhà nước đã không còn đặc biệt gì nữa rồi. Hiện nay Chính phủ và Trung ương đang bàn vấn đề cải cách tiền lương, qua đó chế độ tiền lương của GV nói chung và mầm non nói riêng chắc chắn sẽ được cải thiện.

Một vấn đề đặt ra, ở các thành phố lớn tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở đâu đó dẫn đến khi ưu tiên nhận trẻ MN 5 tuổi thì dẫn đến hiện tượng trẻ ở độ tuổi dưới lại bị ảnh hưởng. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, hệ thống trường MN trước năm 2010 là không đủ. Do vậy, Chính phủ không đặt mục tiêu 2012 phổ cập MN cả nước. Ngay cả Hà Nội cũng không đạt được yêu cầu và cũng không thể phổ cập vào năm 2012 mà phải xa hơn chính là ở chỗ yêu cầu tăng số trẻ học MN 5 tuổi nhưng không được giảm số 3-4 tuổi, không giảm quy mô. Có giai đoạn thôi, có địa phương thì ưu tiên nhận trẻ MN 5 tuổi nhưng tăng nhanh quá nên đã hạn chế số kia. Điều đó chúng tôi biết và sau đó một số địa phương có điều chỉnh lại, chúng ta không nên quá sốt ruột như vậy.

Bài học ở Hòa Bình, một tỉnh có thu nhập tương đối thấp của cả nước, hơn 60% là người đồng bào dân tộc nhưng với quyết tâm chính trị của địa phương của nhiều năm nay thì cũng đặt mục tiêu có 2 năm là phổ cập xong GDMN trẻ 5 tuổi. Điều đó có nghĩa không phải chỉ có tiền là duy nhất mà trước hết là thái độ, quyết tâm chính trị. Chúng tôi cho rằng Hòa Bình là một điển hình, khi đã có quyết tâm thì dồn ngân sách để làm việc này.

Thưa Phó Thủ tướng, hiện nay công tác xây dựng trường MN ở các khu công nghiệp còn rất nhiều bất cập trong khi nhu cầu thì lại cấp bách. Vậy có nên hình thành một đề án riêng về giáo dục MN cho các "điểm nóng" này không?

Chúng ta thấy có những điển hình tốt về GDMN nhưng mặt khác cũng có nơi như Đồng Nai, Bình Dương - có tỷ lệ khu công nghiệp lớn, dân nhập cư đông nên rất thiếu trường lớp.

Theo tôi giải pháp này không nằm ở Chính phủ mà ở các địa phương vì: Nơi phát triển khu công nghiệp cao thì có nguồn thu dồi dào, nguồn thu thuế tăng, quỹ đất cũng dồi dào. Đó là nguồn lực tại chỗ, không cần Chính phủ phải hỗ trợ. Các địa điểm này dân nhập cư cao. Nếu quan niệm phát triển kinh tế mà không tính đến chỗ ở của công nhân, nơi học tập của con em công nhân là không được. Lâu nay chúng ta chưa gắn chặt chẽ quy hoạch phát triển kinh tế với quy hoạch dân cư, quy hoạch phát triển giáo dục.

Việc thực hiện đồng bộ quy hoạch kinh tế, quy hoạch dân cư và quy hoạch giáo dục thuộc thẩm quyền địa phương và có thể làm được. Ở những địa phương này thì đất đai không phải là khó như thành phố, là nơi còn đất chính vì thế nếu làm tốt có thể có hiệu quả.

Tuy nhiên sau khi sơ kết 2 năm phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi Chính phủ sẽ ngồi làm việc riêng với những địa phương có nhiều khu công nghiệp có vấn đề này cùng bàn bạc để có lộ trình. Rõ ràng cần một giải pháp đồng bộ hơn kể cả nhà ở cho công nhân lẫn trường học cho con em họ.

Lộ trình thực hiện đề án chỉ còn 3 năm nữa. Vậy trong thời gian tới chúng ta sẽ tập trung vào những vấn đề nào? Ngoài ra vấn đề kinh phí thì liệu Chính phủ có hỗ trợ thêm cho các địa phương để thực hiện đề án khi mà nền kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn?

Qua hai năm thực hiện, chúng ta thấy so với trường có một số tiền đề mới. Một là các địa phương sau một thời gian làm thì biết tài chính thực tế để thực hiện, trước kia chúng ta mới chỉ lập kế hoạch. Chẳng hạn như hiện nay cả nước chỉ mới có 50% trường học là kiên cố hóa, bài toán còn lại sắp tới là rất nặng nề.

Thứ hai là sau hai năm triển khai thực hiện thì đã xuất hiện địa phương điển hình. Có 10 địa phương đăng ký hoàn thành vào năm 2012 thì giả sử chỉ có 6-7 đơn vị đạt được mà có 3-4 là vùng cao, vùng khó thì chúng ta có bài học. Như vậy sau tổng kết thì chúng ta phải phổ biến những kinh nghiệm, bài học các địa phương vốn là khó khăn làm được.

Thứ 3 là Bộ GD-ĐT cần phải bám sát cơ sở hơn nữa để từng địa phương làm lại lộ trình. Với bài học các nơi đã làm tốt, với những tính toán chi phí chính xác hơn thì chúng ta phải thiết kế bước đi như thế nào để đạt được mục tiêu phổ cập vào năm 2015. Không nhất thiết phải chạy sớm.

Chúng tôi cũng cho rằng, thời gian tới cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xã hội ủng hộ cách làm qua đó sẽ thu hút được tài trợ. Vừa qua chúng ta được rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ về xóa đói giảm nghèo, nhưng đến lúc nào đó thì địa chỉ sẽ cụ thể hơn nữa để giúp các cháu 5 tuổi này có được năng lực công dân bước vào đời. Nghĩa là chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa.

Về chính sách thì Chính phủ đã ban hành một quyết định liên quan đến các chính sách phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2011. Chúng tôi cho rằng sau khoảng 2 năm sẽ xem xét lại. Ví dụ đến năm 2013-2014 nếu cần thiết thì chúng ta bổ sung tiếp tục.

Với kết quả như vậy thì chúng ta sẽ có điều kiện để làm tốt hơn nhưng không chủ quan. Những nơi khó khăn thì cần phải suy nghĩ sâu hơn nữa, có giải pháp kỹ thì chúng ta vẫn đạt được mục tiêu phổ cập vào năm 2015.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Nguyễn Hùng (thực hiện)