“Tết ta” trong mắt giáo viên nước ngoài

Tết Nguyên đán luôn là dịp lễ được các em học sinh Việt Nam háo hức mong chờ để có những giờ phút nghỉ ngơi dài ngày bên gia đình. Còn riêng đối với các thầy cô giáo nước ngoài, cụ thể là các giáo viên tại Trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy, Tết luôn là cơ hội quý giá để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Ẩm thực Tết Việt - nét văn hóa không thể bỏ qua

Xuất phát từ truyền thuyết Hoàng tử Lang Liêu sử dụng các loại nông sản quen thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra loại bánh dâng lên vua cha, bánh Chưng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng Tổ tiên vào ngày Tết của người Việt. Đã từng đón 8 cái Tết ở Việt Nam, thầy Charles Whalen Rutherford - Giám đốc Ban Chương trình Giáo dục Quốc tế của Hanoi Academy - luôn cảm thấy hào hứng với món bánh Chưng cổ truyền mỗi độ Tết đến xuân về. Thầy Whalen thích thú chia sẻ rằng trong những năm đầu ở Việt Nam, thầy ăn rất nhiều bánh Chưng. Trong dịp Tết năm ngoái, mặc dù đã cố gắng “kiềm chế”, thầy vẫn ăn không ít hơn bốn chiếc bánh. Tuy nhiên, trải nghiệm ăn bánh Chưng Việt Nam không phải lúc nào cũng dễ dàng với thực khách nước ngoài: thầy Fergal McParland – giáo viên mầm non Hanoi Academy vẫn còn hơi e ngại với món bánh cổ truyền này, trong khi thầy Gautier Quelin – Quản lý Chất lượng và Phát triển Nghiệp vụ – chỉ cảm thấy bánh Chưng ngon miệng sau khi được rán giòn và vàng ruộm.


Thầy Kendal Patrick Rolley - Điều phối viên Bộ môn Tiếng Anh thưởng thức mâm cơm ngày Tết cùng người bạn Việt.

Thầy Kendal Patrick Rolley - Điều phối viên Bộ môn Tiếng Anh thưởng thức mâm cơm ngày Tết cùng người bạn Việt.

Đối với cô Emily Clifford - giáo viên môn Tiếng Anh tại trường, hình ảnh các loại mứt Tết ngọt thơm, đa dạng được bày biện đẹp mắt trong khay mứt tiếp khách tại mỗi gia đình chính là biểu hiện của nét đẹp độc đáo ở ẩm thực Tết Việt Nam. Có thể nói mâm cơm hay khay mứt ngày Tết trong các gia đình Việt luôn được bày biện thịnh soạn với nhiều món ngon và đặc biệt hơn ngày thường, trước là để thờ cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, sau là để cả gia đình vui vầy sum họp cùng nhau.


Gia đình thầy cô Emily Clifford và Colin Clifford quây quần bên bạn bè và các đồng nghiệp trong những ngày đầu năm.

Gia đình thầy cô Emily Clifford và Colin Clifford quây quần bên bạn bè và các đồng nghiệp trong những ngày đầu năm.

Tết Nguyên đán - Tết tình thân - Tết đoàn viên


Con gái của cô Emily Clifford và thầy Colin Clifford được diện Áo dài Việt Nam.

Con gái của cô Emily Clifford và thầy Colin Clifford được diện Áo dài Việt Nam.

Bên cạnh nét ẩm thực đặc sắc, các phong tục tập quán truyền thống của người Việt trong ngày Tết với đặc trưng là coi trọng gia đình và tình thân cũng là lý do níu chân các thầy, cô giáo nước ngoài ở lại Việt Nam. Chia sẻ về kỉ niệm Tết đáng nhớ, thầy Whalen kể: “Tôi đã được trải nghiệm các phong tục khác nhau qua nhiều năm ăn Tết ở Việt Nam, nhưng phong tục ấn tượng nhất với tôi là những buổi sum họp bên gia đình, bạn bè và hàng xóm trong không khí Tết tưng bừng, rộn ràng và tất bật. Thật tuyệt vời khi cảm nhận được không khí lễ hội của gia đình và cộng đồng. Nhiều người Việt Nam dù trễ đến đâu cũng cố gắng thu xếp về quê ăn Tết cùng người thân”.

Đối với thầy Peter McGuigan - Điều phối chương trình Tiểu học, trải nghiệm đáng nhớ nhất là lần ăn Tết cổ truyền tại một làng quê ở Hải Phòng, nơi thầy được sống trong không khí ấm cúng, thử các món ăn truyền thống Việt Nam và cả ly rượu rắn “nhớ đời”. Dù thầy Peter không thể giao tiếp nhiều với các thành viên trong gia đình nhưng chính những nụ cười vui vẻ, sự hiếu khách, tình thân ái, và hương vị ngày xuân đã giúp xóa nhòa khoảng cách ngôn ngữ và văn hóa với những người bạn Việt. Không khí Tết, đặc biệt trong những ngày giáp Tết luôn mang đến cảm xúc nhộn nhịp khó tả và khiến mọi người nhớ tới truyền thống, cội nguồn, sự ấm áp của gia đình quây quần, sum họp. Khi được hỏi về ấn tượng với ngày Tết Việt Nam, các thầy cô đều nhắc tới những hình ảnh rộn rã: đào, quất xuất hiện trên khắp các con phố; trẻ con xúng xính quần áo mới và hớn hở nhận lì xì; hàng người đứng đợi xin chữ cầu may; mọi người chúc nhau năm mới may mắn và đủ đầy. Thời gian sống tại Hà Nội và làm việc tại trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy đã cho các thầy cô giáo nước ngoài có thêm những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống và con người Việt Nam. Dù Tết năm nay mỗi thầy cô đều có những kế hoạch riêng của mình: thầy Gautier ăn Tết tại Hà Nội; thầy Colin quay về Anh cùng gia đình; một số thầy, cô khác tranh thủ đi du lịch và nghỉ ngơi, nhưng có một điểm chung là họ đều dành những tình cảm đặc biệt cho Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

Với những nét ẩm thực phong phú và văn hóa đặc trưng, Tết Việt đã để lại trong lòng các giáo viên nước ngoài nhiều cảm xúc về những trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Từ những kỷ niệm giản dị nhưng chân thành, ý nghĩa này, các thầy, cô ngày càng yêu mến và thêm gắn bó với Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, từ đó càng chuyên tâm với công việc giảng dạy, chăm sóc các em học sinh thân yêu tại trường Hanoi Academy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm