Thạc sĩ 9X Việt giành học bổng tiến sĩ toàn phần ở Tây Âu
(Dân trí) - Thạc sĩ Châu Luân (sinh năm 1996) vừa giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Antwerp - một trong những đại học có chất lượng giáo dục và nghiên cứu đứng hàng đầu tại Bỉ và Châu Âu.
Châu Luân đến từ TP. Hồ Chí Minh, tốt nghiệp cử nhân loại giỏi chuyên ngành Ngôn ngữ Anh – Khoa Ngoại ngữ - Đại học Tôn Đức Thắng. Luân từng đạt giải Ba cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh năm 2013; Giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh năm 2014. Chàng trai đạt điểm IELTS 8.0 (2017) và TOEIC 970 (2018).
Vốn dĩ là học sinh chuyên ngữ từ hồi còn là học sinh trung học, sở thích của Luân là đọc về các tác phẩm văn học và tiểu thuyết bằng tiếng Anh.
Mong muốn được khám phá về nhiều nền văn hoá khác nhau thôi thúc Luân hành động. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định du học bậc thạc sĩ tại Châu Âu và tiếp nối bậc học tiến sĩ để có cơ hội ngắm nhìn thế giới rộng lớn và trải nghiệm cuộc sống học tập, làm việc ở những quốc gia khác nhau.
Chàng trai Việt theo học Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy và lấy bằng thạc sĩ Triết học về Ngôn ngữ học Tâm lý và Tiếp thu ngôn ngữ. Đây một chuyên ngành khó, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng tự nghiên cứu và tự học ngoài các giờ lên lớp.
“Xuyên suốt chương trình, các vấn đề về Ngôn ngữ học và Tâm lý nổi bật nhất trong thế kỷ thứ 21 được nêu ra và thảo luận trong các lớp học.
Các đề tài mình quan tâm bao gồm: sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ ở trẻ em, quá trình học đọc và đánh vần ở học sinh tiểu học, các rối loạn về ngôn ngữ như bệnh tự kỷ, và sự tiếp nhận một ngôn ngữ thứ hai.
Ngoài các bài giảng trên lớp, trường đại học còn tổ chức cả buổi hội thảo để sinh viên có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia trong ngành”, Luân chia sẻ.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy còn có một phòng thí nghiệm tâm lý - ngôn ngữ rất lớn. Sinh viên có thể tiến hành làm thí nghiệm và thu nhập dữ liệu tại nơi đây. Ngoài giờ các giờ lên lớp, Luân rất thích tình nguyện tham gia vào các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm để học hỏi thêm kinh nghiệm nghiên cứu.
Ngay sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Na Uy, chàng trai Việt tiếp tục hành trình ứng tuyển bậc tiến sĩ. Luân chọn nộp đơn vào Đại học Antwerp - một trong những đại học có chất lượng giáo dục và nghiên cứu đứng hàng đầu tại Bỉ và Châu Âu.
Cùng với nhiều trường đại học khác, đại học Antwerp là một trong nhiều trường đại học chào đón mọi sinh viên và nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia khác nhau không phân biệt tiếng nói và sắc tộc.
Điều đặc biệt, trường đại học Antwerp cấp rất nhiều học bổng và quỹ hỗ trợ cho sinh viên đến từ các nước đang phát triển.
Nhận học bổng toàn phần của ngôi trường mơ ước, Châu Luân sẽ đuổi tại bậc học tiến sĩ là chuyên ngành Ngôn ngữ học Nhận thức – nghiên cứu về cách não bộ xử lý ngôn ngữ và thông tin. Chuyên ngành này hiện đang và sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm trong các thập kỷ sắp đến.
“Bỉ luôn là quốc gia yêu thích của mình vì sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ nơi đây. Tại Bỉ, có đến ba ngôn ngữ chính được sử dụng đó chính là tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, và tiếng Đức.
Chính vì sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ này, vương quốc Bỉ chào đón mọi du học sinh và người nhập cư đến từ nhiều vùng miền và các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Đây cũng là nơi có nhiều trung tâm hành chính quan trọng của khối Liên minh Châu Âu (ví dụ như trụ sở chính của Hội đồng Liên minh Châu Âu) và nhiều tổ chức giáo dục lớn khác trên thế giới (EARLI). Do vậy, du học tại vương quốc Bỉ giúp mình có cơ hội gặp gỡ và làm việc với các chuyên gia đến từ nhiều nước.
Bỉ giáp biên giới với rất nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Pháp, Đức, Hà Lan, và Luxembourg. Việc di chuyển và đi lại vô cùng thuận tiện cho những bạn nào có sở thích du lịch, viết blog, và nhiếp ảnh giống mình. Vì yếu tố về văn hoá và địa lí, Bỉ là địa điểm lý tưởng cho nhiều du học sinh”, Châu Luân nói về lý do chọn du học Bỉ.
Để là ứng viên sáng giá nhất, điểm GPA cao vẫn chưa đủ
Theo thạc sĩ Châu Luân, nộp đơn cho một chương trình tiến sĩ ở Châu Âu là một quá trình tốn rất nhiều thời gian và công sức. Luân đã ấp ủ dự dịnh theo đuổi con đường nghiên cứu ngay từ những buổi đầu tiên trên giảng đường đại học.
Trong thời gian viết luận văn thạc sĩ, Luân theo dõi và ứng tuyển rất nhiều vị trí tiến sĩ, bao gồm ở Na Uy và cả những quốc gia khác. Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải đó chính là thuyết phục hội đồng xét học bổng để cho họ thấy rằng mình là ứng cử viên sáng giá nhất.
Trong quá trình nộp, có nhiều giáo sư hứng thú với đề xuất nghiên cứu của 9X Việt nhưng đề xuất đó lại không đủ sức thuyết phục hội đồng cấp học bổng.
Trước khi nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần từ Đại học Antwerp của Bỉ, Châu Luân đã gặp phải hai lần từ chối từ các đại học khác.
“Do trong mùa dịch Covid-19, số lượng học bổng tiến sĩ cũng trở nên khan hiếm hơn vì các phòng thí nghiệm đều đóng cửa, nên nhu cầu tuyển nghiên cứu sinh của các trường đại học cũng giảm đáng kể.
Thật sự, mình đã từng nghĩ Đại học Antwerp – Bỉ là trường đại học cuối cùng mình sẽ nộp. Điều may mắn là mình lại thành công vào nỗ lực phút chót”, Luân tâm sự.
Luân cho hay, việc chinh phục học bổng thạc sĩ và tiến sĩ có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều sự khác biệt lớn. Nhìn chung, các ứng cử viên đều phải nỗ lực rất nhiều khi muốn chinh phục học bổng ở hai bậc học.
Tuy nhiên, các vị trí học bổng tiến sĩ vừa là một cơ hội học hỏi kinh nghiệm vừa là một cơ hội nghề nghiệp cho những nhà nghiên cứu tiềm năng, nên mức độ cạnh tranh rất cao.
Chính vì vậy, hội đồng tuyển sinh bậc tiến sĩ không những muốn tìm được một người sinh viên có khả năng làm việc độc lập đồng thời mà còn là một cộng sự họ có thể tin tưởng để hợp tác trong suốt 3 đến 4 năm. Đồng thời, ứng cử viên phải thuyết phục được hội đồng tuyển sinh đầu tư vào dự án nghiên cứu của mình.
Bài luận gửi hội đồng tuyển sinh là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình nộp học bổng tiến sĩ. Ở một vị trí tiến sĩ có thể có rất nhiều ứng cử viên muốn ứng tuyển vào cùng một vị trí, nhưng Hội đồng tuyển sinh chỉ có thể chọn một ứng cử viên phù hợp nhất trong hàng chục các hồ sơ.
Chính vì vậy, Luân đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào bài luận để cho hội đồng tuyển sinh hiểu được nguyện vọng và những giá trị mình sẽ mang lại cho trường đại học của họ.
“Trong cuộc phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh ĐH Antwerp, mình có 10 phút để trình bày đề xuất khoa học của mình đến các giáo sư trong Hội đồng tuyển sinh. Sau đó, họ đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung mình vừa trình bày.
Một số giáo sư đặt câu hỏi xoáy sâu vào các lỗ hổng và những mặt còn hạn chế trong đề tài để thử thách khả năng ứng phó theo hoàn cảnh của mình.
Tiếp nữa, hội đồng bắt đầu tập trung hỏi những vấn đề cá nhân hơn về mình, ví dụ động lực khiến mình muốn học tiếp tiến sĩ, dự định trong tương lai của mình, và một số vấn đề khác liên quan quan điểm của mình về nghiên cứu khoa học. Buổi phỏng vấn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ”, chàng trai chia sẻ.
Châu Luân cộng tác nghiên cứu khoa học với rất nhiều giáo sư, nhưng giáo sư hiểu rõ anh nhất chính là cô giáo sư đã hướng dẫn đề tài luận văn của anh.
Luân kể, giáo sư là một người cực kỳ bận rộn vì cô có nhiều công trình khoa học và thường xuyên đi dự hội nghị ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, đa phần anh làm việc độc lập và chủ động báo cáo tiến độ cũng như kết quả với cô.
Trong những lần có quỹ nghiên cứu và hội nghị khoa học, cô cũng là người hay viết thư giới thiệu anh. Tuy nhiên, các lá thư giới thiệu viết về Châu Luân luôn được gửi thẳng cho các hội đồng tuyển sinh, nên Luân chưa bao giờ đọc những lá thư này.
“Mình nghĩ rằng trong mắt cô, mình là một sinh viên có khả năng làm việc độc lập và xem khó khăn là một cơ hội để giúp mình vượt qua những giới hạn của bản thân”, Luân nói.
Dành lời khuyên đến các bạn trẻ cũng muốn giành học bổng du học thạc sĩ/ tiến sĩ ở nước ngoài, Châu Luân nhấn mạnh “Điểm GPA cao vẫn chưa đủ!”.
“Để có được một suất học bổng du học như mong muốn, các bạn hãy tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá. Nếu có cơ hội, các bạn làm các công việc tình nguyện ở địa phương, trong xã hội, và các tổ chức quốc tế.
Việc tham gia vào các hoạt động xã hội và công việc tình nguyện không những rất có lợi cho hồ sơ xin học bổng của bạn mà còn giúp cho các bạn hiểu rõ đam mê của mình. Các hội đồng tuyển sinh rất đánh giá cao các ứng viên có trách nhiệm với cộng đồng của mình”, anh lưu ý.
Thạc sĩ 9X tâm sự, đam mê của anh là nghiên cứu khoa học vì khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện và phát triển đời sống và xã hội.
Cách đây vài thập kỷ trước, người ta đã từng nghĩ rằng vật nặng không thể bay được. Ngày nay, chúng ta có những chiếc máy bay Boeing nặng hàng trăm tấn vẫn có thể bay với tốc độ hàng trăm cây số một giờ.
Luân cảm thấy hạnh phúc khi vừa được tìm tòi, học hỏi nhiều điều mới, vừa được cống hiến và góp phần giúp xã hội phát triển.
Anh cũng có niềm đam mê giảng dạy, mong muốn truyền được cảm hứng và niềm đam mê khoa học cho các bạn thế hệ sau.
“Trong thời gian tới, mình sẽ tích luỹ kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy để có để trở thành một giáo sư tâm lý học & ngôn ngữ học trong tương lai gần.
Các lĩnh vực nghiên cứu mình hiện quan tâm bao gồm nhận thức ngôn ngữ và việc học đọc đánh vần ở trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ và các trẻ gặp khó khăn trong việc học đọc.
Đồng thời, mình cũng quan tâm đến việc giúp du học sinh phải đọc và viết các tài liệu khoa học bằng tiếng Anh – một điều vốn dĩ không dễ dàng cho các du học sinh vừa mới sang.
Hi vọng, trong tương lai gần, mình sẽ có dịp được tiếp tục chia sẻ với các bạn du học sinh và các bạn có nguyện vọng du học về những trải nghiệm trong nghiên cứu khoa học của mình”, thạc sĩ Châu Luân chia sẻ.