Thạc sĩ báo chí 9X tại Anh nói về sốc văn hóa

(Dân trí) - Tốt nghiệp cử nhân, Phan Thanh Tùng (sinh năm 1992) xuất sắc giành học bổng thạc sĩ toàn phần Chevening danh giá của Bộ Ngoại giao Anh niên khóa 2017-2018. Theo Tùng, du học một năm không hẳn sẽ “dễ thở” hơn du học nhiều năm và sốc văn hóa cũng không phụ thuộc vào thời gian du học.

Đối mặt với sốc văn hóa

Trước khi theo học tại Anh, Phan Thanh Tùng đã có hơn ba năm công tác tại VTV4 (Đài truyền hình Việt Nam) ở vị trí phóng viên, biên tập viên và tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định du học để trau dồi nghiệp vụ báo chí của mình.

Thanh Tùng du học một năm Thạc sĩ ngành Báo chí Quốc tế tại Đại học Sussex - ngôi trường được xếp hạng là một trong 20 trường hàng đầu Anh Quốc và cũng thuộc top 100 trường hàng đầu thế giới (Theo Time Higher Education World University Rankings 2017 – 2018).

Phan Thanh Tùng là một trong các ứng viên xuất sắc nhận học bổng toàn phần Chevening niên khóa 2017-2018.
Phan Thanh Tùng là một trong các ứng viên xuất sắc nhận học bổng toàn phần Chevening niên khóa 2017-2018.

Một trong những điều kiện giành học bổng Chevening là các ứng viên phải nhận được thư trúng tuyển của trường đại học tại Anh. Vì thế, Thanh Tùng đã phải phấn đấu nhiều hơn và nỗ lực hết mình để hoàn thiện các bài luận bộc lộ tố chất lãnh đạo, kỹ năng báo chí và niềm đam mê với lĩnh vực này.

Tùng du học theo chương trình học bổng của Chính phủ Anh nên cũng có nhiều thuận lợi.

“Học bổng Chevening có một bộ phận chăm sóc các du học sinh Chevening nên tôi hoàn toàn yên tâm rằng luôn có một bộ phận hỗ trợ mình trong những trường hợp khó khăn.

Ngoài ra, học bổng cũng cung cấp phần lớn chi phí ăn ở sinh hoạt nên tôi không phải lo nghĩ về việc đi làm thêm hay chi tiêu quá tiết kiệm tại Anh. Tôi có thể hoàn toàn tập trung vào việc học tập và trải nghiệm văn hóa Anh”, Thanh Tùng chia sẻ.

Mặc dù vậy, như bao du học sinh khác, Thanh Tùng gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngôn ngữ.

Nam thạc sĩ 9X cho biết, trên giảng đường đại học, giảng viên nói rất dễ nghe, dễ hiểu. Nhưng khi anh giao lưu với những nhóm bạn bản xứ để hiểu trọn vẹn các cuộc hội thoại hay tham gia với họ các hoạt động là rất khó.

Một phần vì ngôn ngữ vùng miền tại Anh rất đa dạng, mặt khác do các bạn bản xứ dùng rất nhiều tiếng lóng. Hơn nữa, rào cản về văn hóa cũng khiến việc hiểu các cuộc hội thoại thông thường trở nên gian nan.

Phan Thanh Tùng (ngoài cùng bên trái) tham gia tình nguyện cùng các bạn sinh viên tại Anh.
Phan Thanh Tùng (ngoài cùng bên trái) tham gia tình nguyện cùng các bạn sinh viên tại Anh.

Khi nhắc đến sốc văn hóa – vấn đề không chỉ của riêng ai, Thanh Tùng nghĩ rằng, sốc văn hóa đối với anh là khi giáo viên và các bạn quốc tế nhắc đến những vấn đề, sự kiện hay nhân vật nổi tiếng quốc tế nhưng mình không nắm rõ.

Chẳng hạn, các bạn người Anh nói chuyện về những chương trình truyền hình nổi tiếng tại Anh như “Love Island”, “Black Mirror”, những ban nhạc Anh, địa danh tại Anh và các chính trị gia người Anh, Thanh Tùng thường gặp khó khăn và luôn phải hỏi lại.

Khi hội thoại với các sinh viên quốc gia khác, những vấn đề nóng hổi tại Trung Đông hay Châu Phi; những kiến thức về văn hoá, chính trị, xã hội cũng khiến du học sinh Việt gặp hạn chế.

Một số người nhận định rằng du học một năm sẽ “dễ thở” hơn du học nhiều năm, những va vấp cũng ít đi. Theo Thanh Tùng, du học một năm không hẳn sẽ dễ dàng hơn du học nhiều năm và sốc văn hóa cũng không phụ thuộc vào thời gian du học.

Thạc sĩ ngành báo chí tại Anh chia sẻ: “Thời gian học, chi phí và công sức bỏ ra khi du học một năm sẽ ít hơn. Tuy nhiên, chỉ có một năm nên lượng kiến thức dồn vào khá nặng và vô cùng áp lực. Có giai đoạn sinh viên phải dành cả tuần “ăn, ngủ” tại thư viện để hoàn thành bài tập.

Về việc “va vấp” thì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người học. Sẽ có những người học ba, bốn năm nhưng sự va chạm lại hạn chế. Có những bạn năng nổ và chịu khó học hỏi, giao lưu, trải nghiệm thì trong vòng một năm cũng đủ để bạn ấy tích lũy kinh nghiệm làm bàn đạp trong tương lai”.

Khám phá nền báo chí Anh quốc

Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đi đầu về truyền hình và báo chí với những cơ quan nổi tiếng như BBC, Sky News, The Guardian hay Reuters. Không chỉ vậy, “xứ sở sương mù”cũng là một trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và chính trị hàng đầu của thế giới, vì thế, thị trường báo chí truyền thông tại đây vô cùng nhộn nhịp.

Chàng trai 9X chọn học thạc sĩ ở ngôi trường danh tiếng Sussex với mục tiêu xây dựng nền tảng kiến thức thật vững về lĩnh vực mà anh đam mê.

Thanh Tùng chia sẻ: “Người Anh vẫn luôn nổi tiếng với sự hài hước độc đáo và đặc biệt là giọng văn mỉa mai châm biếm. Người Anh rất thích chơi chữ trong văn phong báo chí và những nhà báo Anh thực sự là bậc thầy về ngôn ngữ”.

Phan Thanh Tùng khi còn công tác tại Đài truyền hình Việt Nam.
Phan Thanh Tùng khi còn công tác tại Đài truyền hình Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Thanh Tùng, các cơ quan báo chí tại Anh giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực “Breaking news”(Tin mới nhất, tin nóng hổi). Sky News có thể chạy liên tục chương trình về “Breaking News” suốt 24 tiếng mà không gây nhàm chán cho người xem.

“Tôi đã theo dõi Sky News đưa tin về sự kiện đánh bom tại Manchester vào 22/5/2017 và thực sự ngưỡng mộ cách họ tổ chức “breaking news”. Tại Việt Nam, “breaking news” ngày càng phổ biến với sự vào cuộc năng nổ của các cơ quan báo chí và mạng xã hội.

Tôi hi vọng sẽ sớm được áp dụng những kinh nghiệm tích lũy tại Anh, những bài học về văn hóa và cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt để triển khai những chương trình “breaking news”, sáng tạo các sản phẩm báo chí”, Thanh Tùng nói thêm.

“Quá trình du học không phải dễ dàng với các sinh viên nhưng bù lại bạn sẽ có những trải nghiệm vô giá mà không phải ai cũng có cơ hội đi qua. Người Tây có câu “work hard, play hard” – tạm dịch là “làm hết mình, chơi hết mình.

Trong thời gian một năm ngắn ngủi tại Anh, tôi cố gắng không lãng phí một ngày nào, chuyên tâm học tập nhưng cũng đi chơi, đi du lịch, giao lưu và trải nghiệm hết mình. Khi trở về nước, tôi càng trân trọng những khoảnh khắc đó – những trải nghiệm đã giúp tôi trưởng thành và mạnh mẽ hơn”, ”, Phan Thành Tùng tâm sự.

Hồng Vân

Ảnh: NVCC