Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đã có nhiều khởi sắc

(Dân trí) - Chỉ sau 2 năm triển khai Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, bậc học này đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn cần có sự tháo gỡ.

Hôm 15/3, hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành về sơ kết hai năm thực hiện quyết định 239/QĐ-TTg đã được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng với các Bộ/ngành liên quan.

2 năm và những con số ấn tượng

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau hai năm thực hiện quyết định 239/QĐ-TTg thì mạng lưới trường lớp mầm non (MN) được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư quận - huyện, xã, phường, thôn, bản đáp ứng phần lớn nhu cầu phổ cập và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tỷ lệ trẻ em đến trường tăng so với năm học trước.

Trong hai năm, cả nước đã chuyển 3.473/4.440 trường bán công sang công lập. Hiện có 33/42 địa phương đã được phê duyệt đề án chuyển đổi loại hình này (có 21 tỉnh không thuộc loại hình trường bán công nên không chuyển đổi - PV).
 
Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đã có nhiều khởi sắc

 Hội nghi sơ kết được kết nối trực tuyến với các tỉnh thành để cùng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như khó khăn. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cùng với quá trình chuyển đổi các trường MN từ bán công sang công lập, các địa phương đã có lộ trình tuyển dụng giáo viên (GV) vào biên chế, hỗ trợ lương cho GV MN ngoài biên chế để từng bước đảm bảo chế độ chính sách cho GV MN theo quy định hiện hành. Tính đến tháng 2/2012, các địa phương đã đưa hơn 24.000 GV vào biên chế (theo kế hoạch cả nước sẽ tuyển dụng 33.984 GV MN vào biên chế để thực hiện phổ cập và phát triển GDMN). Bên cạnh đó cũng đã có 111.496 GV được trả theo bảng lương và nâng lương theo định kỳ, giải quyết chế độ lần cho trên 6.000 GV MN cao tuổi.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, tính đến cuối năm 2011, toàn quốc có 12.976 trường MN trong đó có 9.742 trường công lập, 1.798 trường bán công, 316 trường MN dân lập và 1.120 trường MN tư thục, tăng 610 trường so với hai năm trước. Đã huy động được 3.966.980 trẻ mầm non MN, tăng 158.782 trẻ so với hai năm trước. Trong đó nhà trẻ chiếm 21,5% so với trẻ trong độ tuổi, mẫu giáo chiềm 82,5%. Đặc biệt, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường là hơn 1,33 triệu trẻ, chiếm tỷ lệ 98,6% so với trẻ trong độ tuổi, tăng 12.573 trẻ so với trước khi có quyết định phổ cập.

Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước đã có 11.480 trường (chiếm 88%) thực hiện chương trình GDMN mới với hơn 3,1 triệu cháu, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học hai buổi/ngày đạt 78,4%. Có 12.378 trường MN có ứng dụng CNTT đạt 95,5%. Toàn quốc đã trang bị hơn 54.000 máy tính cho các trường MN, bình quân 3,87 máy/trường. Có đến hơn 11.000 trường MN đã nối mạng Internet, đạt tỷ lệ hơn 90%. Theo tổng hợp báo cáo của 60 tỉnh/thành phố thì tổng kinh phí đầu tư cho GDMN trong 2 năm là hơn 13.000 tỷ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, việc đạt được những con số ấn tượng trên là do chủ trương phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi được ban hành kịp thời, đúng lúc, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, sự vào cuộc kịp thời của các Bộ, ngành. Ngoài ra cũng có sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Quan trọng hơn cả đó là sự cố gắng, kế thừa thành quả và kinh nghiệm phổ cập tiểu học, THCS của đội ngũ cán bộ quản lý, GV MN và truyền thống hiếu học của dân tộc.

Còn đó những thách thức…

Mặc dù giáo dục MN đã có bước tiến rõ rệt sau hai năm triển khai nhưng hiện vẫn còn nhiều tỉnh còn gặp bộn bề khó khăn. Tại hội nghị sơ kết, ông Lê Văn Quý, giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cho biết: “Tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển GV cắm bản. Ở các vùng thuận lợi, GV MN đã đủ nhưng ở các vùng sâu vùng xa, GV lên được một thời gian là lại về do nhà ở khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh đang thiếu rất nhiều GV cắm bản. Giải pháp mà Điện Biên đưa ra đó là hàng năm, tuyển những giáo sinh là người sinh sống tại các bản đưa đi đào tạo. Đội ngũ này sẽ bổ sung vào đội ngũ GV còn thiếu hiện nay. Chưa dừng lại ở đó, việc thiếu cơ sở vật cũng đang khiến Điện Biên gặp nhiều khó khăn trong việc phổ cập MN 5 tuổi. Hiện tại Biện Biên có trên 50% phòng học MN là tạm và nhờ. Song song với phòng học thiếu thì nhà công vụ cũng rất thiếu”.
 
Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đã có nhiều khởi sắc

Không chỉ ở vùng cao mà ngay cả ở các thành phố lớn công tác phổ cập GDMN vẫn còn khá nhiều gian nan.

Cũng theo ông Quý, nếu có chương trình gì về kiên cố hóa trường MN cho các địa phương vùng cao, vùng khó thì Chính phủ cần đưa mục tiêu xây dựng nhà công vụ cho GV lên hàng đầu. Bởi nếu GV lên mà không có chỗ ở, nhất là những GV mới lên không quen với điều kiện sống thì dễ quay trở về và chắc chắn địa phương sẽ rất khó để tuyển dụng được.

Đồng cảm với sự khó khăn của Điện Biên, đại diện Sở GD-ĐT nhiều địa phương khác cũng lên tiếng: “Vẫn biết là việc phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là trách của địa phương nhưng đối với các tỉnh vùng khó ngân sách hạn hẹp thì không thể “xoay sở” được. Chính vì thế Chính phủ cần phải quan tâm và hỗ trợ chi phí nhiều hơn để có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra”.

Được đánh giá là một trong những vùng có nhiều thuận lợi nhất cả nước, nhưng TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc sở GD-ĐT TPHCM, cho hay thành phố dành 2.700 tỷ đồng để thực hiện đề án này. Trong đó, xây dựng cơ sở vật chất là 2.500 tỷ đồng. Các quận, huyện của thành phố đang hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi. Tuy nhiên thành phố hiện còn 13 phường xã chưa tìm được quỹ đất để xây dựng trường MN. Để giải quyết hiện trạng này, bà Thanh kiến nghị: “Đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép thành phố được xây dựng các trường MN liên phường”.

Trước kiến nghị của TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định đây là cách làm mà địa phương có thể chủ động. Hiện không có rào cản nào để TPHCM thực hiện vấn đề này. Nếu có vấn đề gì mà liên quan đến hệ thống ban hành văn bản thì Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các vụ chức năng rà soát để ủng hộ TPHCM.

Quyết tâm nhưng không chạy theo thành tích

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, những địa phương hiện đang làm tốt là do có “3 quyết tâm và 3 kế hoạch”. Phải là quyết tâm của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã và có 3 kế hoạch triển khai 3 cấp này. Nếu không đủ 3 cấp này thì xuống dưới tắc hẳn. Vì MN về mặt nguyên tắc không phải trách nhiệm của cấp tỉnh và huyện mà là của xã, nhưng lực của xã thì lại không đủ mạnh.

Bên cạnh đó cần phải thực hiện “3 đồng bộ”: Đồng bộ cơ sở vật chất, đồng bộ với GV và chính sách cho người đi học (chế độ ăn trưa của trẻ). Thường xuyên phải kiểm tra định kỳ và trao đổi kinh nghiệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, hiện tại cả nước còn nhiều tỉnh không có xã đạt chuẩn GDMN trẻ 5 tuổi. Như vậy sau hai năm triển khai, ở những tỉnh này không hề có mô hình một xã đạt chuẩn nào cả. Nếu theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 2/2012 thì có đến 34/63 tỉnh thành chưa có xã nào đạt chuẩn GDMN trẻ 5 tuổi. Đây là một vấn đề thách thức. Chính vì thế sắp tới Chính phủ sẽ đặt mục tiêu trong năm 2012 mỗi tỉnh phải có ít nhất 1% số xã đạt chuẩn để làm mô hình.
 
Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đã có nhiều khởi sắc

Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ quan trọng nhưng cần phải đảm bảo chất lượng.

Cũng tại hội nghị sơ kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã rà soát lại kế hoạch đăng ký thực hiện phổ cập của các địa phương và đưa ra những lời đề nghị nên xem lại mốc thời gian “cán đích”.

Phó Thủ tướng phân tích: Ở các tỉnh Miền đông Nam Bộ thì Đồng Nai và Bình Dương là hai đơn vị có kinh tế công nghiệp rất phát triển lại đăng ký phổ cập vào năm 2015. Đây là những địa phương mà có các khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, có nguồn thu về kinh tế nên đề nghị báo cáo lại UBND tỉnh để xem lại.

“Giữa đăng ký ban đâu và những gì chúng ta đã làm hai năm có kết quả nhất định thì cần phải rà soát lại” - Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương.

Liên quan đến việc 10 địa phương đăng ký phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị với Bộ GD-ĐT làm việc với 9 tỉnh còn lại (Hòa Bình đã được kiểm tra, đánh giá - PV) để xác định coi tiến độ thực hiện như thế nào đễ hỗ trợ làm quyết liệt.

“Tỉnh nào có điều kiện thì động viên làm cho tốt, tỉnh nào không được chúng ta lùi sang năm sau. Không vì do phải đăng ký mà phải buộc vào đây. Bộ GD-ĐT cần phải làm việc này trước ngày 30/5 để đến đầu năm học mới chúng ta biết con số sẽ như thế nào” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm