Thả lỏng hệ ngoài chính quy

Việc xác định chỉ tiêu hệ ngoài chính quy không dựa trên các nguyên tắc bảo đảm chất lượng giáo dục. Do đó, các trường vô tư tuyển vượt chỉ tiêu và liên kết đào tạo tràn lan.

Lâu nay, hệ ngoài chính quy (bao gồm hệ liên thông, vừa làm vừa học - VLVH, văn bằng 2) được xem như “nồi cơm” của các trường ĐH. Việc giám sát tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng của hệ ngoài chính quy không được chú trọng nên các trường ra sức tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sinh không cần xin phép.

Tuyển vượt gần 100%

Theo kết luận thanh tra hành chính Trường ĐH Sư phạm TP HCM do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngày 26-5, Trường ĐH Sư phạm TP HCM liên tục có nhiều sai phạm về công tác tuyển sinh hệ VLVH từ năm 2012-2014. Cụ thể, trường đã liên kết với 21 trường ĐH, CĐ để tuyển sinh và đào tạo gần 8.000 sinh viên hệ VLVH khi chưa được bộ cấp phép. Trong đó, năm 2012, trường tuyển 2.492 sinh viên; năm 2013 trường tuyển 2.710 sinh viên và năm 2014 là 2.620 sinh viên.

Điều đáng nói, năm 2012, trường đã tuyển vượt tới 92,2% so với chỉ tiêu được giao. Năm 2013, trường không xác định chỉ tiêu và không có thông báo giao chỉ tiêu của bộ nhưng vẫn tuyển 1.190 sinh viên ở hình thức liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), CĐ lên ĐH và văn bằng 2 hệ VLVH. Năm 2014, trường cũng không xác định chỉ tiêu và không có thông báo giao chỉ tiêu của bộ nhưng vẫn tuyển 629 sinh viên. Thời gian đào tạo hệ VLVH bằng với thời gian đào tạo hệ chính quy là không đúng quy định.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Thanh tra Chính phủ tháng 3-2015 có kết luận thanh tra tổ chức bộ máy nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, tài chính, công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Trường ĐH Mở TP HCM giai đoạn 2010-2012, trong đó hệ ngoài chính quy của trường có nhiều sai phạm. Đối với hệ đào tạo VLVH, đào tạo từ xa, đào tạo ngắn hạn, trước khi liên kết đào tạo tại địa phương, trường không lập hồ sơ liên kết đào tạo đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt. Năm 2010, trường tự ra đề thi khối C cho 2 kỳ thi tuyển sinh ngành luật kinh tế trái với quy định quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức VLVH.

Vô tư liên kết đào tạo

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc xác định chỉ tiêu hệ VLVH được thực hiện theo Thông tư 57. Chỉ ở hệ chính quy, việc xác định chỉ tiêu mới được dựa trên các tiêu chí bảo đảm chất lượng giáo dục như: tỉ lệ giảng viên/sinh viên, diện tích sàn xây dựng... Còn chỉ tiêu tuyển sinh hệ VLVH, liên thông và văn bằng 2 đào tạo theo hình thức VLVH được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường đó. Tuy nhiên theo ghi nhận, nhiều trường tuyển hệ ngoài chính quy nhiều đợt, chỉ tiêu không công bố cụ thể nên rất mù mờ.

Theo điểm b, khoản 1, điều 5 của Quyết định số 42 về liên kết đào tạo trình độ ĐH, CĐ, TCCN thì trường ĐH chỉ được liên kết với trường trung cấp, ĐH, CĐ và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Trường ĐH Mở TP HCM đang liên kết đào tạo với rất nhiều cơ sở nằm ngoài quy định này.

Trên website của Trường ĐH Mở TP HCM, trường này quảng cáo có mạng lưới 30 địa điểm đào tạo rải khắp cả nước. Trong đó, có nhiều cơ sở liên kết đào tạo sai quy định. Cụ thể, trường đào tạo ngành luật kinh tế hệ VLVH, liên thông, văn bằng 2 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước vào tháng 10-2014.

Vào tháng 12-2014, Trường ĐH Mở liên kết với Trung tâm Dạy nghề huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai khai giảng lớp luật kinh tế ở hệ VLVH, văn bằng 2. Ngoài ra, trường này còn liên kết với hàng loạt cơ sở đào tạo trái quy định như: huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận: 2, Tân Bình, Tân Phú (TP HCM); Trung tâm Dạy nghề quận 2 (TP HCM)...

Còn Trường ĐH Kinh tế TP HCM đang tuyển sinh hệ VLVH tại các tỉnh: Bình Thuận, Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu. Việc tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế TP HCM với các tỉnh nói trên chỉ căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh hệ VLVH của bộ cấp cho trường và công văn cho phép liên kết đào tạo của UBND các tỉnh.

Theo các chuyên gia, hiện cơ quan quản lý vẫn chưa thể kiểm soát nổi hệ chính quy thì hệ ngoài chính quy lại càng dễ thoát khỏi việc hậu kiểm. Đây là kẽ hở để các trường mặc sức đào tạo, liên kết tràn lan.

Hệ liên thông bị lạm dụng

 

Phương thức đào tạo liên thông trong giáo dục ĐH bắt đầu được thí điểm từ năm 2002 và được chính thức hóa năm 2008. Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến giáo dục ĐH thì nhiều cơ sở đào tạo đã lạm dụng phương thức đào tạo này để tăng nguồn thu, thậm chí một số cơ sở còn vi phạm quy chế khi tuyển sinh học viên tốt nghiệp TCCN, CĐ loại trung bình mà không cần thâm niên công tác hoặc thực hiện đào tạo vào các buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần nhưng lại cấp bằng chính quy. Nhiều chương trình đào tạo liên thông chính quy bị cắt xén một cách cơ học, không dựa trên hàm lượng kiến thức mà người học đã tích lũy ở bậc học trước đó.

 

Theo Ngọc Diễm

Người Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm